Nếu chúng tôi hỏi bạn: Bạn có muốn kiếm thật nhiều tiền từ tiệm Nail của bạn hay không? Chắc chắn, chỉ có những người ngoài nghề như chúng tôi mới có thể dám trả lời là “KHÔNG”, còn tất cả các bạn làm chủ tiệm Nail thì đến 99% sẽ trả lời là “CÓ”, có phải vậy không? Vì sao? Bởi vì, chẳng có ai dại dột gì mà đem những đồng tiền “đổ mồ hôi – sôi nước mắt” của mình ra để mở một tiệm Nail, mà lại không muốn kiếm thật nhiều tiền từ đó.
Buồn thay, trên thực tế, sự thật, đôi lúc lại thật phũ phàng. Chúng tôi đã từngđược chứng kiến, không ít những bạn làm chủ tiệm Nail đã, đang và rất lúng túng, không biết làm cách nào để có thể kiếm được nhiều tiền từ tiệm Nail của mình; và có cũng không ít bạn, xui xẻo hơn, đã phải ngậm ngùi, đắng cay nhìn những đồng tiền “xương máu”chắt chiu bao năm tháng của mình “không từ, mà biệt”, “lạnh lùng rũ áo” ra đi.
Có lẽ, nhờ công việc của chúng tôi, mà chúng tôi đã có rất nhiều cơ hội để được quen biết với những người, đã từng làm thợ, và làm chủ như thế này.Chúng tôi đã từng có rất nhiều dịp chứng kiến những người thợ Nail làm việc cật lực ra sao? và chúng tôi cũng cảm nhận được hết những gian truân, khốn khó mà những người thợ Nail – rồi làm chủ Nail họ cơ cực thế nào? Thế nên, chúng tôi có thể bảo đảm với bạn, mỗi một đồng tiền kiếm được từ thợ Nail hay chủ Nail đều “mặn đắng những mồ hôi, và nước mắt.” Vậy hỏi bạn, làm sao mà chúng ta không khỏi xót xa, khi nhìn thấy những đồng tiền “chắt chiu” từng ngày, từng tháng, từng năm kia của những người thợ Nail – rồi làm chủ Nail lại từ từ “rũ áo” ra đi, mà không khỏi ngậm ngùi thay cho họ, phải không bạn?
Bởi thế, thể theo lời yêu cầu của một số người quen, và cũng để giúp các bạn chủ tiệm Nail tránh khỏi ngậm ngùi, đáng tiếc vì mất mát. Chúng tôi xin mượn bài viết này, để chia xẻ kinh nghiệm của những người thành công xem họ đã nghĩ gì, làm gì, để đạt được kết quả thành công của họ. Mục đích của chúng tôi, chỉ với một hy vọng duy nhất là: giúp cho các bạn làm chủ tiệm Nail có thể hiểu rõ hơn về sự nghiệp của mình, hầu có thể áp dụng những phương pháp này, giúp cho tiệm của bạn đi đến thành công, kiếm được nhiều tiền hơn như các bạn hằng mong muốn.
Hiển nhiên, với vài trang báo ngắn ngủi này, chúng tôi không thể nào trình bầy một cách chi ly tỉ mỉ, từng chi tiết cụ thể được. Nhưng chúng tôi xin hứa với bạn, chúng tôi sẽ cố gắng cô đọng những phần tinh yếu, quan trọng nhất trong 4 “bí quyết” để giúp cho bạn có được một nền tảng vững chắc. Rồi từ nền tảng đó, mà bạn có thể tùy theo kinh nghiệm, sở trường của bạn mà “phát dương quang đại” cửa tiệm của mình.Thật mong thay, các bạn đang làm chủ tiệm Nail đang gặp những khó khăn, hay đang lúng túng có thể rút ra được vài điều bổ ích để giúp cho cơ sở thương mại của bạn được cải thiện tốt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn; thì đó chính là niềm vui to lớn đối với chúng tôi nói riêng, và cũng là niềm vui và hãnh diện cho cả cộng đồng người Việt nói chung.
Vậy, bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta hãy cùng bắt đầu nhé.
Nếu bạn cho phép chúng tôi hỏi bạn một câu thì chúng tôi muốn hỏi bạn: Nếu muốn kiếm tiền từ tiệm Nail của bạn, thì theo như bạn, là khó hay dễ? Là quá Khó? Là Khó? Là Dễ? Hay quá Dễ?
