Lựa Chọn Và Thiết Kế Tiệm Nail Theo Phong Thủy

Published:

image_pdfPDFimage_printPrint

[vc_row][vc_column][vc_column_text]By Hung Ngo

Ngày nay, khi nói đến Phong Thủy, thì người ta đã chia ra nhiều trường phái khác nhau, trong đó, phải kể đến các trường phái lớn như: Bát Trạch Minh Cảnh, Huyền Không, Dương Trạch Tam Yếu và Huyền Thuật.

Phái Bát Trạch Minh Cảnh: Nguyên lý của phái này là dùng cung mệnh phối hợp với hướng, để xác định họa phúc của con người. Hay nói một cách khác hơn, phái Bát Trạch chú trọng tới sự xác định Thiên Khí phối hợp với Nhân khí, để đem lại sự hòa hợp. Hay còn gọi tắt là nguyên lý Thiên-Nhân tương hợp.

Phái Huyền Không: Phái Huyền Không thì không dùng nguyên lý Thiên-Nhân tương hợp như phái Bát Trạch, mà lại căn cứ vào sự luân chuyển của các luồng khí trong vũ trụ, mà cụ thể là sự vận hành các Phi Tinh trên địa bàn, để xác định họa phúc chi phối mọi vật trên trái đất. Hay nói một cách khác hơn, là phái Huyền Không lại chú trọng vào các quy luật vận hành của vũ trụ, và sự phối hợp giữa Thiên Khí và Địa Khí để xác định họa phúc. Người theo trường phái Huyền Không thì hay chú trọng đến nguyên lý Thiên-Địa tương phối hơn là Thiên-Nhân tương hợp.

Còn hai phái còn lại, chủ yếu nghiên cứu về sự vận hành của Địa Khí (như một số phái Huyền Thuật chuyên nghiên cứu các huyệt vị và âm phần) và một số yếu tố thuộc về Nhân (con người), để vận dụng vào cải biến Phong Thủy (Dương trạch Tam Yếu) v.v.

Ngoài 4 trường phái lớn ra, thì cũng còn một số phái nhỏ khác với những đặc trưng về học thuật và công phu nghiên cứu khác như:

Phái Loan Đầu: Phái này chú trọng đến việc xem xét hình thế tự nhiên của mạch núi dòng sông, quan sát long mạch đến, đi để tìm nơi kết huyệt. Căn cứ, vào hình dạng bố cục của cát, đất, núi, nước đến, nước đi, mà luận cát hung cho huyệt.

Phái Hình Tượng: Phái này cũng căn cứ vào hình thế tự nhiên của mạch núi dòng sông, hình tượng hoá cuộc đất, thành những biểu tượng vô cùng đa dạng của những con vật như: rùa, sư tử, rồng, hình tượng mỹ nữ soi gương v.v… Sau đó, căn cứ vào hình tượng để tìm ra nơi huyệt toạ lạc, từ đó luận đoán phúc hoạ của con người.

Phái Hình Pháp: Phái này chủ trương ứng dụng những phép tắc nhất định trên cở sở của phái Loan Đầu để quan sát thế cục. Phái Hình Pháp chủ yếu luận sự cát hung của huyệt vị phụ thuộc vào những quy tắc của Loan Đầu. Ví dụ: như có một đường chạy đâm thẳng vào huyệt thì luận là thế xuyên tâm v.v.

Không như 4 phái lớn ở trên, 3 phái nhỏ như Loan Đầu, Hình tượng và Hình Pháp không có ranh giới rõ ràng. Chủ yếu của 3 phái nhỏ là căn cứ vào thế núi, mạch núi chạy, để xem xét sự kết huyệt cũng như sự tốt xấu của huyệt. Bởi vì theo Loan Đầu, long mạch có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thẩm định giá trị của huyệt, mà sự biểu hiện của long mạch là thông qua những thế núi bao bọc lấy huyệt.

Ngoài 7 phái lớn nhỏ nêu trên, thì còn có 6 phái về Lý Khí nữa. Các phái về Lý Khí thì dựa chủ yếu vào lý thuyết âm dương ngũ hành, bát quái, hà đồ, lạc thư làm căn cứ luận đoán. Sau đó, đem áp dụng vào huyệt để tìm sự tương giao giữa các nhân tố. Dựa trên căn cứ này. họ sẽ luận đoán sự tốt xấu hiện tại và tương lai. Thường thì các phái này chỉ chú trọng đến dương trạch (nhà ở) mà thôi.

Về Lý Khí gồm có 6 phái nhỏ như sau:

Phái Bát Trạch: Căn cứ vào toạ sơn làm quái gốc, kết hợp với 8 quái còn lại theo du niên tạo thành 8 sao Sinh khí, phúc đức, thiên y, phục vị là tứ cát tinh; ngũ quỷ, tuyệt mệnh, lục sát, hoạ hại là tứ hung tinh. Trong bài trí, thích hợp phương cát, kỵ phương hung. Và điều tối quan trọng của phái Bát Trạch là Đông Tây đồng vị, kỵ Đông Tây hỗn loạn. Bát Trạch cũng áp dụng cho mệnh cung của từng người, người Đông tứ mệnh hợp với hướng Đông tứ trạch, và người Tây Tứ Mệnh thì hợp với Tây tứ trạch. Lý luận này xem ra cũng hơi vô lý, chẳng hạn như, có hàng vạn ngàn người cùng một mệnh Đông tứ trạch thì chỉ ở phương Đông tứ trạch thôi hay sao? Mặt khác, quan niệm căn cứ vào Bát Trạch, để phân chia công cửa phòng ốc là phương pháp tĩnh, không hợp với quan điểm về Dịch lý. Xem ra, có phần thô lậu, giản đơn.

Mệnh Lý Phái: Dựa chủ yếu vào mệnh cung thân chủ, kết hợp với Huyền Không Phi Tinh của các hướng núi để tìm ra các sao chiếu. Sau đó, luận theo âm dương ngũ hành đắc, kỵ, để tìm ra phương vị phù hợp. Kết hợp thêm với trang sức, máu sắc cùng các vật dụng trong nhà để bày bố, hoá giải phù hợp.

Phái Tam Hợp: Căn cứ theo lý luận sơn thuỷ là chính. Huyệt vị phải căn cứ vào bản chất của sơn thủy hay long mạch để xem xét ngũ hành của nhà ở có tương hợp hay không. Với nước/thủy thì phân ra 12 cung vị trường sinh để lựa chọn nước đến, nước đi. Nếu là nước đến thì chọn phương hướng sinh vượng, bỏ phương hướng suy tử. Nếu nước đi thì chọn phương hướng suy tử, mà bỏ phương sinh vượng. Phái này chủ yếu áp dụng cho âm trạch (mộ phần).