Nếu câu trả lời của bạn là: Dễ, hay quá Dễ, thì xin chúc mừng bạn.
Nhưng nếu là khó hay quá khó thì sao? Thì chắc chắn bạn đã “quên”, “thiếu” hoặc chưa hiểu rõ ràng và nắm vững 4 yếu tố nền tảng, căn bản quan trọng sau đây:
- Biết tư duy (suy nghĩ) đúng đắn
- Biết mục đích rõ ràng
- Biết bạn muốn gì?
- Biết bạn cần gì?
Đây chính là 4 yếu tố không thể thiếu được của những người thành công, dù cho, họ có là doanh nhân trong bất cứ nghành nghề nào, hay họ là những danh nhân lỗi lạc trên thế giới, tất cả đều vẫn cần phải: đủ và có. Cho nên, chúng tôi gọi đó là: 4 yếu tố căn bản, là nền tảng quan trọng của người thành công. Nếu bạn muốn thành công, muốn kiếm ra thật nhiều tiền, muốn có danh, có lợi, thì bạn không thể thiếu 1 trong 4 yếu tố này.
1. Thế Nào Là Có Tư Duy Đúng Đắn?
Có tư duy đúng đắn, hay có suy nghĩ đúng đắn là có sự suy nghĩ không thiên lệch và thành kiến nhằm mục đích bảo vệ, tôn vinh về mình. Điều quan trọng nhất cần phải có đó là: sự phán xét trung thực về mình. Nhờ sự phán xét trung thực này, mà bạn có thể biết được: đâu là sở trường của bạn? và đâu là sở đoản của bạn?
Biết được sở trường của bạn, sẽ giúp cho bạn phát huy tối đa những ưu điểm của bạn đang có.Và biết rõ về sở đoản (khuyết điểm) của bạn, sẽ giúp cho bạn tìm cách tránh đi,che đi, hay trau dồi, học hỏi thêm, hoặc biết cách dùng những sở trường của những người khác, để hỗ trợ cho sở đoản của mình.
Nhắc đến sở đoản của con người, thì không thể nào không nhắc đến thói quen lầm lẫn tai hại mà không ít người trong chúng ta đã vướng phải khi xét đoán về sở đoản của mình. Đó là: “thói quen” thiếu trung thực ngay cả với chính mình. Không ít bạn đã lý luận với chúng tôi rằng: cổ nhân xưa có câu: “xấu che, tốt khoe”, vậy thì tại sao lại phải “moi” cái “xấu – sở đoản” của mình ra “khoe” để làm gì?
Nếu đứng trên góc độ đối với người ngoài, thì nhận xét của các bạn hoàn toàn hợp lý. Nghĩa là: chúng ta không nên “moi” cái xấu của mình ra, mà còn phải biết che sao cho kín. Nhưng ở đây, chúng ta đang muốn nhấn mạnh đến việc đi tìm hiểu về mình. Nếu như, ngay cả với mình, mà mình cũng không biết rõ mình có những cái xấu nào, thì làm sao bạn biết cái xấu nào mà bạn “che” đây. Cho nên, ứng dụng câu câu ca dao “xấu che, tốt khoe” ở đây thật không đúng chỗ. Thay vì, chúng ta nên đi tìm hiểu cặn kẽ cái sở đoản của mình, thì chúng ta lại tìm cách “nhận chìm” hay “che dấu” nó, khiến cho chúng ta, ngay cả với chính mình, cũng không nhận dạng được nó.Thì hỏi làm sao, trong đời sống hằng ngày, chúng ta không“sầu khổ” vì những thất bại liên miên cơ chứ.