Phái Phiên Quái: Chủ yếu dựa vào phiên quái pháp do Hoàng Thạch Công khởi xướng, hình thành Cửu tinh Bát Quái là tham lang, cự môn, lộc tồn, văn khúc, liêm trinh, vũ khúc, phá quân, tả phụ, hữu bật, phối hợp với sơn thuỷ bày bố xung quanh huyệt để luận đoán cát hung.

Phái Tinh Tú: Dùng 28 tinh tú phối chiếu, căn cứ vào ngũ hành của sao, phối hợp với nguyên tắc của phái Loan Đầu, núi sông để luận đoán cát hung.

Phái Huyền Không Phi Tinh Quái: Phái này căn cứ vào Hà đồ, Lạc thư đề xuất Cửu tinh là Nhất bạch, Nhị Hắc, Tam Bích, Tứ Lục, Ngũ Hoàng, Lục Bạch, Thất Xích, Bát Bạch, Cửu Tử, được bầy bố theo thời gian chiếu vào các cung vị xung quanh huyệt. Ngoài ra còn có phi tinh của hướng núi toạ huyệt, căn cứ vào phi tinh và vận tinh đó để luận đoán sự phối hợp tốt xấu, với hình thế núi non sông nước xung quanh huyệt hình thành hoạ phúc.

Như vậy, tổng cộng lớn nhỏ thì Phong Thủy ngày nay, ít nhất cũng có 13 trường phái. Mỗi trường pháp đều cho mình là chính thống theo Phong Thủy. Nhưng có phải thật thế không? và đâu mới là khoa Phong Thủy chính thống?

Khoa Phong Thủy chính thống được bắt đầu bằng 2 chữ Phong Thủy mà không thêm bất cứ một từ nào khác. Tại sao người tổ sư khoa Phong Thủy lại chỉ chọn hai chữ Phong Thủy mà không chọn những chữ khác?

Đơn giản là vì, người sáng lập ra môn Phong Thủy muốn nhấn mạnh đến yếu tố chính của môn học chỉ là Phong và Thủy. Cho nên, nếu muốn biết 13 trường phái Phong Thủy của ngày nay, có phải là chính thống hay không, thì chúng ta chỉ cần xét xem các trường phái đó, có đào sâu vào sự ứng dụng của Phong và Thủy hay không? Rõ ràng, chúng ta thấy cả 13 trường phái lớn nhỏ, không có trường phái nào chú trọng đến Phong và Thủy cả. Ngược lại, thì họ lại chú trọng vào Thiên Địa Nhân, Tinh Tú, Sơn, Sa, Huyệt Vị v.v. Có thể nói, các khoa đó, không liên quan gì đến Phong Thủy Chính Thống cả, mà tất cả 13 trường phái đó, phải nói là liên quan trực tiếp đến môn học về Thiên Văn và Địa Lý thì đúng hơn là Phong Thủy.

Vì thế, nếu bạn muốn biết Phong Thủy là gì? để áp dụng cho tiệm Nail của bạn, thì bạn nên tìm hiểu về Phong Thủy chính thống trước đã.

Vậy Phong Thủy chính thống là gì ?

Theo từ ngữ Hán Việt, Chữ Phong là gió-không khí và Thủy là nước. Không cần phải giải thích, ai trong chúng ta cũng biết, không khí và nước là 2 tố chất quan trọng nhất liên quan trực tiếp đến sự sống còn với con người. Người ta có thể chết trong vòng vài phút nếu không có không khí, và sẽ chết trong vài ngày, nếu như không có nước.

Như vậy, nếu chúng ta đem so sánh giữa hai chữ Phong và Thủy thì chúng ta thấy chữ Phong quan trọng hơn chữ Thủy. Vì thời gian ảnh hưởng đến mạng sống của con người nhanh hơn, cho nên chữ Phong được đặt trước chữ Thủy để nói lên tầm quan trọng của cái nào hơn cái nào.

Có thể nói, người sáng lập ra môn Phong Thủy đã xác định rõ mục đích của khoa phong thủy là gì? và phải làm gì? để kiện toàn 2 tố chất quan trọng này trong đời sống. Tiếc thay, sau này, nhiều người chỉ học ngoài “da” mà quên đi phần “tủy”. Từ đó, họ thần thánh hóa, kết hợp thêm nhiều môn khác vào Phong Thủy và biến Phong Thủy trở thành một môn học đầy những sự huyền bí, mâu thuẫn, hoang đường, và thiếu khoa học.  Thậm chí, có nhiều nhà phong thủy còn dùng cả bùa chú vào phong thủy để hù doạ, khủng bố tinh thần, khiến cho nhiều người, vì không có kinh nghiệm về phong thủy, vì sợ phải làm theo một cách phản khoa học.

Nếu cứ xét đúng theo mục đích chính của người sáng lập ra môn Phong Thủy, thì bạn sẽ thấy rằng, mục đích của khoa Phong Thủy là làm sao để cải thiện môi trường chung quanh cuộc sống, để cho không khí luôn điều hoà đầy đủ, nước dùng luôn sạnh sẽ không thiếu thốn, khiến cho sự sống của con người, sống trong môi trường đó, không bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và mạng sống, thì bạn sẽ không rơi vào hoang mang sợ hãi, khi gặp phải một “thầy phong thủy” tuyên bố nhà bạn có vấn đề về Phong Thủy.

Vì vậy, nếu Bạn muốn dùng Phong Thủy để sắp xếp tiệm Nail của Bạn thì cách tốt nhất là Bạn nên dùng khoa Phong Thủy Chính Thống hơn là những khoa Phong Thủy theo   các trường phái Phong Thủy ngày nay. Bỏi vì nó đơn giản và rất là khoa học.

Dĩ nhiên, muốn thiết kế một tiệm Nail của Bạn để có lợi và phát triển lâu dài thì ngoài vấn đề chọn trường phái về Phong Thủy ra, Bạn cũng nên có thêm một chút kiến thức về nghành Nail, cũng như những vấn đề nổi cộm. Bởi vì, nó sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến cách chọn và thiết kế tiệm Nail của Bạn sao cho thích hợp.