Có một người thợ Nail, tay nghề rất giỏi (sở trường). Chị nghĩ: Nếu chị làm chủ thì sức mấy mà thợ “bắt nạt” được chị. Thế là chị quyết định sang lại một tiệm Nail. Tiệm của chị lúc đó có 7 tới 8 người thợ. Vừa nhận được tiệm, thì chị đã tỏ ra “uy quyền” của người làm chủ ngay. Thấy một người thợ làm cho khách chưa được vừa ý chị; trước mặt khách, chị mắng “xối xả” như “tát nước vào mặt người thợ” bằng “tiếng việt”, khiến người khách ngoại quốc đứng ngẫn ngơ, không biết chuyện gì. Người thợ vì tự ái, “nóng mũi”, đứng cãi tay đôi với chị. Chị tức giận, đập bàn, rồi dùng quyền làm chủ, đuổi người thợ đó. Người khách đứng “chịu trận” giữa cơn thịnh nộ của chị với thợ của chị, sau đó ra về. Mấy ngày sau, trên những trang mạng, người khách viết: “thề một đi không trở lại”. Thế là, trong một ngày mà chị mất đi 2 “chủ lực” đem tiền đến cho chị (sở đoản – không biết cách quản lý, phục vụ và điều hành). Vài tháng sau, thì chị chỉ còn lại có 2 người thợ “yếu tay nghề” mà chị thích họ, vì họ rất biết “nịnh đầm”. Ngày những người thợ giỏi ra đi, cũng là những ngày bắt đầu tiệm chị vắng khách. Cuối cùng, chị đã phải sang lại tiệm với giá “bèo”. Thua lỗ nặng, thiếu nợ nhiều, không còn cách nào khác, chị lại trở về, tiếp tục làm thợ Nail… để trả nợ.
Không cần phải nói, bạn cũng biết nguyên nhân từ đâu rồi phải không? Đúng vậy, đó là vì “bà chủ” này đã “khéo che”, khéo đến độ, ngay cả “bà ta” cũng không nhận ra: đâu là sở trường của mình và đâu là sở đoản của mình; và “bà ta” đã lầm lẫn đến độ, biến cái sở đoản của mình thành cái sở trường của mình. Tai hại thế nào thì bạn đã rõ.
Vậy nếu như bạn muốn tiệm nail của bạn “thất bại” như tiệm Nail của người chủ kia, thì bạn cứ lấy sở đoản của bạn mà làm sở trường của bạn đi. Chúng tôi bảo đảm với bạn, chắc chắn bạn sẽ “thành công”. Nhưng thành công trong “sầu đau” và “mất mát” = thất bại.
Đó chính là lý do tại sao bạn nhất định phải có sự tư duy đúng đắn trước tiên. Bởi vì, ngoài mục đích chính là tìm hiểu cặn kẽ về sở trường và sở đoản của bạn ra, nó còn có một ý nghĩa phụ nữa, đó là khẳng định sựthành công “phải có” thuộc về hướng nào: thành công trong hớn hở, vui tươi, và lợi lộc hay thành công trong sầu khổ, lo âu, và mất mát = Thất Bại. Sự khác biệt giữa hai loại “thành công” này chính là: sự hiểu sâu, nắm vững sở đoản của mình để làm sao che cho khéo. Trong phần kế tiếp, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn làm sao “che” và làm sao “khoe” cho có hiệu quả.
Đọc đến đây thì bạn có thể hiểu, tại sao có sự “Tư Duy đúng đắn” lại đóng vai trò quan trọng thứ nhất rồi phải không? Bởi vì, không có yếu tố này, thì bạn khó mà có thể thực hiện được bước thứ hai, đó là: Biết Mục đích rõ ràng của bạn là gì?
2. Tại Sao Bạn Lại Cần Phải Biết Mục đích Của Bạn Thật Rõ Ràng?
Hãy tưởng tượng, có một người lái tầu ra khơi. Hôm nay thì người đó muốn đi về hướng Đông. Ngày mai, thì người đó lại muốn đi về hướng Tây. Rồi ngày mốt, người đó lại muốn đi về hướng Nam, và ngày kia, thì người đó lại muốn đi về hướng Bắc. Theo như bạn, thì kết quả của người đó sẽ ra sao? Không cần phải nói, ai trong chúng ta cũng biết, nếu người đó không bị chết chìm vì những cơn giông, bão tố đâu đó, thì người đó cũng chết vì đói, hay chết vì khát, hay kiệt lực mà chết trên biển cả mà thôi. Nguyên nhân chết vì đâu? Vì người đó đã không xác định được mục tiêu, mục đích, nơi mình muốn đến cho thật rõ ràng.
Bạn cũng vậy, mà chúng tôi cũng vậy; thông thường, ai trong chúng ta, nếu chúng ta không biết xác định rõ ràng mục tiêu, mục đích mà chúng ta sẽ đến là nơi nào một cách rõ ràng, thì sự thất bại hay chết như người “lái tầu ra khơi” nêu trên là chuyện “tất phải” xẩy ra, không thể tránh được.