Theo thống kê của Bộ Lao Động Mỹ, trước khi người Việt bước vào trong nghành Nail, thì tổng số thu nhập của nghành Nail chỉ khoảng 2 triệu dollar. Nhưng theo thống kê mới nhất 2015, thì nghành Nail tổng số thu nhập đã lên hơn 8 tỷ dollar, và mỗi năm tăng 1.6% cho đến năm 2022. Trong tổng số nhân công và chủ của nghành Nail trên nước Mỹ, thì người Việt chiếm đến 51% (tăng 3% so với năm 2013 là 48%), người Mỹ chiếm 40% (43% trong năm 2013 – giảm 3 %) còn lại 9% thì chia đều cho các sắc dân khác.

Có thể nói, công đầu trong việc phát triển của nghành Nail thuộc về cộng đồng người Việt. Và công lao lớn nhất, đó chính là biến một nghành phục vụ về đẹp chỉ dành riêng cho người giầu (trước 1975) thành đại chúng (ai cũng đều có được vẻ đẹp không kể giầu nghèo). Nhưng có một điều khá buồn đó là, vì không có điều kiện, thời gian và sự sống thúc bách, nên người Việt khi bước vào nghành Nail, chỉ được học về kỹ thuật làm Nail, mà không có thời gian để học hỏi kinh nghiệm làm chủ như thế nào.

Muốn làm chủ thành công, thì ngoài kỹ năng làm móng ra, một người chủ cần phải có ít nhất thêm 5 khả năng khác như: tiếp thị, quản lý, điều hành, tài chánh và phục vụ.

Tiếc thay, trước khi làm chủ, các chủ Nail Việt không bỏ thêm thời gian để nghiên cứu học hỏi thêm về những khả năng nêu trên. Cho nên, sau một thời gian tích góp, thì mua một tiệm Nail về làm chủ, và copy nguyên văn cách thức quản lý điều hành, tiếp thị, phục vụ, theo người chủ cũ, mà không biết rằng, ngay cả người mình đi copy cũng đang vướng mắc và thiếu sót hoặc sai lầm trầm trọng.

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, thì chúng ta cũng thấy mỗi tiệm có một nét riêng. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, thì phần đông đều rơi vào bế tắc trong tiếp thị, quản lý, điều hành, tài chánh và phục vụ

Ai cũng biết, muốn sinh tồn trong kinh doanh thì phải có khách và có thợ. Nhưng nếu không có kinh nghiệm về tiếp thị thì không thể nào khiến cho khách biết mình là ai? có thích hợp với điều họ muốn không? Nên thường rơi vào tình trạng thiếu khách. Một trong những sai lầm nghiêm trọng là các chủ Nail thường hay lầm lẫn “tiếp thị” là “quảng cáo.”

Tiếp thị là chữ Hán Việt. Tiếp nghĩa là đưa vào thêm vào, và Thị là Chợ. Như vậy, Tiếp Thị theo nghĩa đen là Đưa tên tiệm của mình vào nơi đông người, và nghĩa bóng là giới thiệu tiệm mình đến người tiêu dùng.

Cách thức tiếp thị đúng cách là phải dùng những “lời có cánh” làm sao để thuyết phục những khách tiềm năng (chưa biết đến tiệm của Bạn) tin tưởng rằng, tiệm của Bạn, có thể đáp ứng đúng nhu cầu muốn và cần của khách.

Từ sự tin tưởng đó, họ mới chịu bỏ tiệm cũ của họ đang có, để về tiệm Bạn. Muốn viết được những “lời có cánh” đó, đòi hỏi người tiếp thị phải giỏi về tâm lý, phải biết chọn lựa từng câu từng chữ, phải hiểu được tâm lý của khách thuộc loại nào? Mỗi loại khách khác nhau họ phải dùng chữ nghĩa khác nhau để giới thiệu. Cho nên, những người cố vấn tiếp thị giỏi của người Mỹ, khi Bạn muốn sử dụng họ, thì giá không rẻ chút nào. Một giờ họ có thể tính bạn cả ngàn đô là chuyện nhỏ.

Những công ty lớn hay thành công trên nước Mỹ nói riêng,và thế giới nói chung, đều có một đội ngũ nhân viên tiếp thị. Nhưng mỗi năm, họ vẫn phải chi ra hàng triệu đô để mời các chuyên gia cố vấn bên ngoài về, để hỗ trợ thêm cho ban tiếp thị của họ. Hãng Coke một năm tiêu hết 300 triệu dollar cho tiếp thị, để giữ hình ảnh Coke trong tâm thức của người tiêu dùng.

Viết như vậy, để Bạn thấy, tiếp thị đóng một vai trò vô cùng quan trọng như thế nào tới việc sống còn của một công ty.

Theo thống kê của các nhà tiếp thị, thì muốn thuyết phục một người khách tiềm năng (prospect) để họ tin tưởng tiệm của bạn thì mức độ khó lên gấp 5 lần, nếu đem so với khách hàng quen sẵn có của bạn.

Hay nói một cách đơn giản hơn là, tìm một khách hàng mới đến tiệm của bạn khó gấp năm lần, nên sự tốn kém về tiền bạc cũng phải tăng gấp 5 lần.

Sau khi đã tiếp thị xong (không phải chỉ một lần là đủ, mà có khi nhiều lần tùy theo loại khách), rồi mới đến phần quảng cáo để giới thiệu về dịch vụ, trong dó bao gồm các phần như tặng quà, giảm giá v.v để tiếp tục thuyết phục khách.

Viết những mẫu quảng cáo này cũng lắm công phu, vì phải dựa và quá trình tiếp thị, rồi mới quyết định dùng những lời lẽ nào để đánh tan tất cả sự nghi ngờ còn lại trong lòng khách hàng. Chứ không phải cứ gắn lên 20% off là khách sẽ đến tiệm. Nếu muốn giảm giá (discount) thì phải giải thích nguyên do tại sao lại giảm giá. Nếu không giải thích rõ ràng, thì sẽ tạo cho khách tiềm năng thêm nhiều nghi ngờ về những “lời có cánh” từ tiếp thị đầy tốn kém để kiếm khách. Và khi khách tiềm năng nghi ngờ, bỏ qua không sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của tiệm, thì mẫu quảng cáo này, không những trở nên vô dụng, chẳng được gì, mà còn gây ra tổn thất trầm trọng cho chủ tiệm.

Dĩ nhiên, muốn đi sâu vào chi tiết của tiếp thị thì là chuyện dài nhiều tập. Nhưng với một vài nét về tiếp thị để cho Bạn thấy, nó không hề đơn giản chút nào, và đòi hỏi rất nhiều thời gian để học hỏi nghiên cứu và thực hành.