Làm một người chủ tiệm Nail, bạn có muốn kết cục tiệm Nail của bạn như người “lái tầu ra khơi” nêu trên hay không? Nói đến đây, thì có thể có nhiều bạn lại không đồng ý với chúng tôi và cho rằng: biết đâu người kia có thể “may mắn” gặp được thuyền khác cứu, hay người đó trôi dạt vào một hải đảo nào đó thì sao? Hoặc biết đâu, chúng tôi “may mắn” gặp được thời, có thể kiếm ra được nhiều tiền thì sao? Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với các bạn.Vì trên đời này, không có chuyện gì là không có thể xẩy ra.
Điều mà chúng tôi thắc mắc là: Tại sao chúng ta lại cứ thích dựa vào sự “may mắn” mà lại không dựa vào thực lực sẵn có của mình? Kinh nghiệm của tất cả các doanh nhân thành công đều chứng minh rằng: sự nghiệp thành công của họ nương tựa trên 90% vào 4 yếu tố nêu trên, và chỉ có 10% thuộc về may mắn mà thôi. Đối với họ, may mắn chỉ là “tô phấn cho xinh”. Có thì tốt, mà không có cũng chẳng sao. Quan trọng nhất, đối với họ là: Nắm vững được 90% thực lực của họ; còn 10% may mắn, họ cũng có thể tạo ra, nếu họ muốn.
Cho nên, thay vì “ngồi chờ sung rụng” thì họ lại nghiêm túc, cẩn trọng thực hiện cho bằng được 4 yếu tố nêu trên. Có lẽ, để “ca ngợi” cho những người thành công này, mà ông bà ta mới có câu: “Thời thế tạo anh hùng, nhưng anh hùng cũng tạo ra thời thế” là thế chăng?
Đọc đến đây, chắc bạn nào không kiên nhẫn sẽ cảm thấy bực bội vì tại sao chúng tôi không vào thẳng đề, mà cứ quanh quanh co co, đến chóng mặt. Sở dĩ chúng tôi phải dẫn dụ, lý luận dài dòng trước khi trả lời câu hỏi: “Tại sao bạn lại cần phải hiểu mục đích của bạn cho thật rõ ràng?” Nguyên do chính là: chúng tôi muốn đưa ra những dữ kiện mà bạn đã có kinh nghiệm, để giúp bạn hiểu và thấy được việc: xác định mục đích của bạn thật rõ ràng sẽ quan trọng như thế nào? Và nó sẽ ảnh hưởng to lớn đến kết quả của bạn ra sao? Rồi từ đó, bạn sẽ tự ý thức và sẽ thận trọng hơn, trong việc tìm hiểu sâu sắc mục đích của bạn là gì?
Vậy mục đích của bạn là gì?
Dĩ nhiên, bạn có cả chục, cả trăm, hay cả ngàn mục đích. Nhưng khi bạn đã chính thức hỏi “chính bạn” về mục đích của bạn là gì? Thì bạn muốn gì? Bạn đang muốn tìm ra phương hướng, nơi đến, kết quả v.v để biết được xem là bạn sẽ đạt được gì từ mục đích đó, và thành quả đó sẽ ra sao?
Chính vì nhờ có sự tư duy đúng đắn ban đầu mà bạn biết được: đâu là sở trường của bạn, và đâu sở đoản của bạn? Nhờ biết được rõ ràng điều này, nên bạn biết: sẽ chọn mục đích nào nên làm trước, và mục đích nào nên làm sau. Mục đích nào có thể làm, và mục đích nào không có thể làm. Mục đích nào thì phải sử dụng sở trường của bạn,và mục đích nào thì phải dùng sở đoản của bạn, để đạt được kết quả tốt nhất.
Đó chính là lý do tại sao “Biết mục đích rõ ràng” phải đứng đằng sau “có tư duy đứng đắn”. Vì không có tư duy đúng đắn thì bạn không thể biết được mục đính rõ ràng.