Vì thế, với sự giới hạn về thời gian, cũng như eo hẹp về tiền bạc và kiến thức cùng kinh nghiệm, nên các chủ tiệm nail, khi vắng khách, lại vất ra một mớ tiền cho các công ty quảng cáo.  Các công ty quảng cáo, cũng không thèm biết là tiệm này có quá trình tiếp thị thế nào, mục đích ra sao … Họ cứ theo mấy cái mẫu có sẵn, rồi chỉ thay đổi tên tiệm địa chỉ và giá cả rồi in ấn gởi đi, mặc kệ là tiệm đó có khách hay không?!

Các chủ Nail, sau khi quảng cáo xong, mà không có khách, thì quay sang làm các việc khác như cho loyalty card, tặng quà v.v.  và nếu như không có thêm khách, thì cuối cùng là các tiệm Nail Việt dùng chiêu “lấy công làm lời – hạ giá.”

Từ đó, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá kéo khách, phục vụ không chu đáo, khiến cho tai tiếng và phẩm chất càng lúc càng xuống cấp nghiêm trọng và cuối cùng đi đến dẹp tiệm.

Như vậy, chúng ta thấy, kết quả của sự xuống giá, cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến làm ẩu, dẹp tiệm v.v. phát xuất từ nguyên nhân không biết làm sao giới thiệu tiệm mình đến khách hàng, không biết khách hàng của mình là ai? Không biết khách mình muốn gì và cần gì? Hay ngắn ngọn hơn là không biết tiếp thị ra sao?  mới dẫn đến kết quả đang đau lòng này.

Muốn giải quyết một vấn đề dù lớn hay nhỏ đều có chung một nguyên tắc, đó là, phải tìm ra được nguyên nhân mới có thể chữa trị tận gốc. Chứ nếu cứ phỏng đoán hoặc đoán già đoán non, rồi khuyên các chủ tiệm Nail là “đừng nên phá giá”, hoặc “phá giá là tự giết mình”, hay “phá giá dẫn đến làm ẩu vi phạm luật pháp” v.v. thì chẳng bao giờ đem đến kết quả.

Sở dĩ chúng tôi phải dài dòng như vậy để Bạn thấy Tiếp Thị quan trọng như thế nào?  Và Bạn cũng nên nhớ, Tiếp Thị mới chỉ là một phần trong 6 phần của một người làm chủ thành công. Nếu như Bạn làm không đúng cách, thì đã đem đến thất bại rồi, huống hồ chi các chủ Nail Việt lại thiếu đến 5 trong 6 phần.

Hay nói gọn hơn, thiếu 5 trong 6 phần, mới là nguyên nhân chính dẫn các chủ tiệm Nail Việt đến thất bại, chứ không phải vì phong thủy tiệm có vấn đề.

Thế nên, có thể nói, Phong Thủy chỉ là sự hỗ trợ trong quá trình tạo ra kết quả của vấn đề, chứ phong thủy không phải là nguyên nhân tạo ra vấn đề. Vì thế, dùng phong thủy trong tiệm của bạn, chỉ mang tính cách “cầm đau tạm thời” chứ không mang tính “chữa trị tận gốc.”

Nhưng trong lúc Bạn “cùng đường,” thì một ngõ hẹp cũng có thể cho bạn thêm hy vọng. Nhưng đó không phải là đại lộ thêng thang mà bạn mong muốn, nên khi sử dụng sơ đồ này, bạn đừng xem nó là “bùa hộ mạng.” Nếu không thì bạn sẽ “mất mạng” như chơi.

Vì vậy, trước khi bạn đọc tiếp, một lần nữa chúng tôi xin cảnh báo bạn, bạn phải kiểm chứng tất cả mọi thông tin trước khi thực hành. Ngay cả bài viết này, bạn cũng đừng tin ngay, mà phải kiểm chứng qua sư tư duy và thực nghiệm của chính mình.

CHỌN TIỆM NAIL

Phần đông, các chủ tiệm Nail, nếu mua lại một tiệm Nail cũ thì không có quyền lựa chọn hình dáng của căn tiệm, trừ khi kiên nhẫn tìm kiếm được đúng cơ sở mà mình muốn tìm.

Một tiệm Nail, muốn thiết kế theo phong thủy được gọi là lý tưởng, thì tiệm Nail đó nên theo hình chữ nhật hơn là các hình dạng khác. Thông thường, các thương xá họ cũng thích chia tiệm theo hình thức mặt tiền thì ngắn, và chiều sâu thì dài (hình chữ nhật mà mặt tiền-cửa nằm theo chiều rộng chứ không phải chiều dài). Như vậy họ có thể cho mướn được nhiều tiệm có nhiều mặt tiền hơn là thiết kế mặt tiền theo chiều ngang (hình chữ nhật mà mặt tiền là chiều dài chứ không phải chiều rộng). Vì vậy, đây không phải là một vấn đề lớn, để cách bạn quan tâm, trừ khi rơi vào các trường hợp đặt biệt.

Sự thiết kế theo hình chữ nhật, lấy chiều rộng làm mặt tiền, và chiều dài làm chiều sâu này, theo phong thủy là tốt nhất.

Vì sao?

Vì thiết kế một tiệm thương mại khác với thiết kế một căn nhà. Căn tiệm được coi là cơ sở chính để sinh ra tiền. Cho nên, trong căn tiệm phải phân làm 3 phần rõ rệt.

Phần phía trước gọi là ĐẦU, bao gồm cửa ra vào gọi là miệng. Vào sâu ở trong, thì đến phần BỤNG, đây là phần chính để đẻ ra tiền. Muốn làm ra nhiều tiền thì bụng phải lớn, mới có thể dung chứa hết các thức ăn. Phần thứ ba, là phần HẬU để giải toả những thức ăn dư thừa. Điều này giống như khi ăn quá nhiều, mà không tiêu hoá được, hoặc không thải bớt ra ngoài được, thì cơ thể sẽ sinh bịnh. Dĩ nhiên, tùy theo phần ăn là gì thì bịnh nặng nhẹ khác nhau.

Vì thế, tỷ số căn bản để tạo nên sự quân bình đó là 3/5/2 .

Trong đó, 3 phần thuộc về phần ĐẦU. 5 phần về phần BỤNG và 2 phần về phần HẬU.

Thí dụ nếu tiệm bạn mướn là 1000sf, thì 300 sf đầu được dùng để đặt bàn tiếp tân, ghế bàn cho khách đợi v.v. 500sf sau bàn tiếp tân, là chỗ thiết kế cho toàn bộ spa và bàn ghế cho thợ của bạn ngồi. 200sf còn lại thì dùng cho phòng vệ sinh, phòng ăn và phòng dụng cụ v.v.