Lại cũng có một người thợ Nail, có tay nghề rất giỏi. Lần đầu tiên gặp chị (khi đó chị vẫn còn đang làm thợ) lúc nào chị cũng bất mãn về sự đối xử bất công của người chủ. Chị ngán ngẫm với những “nịnh thần” luôn “đâm sau lưng chiến sĩ”. Có những ấm ức, oan uổng mà nhiều khi nuốt miếng cơm, chị nghe mặn cả nước mắt trong lòng. Mỗi ngày đi làm, chị có cảm tưởng như phải mang trên mình tấm áo giáp trăm cân để tránh nạn – an toàn. Đắng cay, chị cố nuốt. Nặng nhọc, chị cắn răng. Chị vẫn nghĩ, nếu một mai có cơ hội làm chủ, chị sẽ không bao giờ đối xử với thợ của chị như thế, và cũng không để cho thợ của chị phải chịu nhiều đắng cay, oan ức như thế. Cuối cùng, sau bao năm cực nhọc, nhẫn nhục, dành dụm, chị có đủ tiền,và chị quyết định ra mở tiệm Nail.
Nửa năm sau, chúng tôi có duyên gặp chị. Ngồi chơi với chị trong nửa tiếng, chúng tôi mới “phát giác” ra …thì ra, cách làm chủ của chị, giống đến 99% như người chủ cũ của chị, mà lúc xưa, chị đã từng than thở với chúng tôi. Chị cũng thích “hách dịch” ra vẻ ta đây là chủ. Chị cũng thích được “nịnh đầm” và cũng đối xử bất công với thợ của chị, y như những ngày chị còn đi làm thợ.
Một năm sau, chúng tôi gặp lại chị, chị lại trở lại làm thợ Nail.Tất cả đắng cay, cơ cực, nhẫn nhục trong hơn 7 năm trời chị dành dụm; mỗi một đồng tiền của chị bẻ ra đều có mồ hôi và nước mắt.Thế mà, chỉ trong vòng hơn một năm làm chủ, chị đã mất đi 7 năm nhẫn nhục chịu đựng; trắng tay và bắt đầu làm lại. Nhìn những giọt nước mắt ngắn dài trên mặt chị, mà chúng tôi cũng xót xa thay cho chị.
Bạn có biết vì sao chị thất bại không?
Bởi vì, chị không có tư duy đúng đắn. Chị không biết đâu là sở trường của mình và đâu là sở đoản của mình.Vì vậy, chị không xác định được mục đích của chị mở tiệm Nail ĐỂ LÀM GÌ? Thất bại của chị đâu có gì đáng ngạc nhiên, phải không bạn?
Nếu chúng tôi nhờ bạn phân tích sự thất bại của chị, bạn có làm được không? Chắc chắn là bạn sẽ làm được phải không? vì nó quá đơn giản:
1-Chị chỉ biết sở trường của mình là có tay nghề giỏi, nhưng chị lại không biết sở đoản của chị là chưa có kinh nghiệm về quản lý, phục vụ và điều hành một cơ sở thương mại. Nếu chị biết rõ sở đoản của mình thì chị đã biết đi tìm những người cố vấn có kinh nghiệm về quản lý điều hành (sở trường của người khác) để giúp chị. Chứ sao lại đi “sao chép” nguyên văn cái cách quản lý và điều hành mà một thời chị ghét cay, ghét đắng, và đã tự nhủ với chính chị là sẽ không làm giống vậỵ Nhưng cuối cùng, thì chị lại làm y chang “giống dzậy”.
2-Chị lại không biết rằng, muốn quản lý và điều hành một tiệm Nail thành công thì không phải chỉ “có tay nghề giỏi” không là đủ, mà chị còn phải có ít nhất thêm 6 điều kiện tất yếu “không có không được”sau đây:
- Làm Chủ: Phải biết nhìn xa và có những sách lược và chiến thuật cho tiệm của chị, không những trong hiện tại mà cả tương lai – (chứ không phải chỉ biết hách dịch, la rầy, và đuổi thợ)
- Làm Quản Lý: Phải biết cách thức quản lý, huấn luyện, ứng xử khéo léo, biết làm sao đưa sự vận hành của tiệm đạt đến mức tốt nhất
- Làm Thợ: Phải có năng khiếu và kỹ thuật cao để huấn nghệ thợ (chị chỉ có được điều này)
- Làm Người Phục Vụ: Phải biết được tâm lý khách hàng họ muốn gì và cần gì? Phải có những kế hoặch thích ứng, và phải biết hướng dẫn và huấn luyện nhân viên của chị làm đúng những kế hoặch đó
- Làm Người Tiếp Thị: Phải có khả năng đưa những phục vụ của thương nghiệp chị đến với khách hàng với những thông tin chính xác, hữu hiệu. Tiếp tục liên lạc với khách hàng để cập nhật thông tin: biết họ muốn và cần gì?