Tại sao lại phân chia theo tỷ lệ 3/5/2 ?

Như trên chúng tôi đã nhấn mạnh, cửa ra vào được ví như miệng, nếu miệng có to thì mới có thể chứa nhiều, ăn nhiều. Cho nên, phân 3 phần cho miệng mang ý nghĩa có khả năng ăn và chứa được nhiều. Nếu phần này thu nhỏ lại, thì phần bụng sẽ to hơn, nên cần nhiều thức ăn hơn; mà miệng lại nhỏ không cung phụng kịp, sẽ tạo nên hiện tượng đói ăn.

Còn nếu làm phần miệng to hơn, thì phần bụng sẽ nhỏ hơn. Cho nên, miệng ăn quá nhiều, mà bụng không tiêu hoá kịp, thì sinh bị nghẹn, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, tỷ lệ 3 phần miệng, 5 phần bụng, sẽ tạo nên thế quân bình khi miệng ăn bao nhiêu, bụng cũng tiêu hoá hết bấy nhiêu. Sự không bế tắt, hài hoà giữa cung và cầu, giữa miệng và bụng, tạo nên một cơ thể khỏe mạnh. Từ cơ thể khỏe mạnh này, mới có thể phát triển cao lớn, to hơn.

Nếu như phần trên được chia theo tỷ lệ 3/5 đã ổn, thì phần dưới cũng phải dung hoà. Giả sử, nếu phần sau lớn hơn hai phần, thì phần bụng phải nhỏ lại. Đã thiếu ăn, mà còn phải thải ra ngoài nhiều, thì khiến cơ thể suy dinh dưỡng, trở nên èo uột, khó sống lâu.

Cho nên theo tỷ lệ 3/5/2 có thể nói là hợp lý nhất.

Dĩ nhiên, mỗi chúng ta đều có quyền tự chọn để gia giảm sao cho hợp với cái muốn của mình. Đây không phải là “tiêu chuẩn vàng” để bạn phải tuân theo. Mà cũng chẳng có “tiêu chuẩn vàng” là tuyệt đối cả. Vì vậy, khi ứng dụng, Bạn phải thông minh, đừng vì đó là tiêu chuẩn mà đa số chấp nhận, thì mình phải tuân theo. Muốn theo thì phải xét coi có thích hợp với mình không đã. Nếu không thì phải sửa đổi sao cho thích hợp với mình.

THIẾT KẾ TIỆM NAIL.

Thiết Kế Phần Đầu

Vì phần đầu chiếm 3 phần, nên sự thiết kế tuỳ theo số tiền Bạn có thể chi ra bao nhiêu. Nhưng những nét căn bản chính thì không thể thiếu.

Nếu tính từ trong tiệm ra ngoài cửa chính (3 phần diện tích – 300 sf) thì bạn phải dựng một bức tường đụng trần, hay gần đụng trần cũng được, tuỳ theo người thiết kế, nhưng nhất định không được thấp ngang đầu người để che kín phần bụng.

Trên bức tường ngăn đó, bạn phải có hai cánh cửa 2 bên, gọi là lối vào và lối ra. Trước mặt bức tường, là bàn tiếp tân hay trưng bầy sản phẩm của bạn. Trên bức tường là logo và tên tiệm của bạn (to nhỏ tùy thích nhưng to thì tốt hơn). Không gian còn lại của phần ĐẦU dành cho ghế bàn khách đợi.

Bạn có thể trang trí những cây xanh như cây phát tài hay lá trầu bà v.v. Nhớ là phải trồng cây lá xanh, chứ đừng trang trí bằng những vật không có sự sống như cây giả, hoa giả hay cây khô, cành khô v.v. Vì chúng ta cần khách “sống” để đến tiệm. Nên sự tiếp lực từ những cây sống vẫn tốt hơn. Theo khoa học, thì cây hút thán khí và nhả ra dưỡng khí. Còn người thì hít dưỡng khí và thải ra thán khí. Cho nên, cây sống hỗ trợ đắc lực cho con người hơn cây chết hay cây giả.

Dĩ nhiên, nếu bạn có nhiều tiền hơn, thì bạn có thể thay bức tường bằng vôi thành bức tường bằng kính dầy hơn. Công dụng của kính không những làm cho tiệm của Bạn sang trọng, mà còn có một tác dụng khá quan trọng là phản chiếu khiến cho những luồng khí khi đi vào sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều. Vì vậy, trong phong thủy người ta hay dùng kính để trấn áp những luồng khí xấu. Và 2 cửa ra vào, bạn cũng có thể thay bằng cửa kính, hay những bức rèm, thiết kế theo kiểu phương tây.

Tóm lại, đây chỉ là thêm cành lá cho xôm tụ, xinh tươi, có cũng được tốt thêm một tí, mà không có cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều.

Thiết Kế Phần Bụng

Muốn thiết kế phần BỤNG theo đúng phong thủy, thì bạn nên biết thêm một ít về danh xưng trong phong thủy. Theo phong thuỷ, thì “tả thanh long – hữu bạch hổ” có nghĩa là bên tay trái của bạn (đứng ở trong cửa tiệm nhìn ra, không phải bên ngoài nhìn vào) là Thanh Long (rồng xanh) và bên tay phải của bạn là Bạch Hổ (cọp trắng).

Biểu hiệu của Thanh Long là sự vẫy vùng thăng tiến. Biểu hiện của Bạch Hổ là tài chánh, luật pháp, công quyền.

(Thú thật, cho đến nay, chúng tôi vẫn không biết tại sao các nhà phong thủy lại gọi là Bạch Hổ, nên chỉ đoán mò theo suy nghĩ thế này. Ngày xưa, người ta thường hay đi săn bắn, và săn được hổ thì rất quý. Nên họ thường lấy da hổ để làm quà cho các chức quan quyền. Hổ thường đã quý, hổ trắng còn quý gấp trăm lần. Cho nên, da hổ trắng có thể sánh với dạ minh châu. Vì vậy, thường phải tặng cho các vị quan cao nhất. Các vị quan cao khi ngồi trên ghế muốn chứng tỏ uy quyền thường phủ da cọp trắng. Mà quan cao chức lớn, thì có tiền và có quyền và họ làm ra luật. Không biết có phải vì thế mà ví Bạch hổ là biểu tượng của tài chánh, luật pháp hay không? – vẫn còn đang nghiên cứu)

Vì Thanh Long là rồng xanh. Mà rồng muốn phát huy hết tác dụng thì Rồng phải có nước. Nước càng nhiều bao nhiêu, thì Rồng càng vùng vẫy thăng tiến bấy nhiêu. Cho nên, những ghế spa sử dụng đến nước thì nhất định phải đặt về bên của Thanh Long (bên tay trái từ trong tiệm nhìn ra) để tiếp sức cho rồng xanh cứ tiến không lùi. Cùng bên với Thanh Long cũng là phòng vệ sinh, phòng giặt khăn – liên quan đến nước. Như vậy có thể nói tất cả những phục vụ nào liên quan đến nước thì đều đặt về bên tay trái.

Các ghế spa khi xếp về bên tay trái, thì không được xếp quay mặt khách ra ngoài, mà phải quay mặt khách vào bên trong. Có nghĩa là thành ghế của ghế spa sẽ đối diện với lối vào. Và phải sắp xếp theo hàng dọc (người khách ngồi ghế Spa thứ nhất sẽ thấy thành ghế (lưng ghế) của ghế Spa thứ hai.) Sự sắp xếp như thế này có 4 điểm lợi:

  1. Tạo ra một không gian riêng tư cho khách (người khách, đặc biệt người Mỹ luôn xem trọng vấn đề riêng tư này) và tránh tạo ra sự xung đột giữa khách này, với khách kia, nếu xếp ngồi theo hàng ngang
  2. Dùng lưng ghế thứ hai để ca ngợi, khích thích, hay truyền cảm hứng cho khách (thí dụ: “Please sit comfortably before we can take you to your happy land”, hay bạn có thể chọn những câu mang tích chất truyền cảm hứng như: “You can’t change the direction of the wind, but you can adjust your sails to always reach your destination, Congratulations!” v.v Dĩ nhiên, nếu bạn có thời gian thì bạn nên thay đổi câu mỗi tuần, để khi khách đó trở lại, họ lại thấy những câu truyền cảm hứng mới. Cách này giúp cho tiệm của bạn có một sắc thái mới khiến khách vui hơn, và cảm thấy hứng thú hơn. Nếu bạn nào chịu khó, thì có thể trang trí như thắt nơ hay gì đó tùy thích, trên trang giấy được bọc plastic bên ngoài. Đây là cách thức mà bạn hay gặp khi lên máy bay. Sau lưng hàng ghế bạn ngồi luôn có một màn hình nhỏ trước mặt. Các hãng máy bay đã tốn cả hàng chục triệu đô để nghĩ ra phương pháp lấy lòng khách kiểu này. Tại sao bạn lại không dùng thành quả của họ trong tiệm Nail của Bạn nhỉ? Muốn tìm các câu truyền cảm hứng đó, bạn có thể vào Google rồi đánh 2 chữ: inspirational quotes thì bạn tha hồ mà lựa chọn mà không cần phải suy nghĩ. Nên nhớ: nếu bạn muốn sử dụng mà không bị thưa kiện, thì bạn phải đề tên tác giả và website mà bạn trích. Cách hay nhất là bạn bỏ câu bạn trích vào trong 2 ngoặc kép, hàng dưới bạn đánh quotes from “author name”, và hàng cuối là tên của website. Chắc ăn nhất thì bạn nên viết email cho người quản trị website đó để xin phép họ).
  3. Tác động lên tiềm thức của khách khiến họ luôn chú tâm vào tiệm mà không bỏ đi tiệm khác. (vì mặt của họ luôn hướng vào bên trong tiệm bạn mà không nhìn thấy gì khác, ngoài tiệm bạn)
  4. Tác động lên tiềm thức của khách tinh thần kỷ luật, mà họ đã được giáo dục từ trường học, cũng như nơi làm việc (các bàn ghế được sắp xếp ngay hàng thẳng lối) khiến họ có thể kìm chế cảm xúc của họ tốt hơn.

Trên tường bên tay trái, Bạn có thể dùng những bước tranh liên quan đến bãi biển, những hình nghỉ ngơi, nằm phơi nắng trên bãi biển, hay cười đùa trên bãi biển v.v. những bức tranh này ngoài tác dụng đem phần nước mạnh cho Thanh Long ra, còn khích thích và đánh thức dậy cảm giác nhẹ nhàng, thảnh thơi, vui đùa hạnh phúc của khách trong những lúc họ vacation.

Đừng bao giờ treo những bức tranh bông hoa lòe lẹt hay sa mạc v.v. Vì những bức tranh này không những lấy mất nước của Thanh Long mà luôn tạo cảm giác khô cằn nhàn chán.

Bạn nên nhớ: Đa phần khách làm Nail của Bạn, công việc của họ làm thuộc về hành chánh, văn phòng, giao tiếp v.v. Trong công việc của họ, họ đã chịu rất nhiều stress. Cho nên, bạn phải có những bức tranh/hình làm sao khơi dậy sự nhẹ nhàng, vui tươi thoải mái trong họ. Đừng tạo thêm áp lực cho họ qua những bức tranh khô cằn và nhàn chán.

Song song với hàng ghế Spa là những bàn làm Nail cũng đều sắp theo hàng dọc như sau:

  • Ghế khách ngồi (quay mặt vào tiệm – mầu xanh lục – thuộc Mộc)
  • Bàn làm Nail (mầu trắng nếu bằng kim loại tốt nhất – thuộc Kim)
  • Ghế ngồi của thợ Nail (quay mặt ra cửa – mầu vàng hay phủ che vàng – Thổ)

Tại sao ?

Vì theo Ngũ Hành Sinh, thì Thổ sinh Kim, Kim Sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hoả, Hỏa sinh Thổ; hay ngũ hành khắc là: Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hoả, Hỏa Khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ.

Về Mầu sắc thì Thổ = mầu vàng, cam nhạt, Kim = Mầu Trắng hay xám nhạt, Thủy = mầu đem hay mầu tím xậm, Mộc = Xanh lục đậm hay xanh lá cây, Hỏa = Mầu đỏ, cam đậm v.v.

Như vậy khi sắp ghế theo mầu sắc thì chúng ta thấy Ghế Thợ (Thổ) sẽ sinh Bàn (Kim – tiền bạc) và Bàn Kim khắc  ghế Mộc (khách).

Hay có thể nói khác hơn là, khi chọn lựa cách thức này, bạn muốn thợ của bạn hỗ trợ bạn kiến ra tiền (Thổ sinh kim= tiền bạc) Và Bạn muốn khách hàng của Bạn luôn chịu sự khống chế của Bạn (Kim khắc Mộc và phải chịu thêm khắc xuất lại Thổ). Cho nên, khách của Bạn sẽ bị tiêu hao năng lực vì bị cả khắc nhập (Kim khắc Mộc) và khắc xuất (Mộc khắc Thổ) cả hai phía, khiến cho họ phải “ngoan ngoãn” tha hồ cho Bạn “chặt chém” mà không thể phản kháng.