- Làm người Tài chánh: Phải có khả năng chi thu tốt và hoặch định những chi tiêu làm sao cho có hiệu quả, để có thể đem đến khách hàng nhiều hơn từ những chi tiêu của mình
Đối với một người bình thường, đi làm để kiếm tiền, thì chỉ một việc làm thợ thôi, cũng khiến nhiều người cảm thấy đã quá nặng nề. Nay, chị làm chủ một tiệm Nail, lại phải “gánh thêm” trên vai những 5 điều kiện “không có không được” nữa, thì hỏi làm sao mà chị không thấm mệt và ngã qụy cho được.
3- Vì chị thiếu tư duy đúng đắn nên dẫn đến việc chị không biết được mục đích của chị rõ ràng. Giả sử như, nếu chị biết rõ mục đích mở tiệm Nail của chị là “để kiếm nhiều tiền” thì chị sẽ không thể nào cư xử bất công, đầy oán thù với thợ của chị được. Chị phải biết rằng: Người mà quyết định cho chị có thể đạt được mục đích của chị hay không, không phải là chị, mà chính là những người thợ đang làm công cho chị. Chẳng ai dại gì mà đi “thịt” con gà đẻ trứng vàng của mình, khi nó đem đến sự giầu có cho mình; trừ khi, mình không còn muốn giầu có nữa mà thôi.Thế mà chị lại làm.Thật tiếc thay!
Dĩ nhiên, nếu để cho bạn phân tích thêm, thì bạn có thể chỉ ra cả chục, trăm lỗi nữa, nhưng cuối cùng, tựu chung thì vẫn từ chỗ: thiếu tư duy đúng đắn dẫn đến không hiểu mục đích rõ ràng mà đưa đến kết quả: Thành công trong “sầu khổ, bi thương”= Thất Bại.
Vậy nếu bạn muốn thành công dù trong bất cứ vấn đề nào, bạn phải nhớ rất rõ 2 yếu tố quan trọng này: Phải “Có tư duy đúng đắn và “Biết mục đích rõ ràng”.
3. Biết Bạn Muốn Gì
Trước khi muốn biết bạn muốn gì thì chúng ta cần phải hiểu định nghĩa muốn là gì đã.Vậy muốn là gì?
Muốn là một trạng thái tâm lý thuộc về ngã thức, nhằm biểu hiện một sự “khao khát nào đó” của cá nhân, mà “không thoả mãn, thì không được”.Nhắc tới đây, thì không thể nào không nói đến phần lớn chúng ta hay có thói quen lầm lẫn giữa “muốn” và “thích”.Vậy thích là gì?
Thích cũng là một trạng thái tâm lý thuộc về ngã thức, nhằm biểu hiện một sự “ưa mến nào đó”, mà cá nhân dễ dàng thoả mãn: có cũng được, mà không có cũng không sao.
Theo “Law of Attraction”, (chúng tôi vẫn thích dịch thoáng là luật trời cho) thì “trời” chỉ đáp ứng những cái muốn, cái cần của con người và dửng dưng với cái thích của con người. Cho nên, hễ bạn muốn hay cần là bạn sẽ được.
Có nhiều bạn sẽ không chấp nhận điều này, nhưng nếu bạn để ý kỹ trong cuộc đời bạn, thì bạn sẽ thấy: không có điều gì có thể xẩy ra trong đời của bạn, mà không do bạn muốn hay cần mà ra cả. Dù rằng, cái đó là bạn “muốn” hay bạn “không muốn” thì nó cũng là cái MUỐN, của bạn vậy. Nói cho rõ nghĩa hơn là: bạn MUỐN “cái muốn”, hay bạn MUỐN “cái không muốn” thì cũng đều là MUỐN của bạn cả. Tương tự như vậy với CẦN.
Trong đạo phật, có một câu nói rất hay, mang ý nghĩa tương tự: “Hữu Duyên cũng là Duyên mà Vô Duyên cũng là Duyên”.