Thêm vào đó, vì bị sắp xếp ngồi quay mặt vào trong, cho nên khách của Bạn như bị “thôi miên” trong “mê trận” của Bạn. Nếu bạn không may gặp phải thầy phong thủy luôn tạo ra thần bí, thì lại đem cả bùa chú vào đây để bịp Bạn rằng phong thủy là huyền bí hay thần thánh đấy.

Thật ra, đứng trên góc độ tâm lý, khi khách có thể nhìn ra hướng khác, như hướng ra đường chẳng hạn, thì họ dễ bị phân tâm vì ngoại cảnh, nên không đánh giá đúng mức sự phục vụ, sự quan tâm hay tay nghề của người thợ. Vì vậy, khi có một sự cố nào xẩy ra thì họ sẽ khó tha thứ hơn. Vì vậy, sắp xếp cho khách quay mặt vào trong tiệm mang thuần sự tác dụng về tâm lý nhiều hơn là phong thủy.

Dĩ nhiên, tùy theo tiệm Bạn có bao nhiêu thợ, bao nhiêu bàn thì Bạn cứ sắp xếp theo hàng dọc như vậy. Cách sắp xếp này còn thêm một điểm lợi phụ nữa là, ghế khách thứ hai sẽ đâu lưng vào ghế thợ bàn thứ nhất. Khiến cho khách rơi vào thế “lưỡng đầu thọ địch” (trước mặt hay sau lưng đều bị thợ bạn vây hãm). Vì thế nếu khách muốn “quậy” cũng không hề dễ dàng.

Nếu 5 phần bụng còn dài (tùy theo diện tích) thì bạn cứ sắp xếp thế. Nếu không đủ thì Bạn có thể sắp thêm qua bên tay phải nhưng cũng cùng một nguyên tắc.

Cách sắp xếp này quan trọng nhất là phần chính giữa (những bàn làm nail). Sự sắp xếp này nhấn mạnh đến phần nào là phần chính của tiệm Bạn. Cho nên, cách chọn thợ ngồi bàn cũng không thể coi thường. Bạn phải biết chọn và phân tay nghề thợ của Bạn, ai là người giỏi nhất và ai là người non nhất. Người giỏi nhất sẽ đại diện cho tiệm Nail của Bạn để chinh phục khách hàng, nhất là khách hàng mới. Cho nên, kế lối vào là bàn thứ nhất dành cho thợ giỏi nhất ngồi. Dĩ nhiên, nếu khách chưa phục vụ qua mà nhìn thấy tay nghề điêu luyện hay thấy thành quả trên tay người khách đang làm sẽ dễ tạo nên một ấn tượng tốt, một niềm tin hơn vào tiệm của Bạn.

Còn những thợ tay nghề còn yếu thì Bạn nên sắp xếp họ vào chỗ nào hơi khuất một tí. Thí dụ những hàng cuối bên tay phải chẳng hạn. Như vậy, nếu họ có làm lỗi gì thì những người khách khác cũng khó thấy được.

Sắp xếp theo lối này sẽ giúp Bạn biết thợ nào của Bạn yếu và họ cần giúp gì? Thay vì, bạn phải đảo mắt lung tung để xem họ ngồi ở đâu, thì nay sẽ thu về một chỗ, nên bạn dễ quan sát và ứng phó kịp thời, khi khách hàng bắt đầu khó chịu.

Nếu Bạn còn dư chỗ thì bạn có thể làm thêm phòng facial hay phòng massage v.v.

Xong hết phần bên tay trái và chính giữa thì bạn tiếp tục đến bên tay phải.

Phía tay phải thuộc về Bạch hổ liên quan đến tài chánh, hồ sơ giấy tờ. Cho nên tủ tính tiền nhất định sẽ phải đặt về bên tay phải, để tiếp tục hỗ trợ cho Bạch Hổ càng dũng mãnh hơn, để xứng đáng là chúa sơn lâm (đứng đầu trong nghành).

Tường sau lưng bàn tính tiền là các giấy phép liên quan đến mở tiệm, IRS hay bằng khen, giấy khen v.v. Tất cả các giấy phép này, nên lồng trong khung mầu vàng (thổ) để hỗ trợ thêm cho Bạch hổ (kim).

Bàn tính tiền sẽ đặt trước lối ra, nghĩa là sau khi khách làm xong, thì ra trả tiền và đi ra cửa. Với vị thế ngồi này, bạn có thể quan sát được tất cả, và đặt dưới sự khống chế dưới sự kiểm soát của bạn.

Bức tường bên Bạch Hổ vì liên quan đến tiền cho nên bạn nên chọn những bức tranh mang ý nghĩa như “Financial Freedom” hay liên quan đến tiền bạc vàng vòng v.v. Muốn bức tranh mạnh hơn thì bạn chon khung mầu gold là thích hợp nhất. Nếu mầu gold chói quá thì nên chọn mầu trắng để thay thế.

Như vậy, sau bàn tính tiền sẽ là những bàn thợ nail được sắp xếp theo hàng dọc hay có thể dành khu đó cho các phòng phụ vụ khác.

Thiết Kế Phần Hậu

Tuy gọi là phần Hậu nhưng nó cũng không kém phần quan trọng, bởi vì phần Hậu mang ý nghĩa “giải toả.” Nếu không có sự giải toả này, thì sẽ sinh ra biến loạn vì sự bị ức chế. Cách thiết kế phần hậu cũng khá đặc biệt, nhất là phòng vệ sinh (Toilet).

Trong phần hậu sẽ được chia làm 4 phòng như sau: phòng vệ sinh, phòng giặt đồ/khăn, phòng dụng cụ và phòng ăn.

Phòng toilet và phòng giặt, vì liên quan đến nước, cho nên được đặt về bên tay trái để hỗ trợ cho Thanh Long. Thiết kế của phòng toilet phải quay hướng bồn ngối ra cửa chính hay ra đường lộ. Nguyên nhân phải thiết kế như vậy, bởi vì, trong phần thiết kế phần Bụng chúng ta đã “vây hãm” khách hàng bên trong tiệm với một thời gian khá dài. Cho nên, nếu cho hướng toilet lại quay vào trong nữa sẽ tạo cho khách rơi vào thế “bí.” Từ đó, tạo ra sự bực bội khó chịu, và có thể sẽ tạo ra phản kháng. Vì vậy, xoay hướng bồn cầu ra ngoài như tạo cho khách một lối thoát … “sau cơn mê” khiến họ thêm khích thích và hứng khởi. Từ đó họ tiếp tục trở lại lần sau.

Riêng hai phòng dụng cụ và phòng ăn đều liên quan đến luật lệ tài chính, cho nên, sẽ được thiết kế về bên tay phải thuộc về Bạch Hổ để hổ trợ cho Cọp Trắng thêm mạnh.

Cửa hậu hay cửa thoát đừng nên mở quá dài như mở suốt ngày chẳng hạn, vì càng mở dài, thì sự hao hụt bên trong bụng càng nhiều. Thông thường, cứ khoảng 2 tiếng mở 30 phút rồi đóng lại là tốt nhất. Dĩ nhiên tùy theo điều kiện hoàn cảnh mà linh động chứ không hề có một khuôn mẫu nào cố định phải tuân theo.

Cách Thiết Kế Điện

Phần đông các tiệm Nail thường thiết kế điện theo hình thức chung nghĩa là bật một công tắc thì cả tiệm cùng sáng. Cách thiết kế này theo Phong Thủy thì không có lợi. Vì phần Bụng là chỗ làm ra tiền cần phải tối (thuộc về Âm mang tính cách nuôi dưỡng sinh lợi hơn là thuộc về Dương– sáng, mang tính cách tiêu tán)

Cho nên cách thiết kế điện cho một tiệm Nail cũng phải được phân chia, bố trí theo 3 phần khác nhau:

Phần ĐẦU: Khu vực về phần đầu cần phải sáng sủa nhiều đèn. Cách thiết kế có thể lắp đèn từ 4 góc chiếu về trung tâm, hay đèn từ trung tâm chiếu đủ ra 4 góc. Quan trọng nhất là phải có một ngọn đèn chiếu về hướng của Logo của tiệm. Ý nghĩa là tiệm càng ngày càng sáng lạn, sáng chói ai cũng biết đến .

Phần BỤNG: Phải nói thiết kế phần điện cho phần này là Khó Nhất vì phải thiết kế sao cho đủ sáng nơi cần làm việc, nhưng lại phải duy trì được “bóng tối” cần thiết để tạo nên sự thư giãn mà khách mong đợi. Có thể dùng hình thức bắt đèn 4 góc với low watts hay dùng công tắc điều chỉnh sự sáng tối, và bóng đèn hướng lên trần nhà để vừa tạo được độ “chập choạng – mờ mờ” (không quá sang cũng không quá tối – trạng thái của thư giãn). Mỗi bàn làm việc hay ghế spa sẽ có một đèn kéo xuống từ trần nhà đủ để thắp sáng chỗ làm việc khi có khách. Công tắc điện có thể gắn vào bàn làm việc hay ghế Spa. Đèn chỉ mở khi có khách và sẽ tắt khi không có khách. Như vậy vừa tiết kiệm điện, vừa giúp cho việc quản lý và tập chung của chủ và thợ thêm mạnh hơn. Tạo ra những sản phẩm đẹp hơn.

Phần HẬU: Đèn cho Phần Hậu thì dễ dàng nhất vì trong mỗi phòng chỉ cần làm sáng sủa là đủ.

Phong Thuy Tiem Nail

Hỏi Đáp

Tôi nghe nói nếu cho thợ xoay mặt ra đường thì thường thợ sẽ hay bỏ đi có đúng không? Nếu đúng thì làm sao giải quyết?

  • Trên căn bản thì đúng là vì khi bạn luôn mở rộng cửa ra. thì họ sẽ đi ra. Vì vậy, cách thiết kế trên đã dùng bước tường nơi phân giữa phần Đầu và Phần Bụng làm sự che chắc “ngăn cản” thợ của bạn không nhìn được ra ngoài nên tuy cửa thì luôn rộng mở đó nhưng sẽ có “rào cản” là tình cảm, cách cư xủ của chủ khiến cho thợ khó đi hơn. Đó là phần về Phong Thủy, còn về mặt tâm lý, thì khi tiệm của Bạn đông khách và khách dễ chịu (vì họ đuợc sống trong môi trường thư giãn) thì họ sẽ cho tiền TIP nhiều hơn. Dĩ nhiên với cách thiết kế thư giãn cho khách, thì cả bạn và thợ của bạn cũng được hưởng sự thư giãn. Công thêm cách cư xử đúng cách, tiền lương cao …. Đó chính là những lý do khiến thợ của bạn sẽ không muốn rời tiệm của bạn.

Nếu Tôi sắp xếp theo hình thức thợ đối mặt nhau có tốt không?

  • Trong doanh nghiệp kỵ nhất là đối đầu nhau, vì cả hai sẽ phải tốn rất nhiều công sức để duy trì thế quân bình. Trong tiệm của Bạn cũng vậy, nếu thợ của bạn được sắp xếp đối đầu với nhau, thì bạn sẽ khổ dài dài vì phải phân xử những lời ra tiếng vào, ai phải ai trái, v.v.  Nhưng quan trọng nhất là tạo ra sự rạn nứt trong quan hệ sinh hoạt chung. Sự rạn nứt này sẽ tạo ra sự thù hận, ganh ghét, không những khiến cho sự phục vụ thiếu thống nhất ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng mà người chủ cũng sẽ bị thiệt thòi khá nặng trong việc mất khách, mất thợ, mất tiền. Cho nên có thể nói khi sắp xếp cho thợ ngồi đối đầu (mặt đối mặt) là Bạn đang chọn cho bạn luyện “tinh thần thép” nếu không bạn sẽ không đủ khả năng để đương đầu.

 Tại Sao lại sắp xếp hai thợ ngồi chung với nhau?

  • Khi bạn đi đâu mà có thêm một người bạn đi chung thì bạn sẽ cảm thấy vui vẻ và tự tin hơn có phải thế không? Phương pháp sắp xếp này giúp cho quan hệ giữa thợ với thợ đoàn kết và giúp đỡ nhau. Sự sắp xếp ngang hàng cũng nói nên sự bình đẳng giữa 2 người thợ. Và vị trí ngồi nói nên khả năng của thợ. Cho nên, thay vì ngồi lộn xộn thì 2 người ngồi một dẫy luôn tạo nên thế mạnh trong việc hỗ trợ lẫn nhau, mà còn tạo nên sự đoàn kết giữa thợ với thợ thêm mạnh hơn.

[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row]

Find More

Follow Us

Feel free to follow us on social media for the latest news and more inspiration.

We use cookies in order to give you the best possible experience on our website. By continuing to use this site, you agree to our use of cookies.
Accept