Có một người lái xe, cứ nơm nớp lo sợ: bị đụng xe. Anh lái rất chậm, luôn nhìn trước, nhìn sau. Vậy mà anh lại bị đụng xe nhiều nhất, thế mới đau chứ. Bạn có biết vì sao không? Vì anh ta “muốn” bị đụng xe đấy mà. Chắc nhiều bạn lại la toáng lên rằng: anh ta “đâu có muốn” bị đụng xe đâu. Bằng chứng là: anh ta luôn đề phòng, lái chậm, luôn nhìn trước, nhìn sau cơ mà. Nếu bạn để ý kỹ, thì bạn sẽ thấy anh ta “đâu có muốn” bị đụng xe đâu, đúng không? Theo “Luật trời cho” thì “sách trời” không có những chữ như “đâu có, không có, không v.v” đứng trước cái muốn. Cho nên, dù anh chàng có “không Muốn” thì “sách trời“ cũng cứ đáp lại cái “muốn”… bị đụng xe của anh mà thôi. Rõ ràng là: anh ta muốn “cái không muốn”, phải không bạn? Mà hễ MUỐN thì được thôi.
Tin vào “luật trời cho” hay không là tùy bạn. Khi nào có dịp bàn về “luật trời cho” và “sách trời” chúng tôi sẽ có dịp thả dàn, bàn sâu hơn. Riêng chủ đề của bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa hai định nghĩa “thích” và “muốn” mà thôi. Rõ ràng, nếu dựa vào định nghĩa của “muốn” và “thích” thì chúng ta thấy:“Muốn” biểu hiện một sự quyết tâm, nỗ lực đạt đến; còn “Thích” thì sao cũng được, không cần phải nỗ lực làm gì.
Một cô gái đi dạo trong một tiệm bán quần áo. Cô thấy chiếc áo xinh xinh, nhưng không đủ tiền mua.Vì chỉ “thích” nên cô về nhà. Vài ba ngày sau, cô không còn nhớ đến chiếc áo đó nữa.
Lại một cô gái khác, cũng dạo và nhìn thấy chiếc áo xinh xinh. Cô “muốn” có chiếc áo đó, nhưng lại cũng không đủ tiền. Cô về tính toán chi ly, tiết kiệm cả tiền ăn trưa, tiền cà phê, cà pháo. Một tuần sau, cô mặc chiếc áo xinh xinh đó, tung tăng, vui vẻ đi chơi với bạn bè.
Bạn có bao giờ thấy hay gặp cả hai trường hợp này chưa? Hay bạn đã có kinh nghiệm về cả hai trường hợp này?
Câu trả lời xin dành lại cho bạn. Mục đích của chúng tôi lại phải dài dòng, cũng chỉ vì, biết chúng ta hay lầm lẫn giữa định nghĩa của “muốn” và “thích”.
Thú thật, trong vài ba chục người quen của chúng tôi làm chủ tiệm Nail, thì có đến hơn 95% đã lầm giữa “thích” và “muốn”. Họ “thích” kiếm tiền, chứ họ không “muốn” kiếm tiền. Bạn không tin ư?
Hỏi: Thế mục đích của anh chị mở tiệm Nail để làm gì?
Đáp: “Muốn” kiếm $100,000 tiền lời một năm
Hỏi: Vậy anh/chị đã đạt được mục đích chưa?
Đáp: Chưa, mới chỉ kiếm được phân nửa.
Hỏi: Vậy sao anh/chị không tìm thêm khách cho đạt mục đích?
Đáp: Thôi, nhiêu đó cũng đủ rồi, làm nhiều chi cho mệt
Bạn có thấy chữ “muốn” rất rõ ràng trong câu trả lời không? Đó, đâu phải là định nghĩa của muốn đâu, mà đó là định nghĩa của “thích” chứ. “Kiếm được thì tốt, mà không được cũng không sao.” Dĩ nhiên, kết quả khác biệt ra sao thì bạn cũng rõ.
Vậy lần sau, bạn có nghe ai đó, hay chính bạn “muốn” một điều gì, thì bạn cũng nên biết phân biệt được đâu là muốn? và đâu là thích? Đơn giản hơn, thì bạn cứ nhớ, hễ “muốn” thì có nỗ lực quyết tâm đạt được; còn thích thì có cũng được, mà không có thì cũng “chẳng chết thằng tây đen nào”.
4. Biết Bạn Cần Gì?
Tuy được sắp xếp theo thứ tự vị trí thứ tư, nhưng “cần” lại đóng vai trò quyết định quan trọng xem những phương tiện nào, điều kiện nào “cần phải có” để thoả mãn cho mục đích và cái muốn của bạn. Thiếu yếu tố “cần” này, thì khó mà bạn có thể hoàn thành được 3 yếu tố nêu trên. Tiếc thay, không ít các bạn chủ tiệm Nail thường “quên” hay thiếu sót trầm trọng phần nàỵ
Vậy Cần là gì?
Cần cũng là một trạng thái tâm lý, nằm trong ngã thức, nhằm biểu hiện những điều kiện, hay phương tiện “phải có và đủ để sống còn.”
Nếu bạn để ý kỹ, bạn sẽ thấy giữa định nghĩa của “cần” và “muốn” khá giống nhau. Cả hai đều mang cùng một tính chất: “không có là không được.”Nhưng nếu cần phân biệt rạch ròi thì cũng không khó lắm.
Thí dụ: bạn muốn sống thì bạn cần không khí để thở. Như vậy, không khí đóng vai trò điều kiện hay phương tiện cho cái muốn của bạn. Không có không khí của “cái cần” thì “cái muốn” sống của bạn không thể thoả mãn được. Hay nói một cách giản dị hơn: cần là phương tiện và muốn là cứu cánh. Có bạn khôi hài hơn thì nói thế này: muốn là cánh tay nối dài của cần.
Trong chủ đề số tới: “Làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền trong tiệm Nail của bạn”, chúng tôi sẽ dành nhiều trang hơn, để giúp bạn: biết làm sao dùng cái “cần” này để “câu cá“. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ ôn lại cả 4 yếu tố quan trọng nêu trên, nhưng chủ yếu sẽ nhấn mạnh về cái cần như: tìm địa điểm ở đâu thì tốt? Tốt là tốt ở chỗ nào? Ai sẽ giúp bạn làm điều này? Làm thế nào mới biết họ có đủ tiêu chuẩn hay không? Tại sao phải cần họ giúp? Dĩ nhiên, sẽ không thể thiếu được những phần quan trọng như: Khách hàng của bạn là ai? Họ thuộc loại nào? Họ muốn gì từ tiệm của bạn? Họ cần gì? Thế nào mới là thợ giỏi? Làm sao giữ được thợ giỏi v.v.
Nếu bài viết này, tạm coi như phần lý thuyết, thì bài sau sẽ chuyên về phần phân tích và thực hành.
Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi đề nghị bạn nên “tự thực hành” xem sao. Cách thức của thực hành cũng thật đơn giản.
Bạn dùng 4 trang giấy trắng. Mỗi trang bạn ghi một câu hỏi. Dưới câu hỏi, bạn dùng viết chia làm hai cột.
Câu đầu tiên thì bạn ghi cột bên trái là “sở trường”, và cột bên phải là “sở đoản.” Rồi bạn cứ điền sở trường của bạn vào bên sở trường, và sở đoản vào phần sở đoản v.v.
Câu số hai thì bạn cũng làm tương tự như câu một. Cột bên trái thì bạn dành cho “mục đích” thuộc về sở trường, và cột bên phải là cho sở đoản.
Câu số ba thì cột bên trái là “muốn” và cột bên phải là “thích.”
Còn câu thứ tư thì bạn ghi những gì mà bạn nghĩ, bạn cần “phải có” để đạt được 3 điều trên.
Chúng tôi có thể bảo đảm với bạn, nếu bạn thật sự nghiêm túc với chính bạn. Bạn thật sự muốn thành công, muốn kiếm thật nhiều tiền từ tiệm Nail của bạn; thì mỗi ngày, bạn chỉ cần bỏ ra 30 phút, ngồi đọc, ghi xuống những câu trả lời cho 4 yếu tố quan trọng nêu trên. Sau 30 ngày, bạn sẽ thấy “kỳ tích” sẽ xẩy ra trong tiệm cũng như trong cuộc đời của bạn.
Hãy nhớ: bạn phải muốn chứ đừng có thích. Nếu không, thì bạn biết kết quả là gì rồi.