1

Mục Đích – Muốn và Cần

Có một người, vừa nghe người bạn bên Cali kể về một nơi chốn có thể vui chơi và giải trí thoải mái. Hứng thú tột cùng, cúp điện thoại, anh vội lấy chìa khóa xe, đề máy và lái đi. Suốt đoạn đường dài hơn 200 dặm, anh luôn mơ tưởng đến những thú vui mà mình có thể hưởng được. Đột nhiên, một chiếc xe nọ cắt ngang mặt xe anh. Nhanh chân anh thắng kịp. Tim anh đập mạnh, miệng anh thở phào … may quá, chỉ chậm một chút là đã gây ra tai nạn.

Nhìn lại đồng hồ xăng… úi chao, chỉ còn có ¼ bình. Anh nhủ, chắc phải kiếm cây xăng để đổ nếu không sẽ nằm đường. Tuyệt vời quá, 2 dặm nữa là có cây xăng. Lái xe vào cây xăng, đậu xe lại, anh huýt gió, mỉm cười vui vẻ. Đưa tay ra sau túi quần để lấy cái thẻ tín dụng đổ xăng… mặt anh tái lại. Chết rồi, lúc nẫy đi vội quá đã để quên cái ví trên bàn làm việc.

Mày anh cau lại, mắt anh đăm chiêu, miệng anh bắt đầu khát. Nhìn lại trong xe, không có một giọt nước nào. Anh đứng thẫn thờ, suy nghĩ một lúc, rồi quyết định lên xe, đề máy, và lái tiếp về hướng Cali. Anh hy vọng, trước khi đến nhà người bạn thì xe không hết xăng dọc đường.

Vừa chạy anh vừa run, mắt láo liên nhìn hai bên đường xem có xe cảnh sát nào núp ở đâu đó hay không. Những chiếc xe sau anh tiếp tục vượt qua mặt xe anh với ánh mắt khó chịu và đầy bực dọc. Anh cũng chẳng thèm quan tâm đến những bộ mặt đó làm gì. Điều anh lo lắng nhất lúc này là nếu bị cảnh sát bắt thì rắc rối to.

Liếc mắt nhìn đồng hồ xăng, mồ hôi chẩy ướt đầy khuôn mặt. Anh nhủ: “Khổ, đã tắt cái máy lạnh để tiếc kiệm xăng sao cái kim xăng cứ dần tụt xuống.” Chiếc đồng hồ xăng như hiểu được tâm trạng của anh, nên nó cứ tiếp tục trêu chọc anh, nó cứ… tụt xuống dần dần… Cứ một nấc nó tụt xuống, là một lần tim anh lại thót lại. Cuối cùng, việc gì đến rồi cũng phải đến. Chiếc xe mà anh cưng chiều, săn sóc nó từng li từng tí kia, nó cũng đã “phản bội” anh. Nó đã không đáp lại lời năn nỉ “cố đến nhà bạn của anh” như anh muốn. Nó đã bắt đầu khựng khựng lại … như người sắp chết ngộp, đang cố gắng ngoi đầu lên, tìm chút không khí cuối cùng … Anh hoảng sợ, lái vội vào bên lề. Tiếng động cơ quen thuộc nấc lên tiếng cuối cùng, rồi im bặt.

Ngoài trời, mây vẫn trắng, trời vẫn xanh, nắng vẫn chói chan … nhưng trong lòng anh lại là cả một bầu trời u ám …

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Chắc chắc đến 99% chúng ta sẽ: Kiểm tra máy móc xe cộ, nước máy, dầu, xăng xem có cần gì sửa chữa hay châm thêm không? Sau đó kiểm tra xem bánh xe có an toàn hay xì lủng cần thay vá hay không? Nếu tất cả an toàn thì mới đến sắp xếp vali quần áo xem phải đi bao nhiêu ngày? Đi đâu? Mặc gì? Phải mang theo những dụng cụ vệ sinh, làm đẹp nào? Sau đó mới đến tiền bạc, cần chi phí bao nhiêu? cần bao nhiêu tiền mặt mang theo? Có cần ra nhà băng rút hay đã có sẵn? Sau cùng là Giấy bảo hiểm xe, điện thoại v.v…

Tại sao chúng ta lại cần phải chuẩn bị kỹ thế. Bởi vì chúng ta muốn bảo đảm chuyến đi đạt được mục đích hoàn hảo nhất có phải vậy không? Và sự thật đã chứng minh, càng chuẩn bị kỹ chừng nào thì chúng ta luôn đạt mục đích đó một cách trọn vẹn nhất. Đó chính là thói quen tốt mà ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm. Nó đã trở nên rất tự nhiên đến độ mỗi khi đi đâu chơi, chúng ta cũng đều chuẩn bị như vậy. Hay nói một cách đơn giản hơn, nó đã trở thành bản năng của chúng ta, không làm như thế là không được.

Tiếc thay, một số bạn, khi mở một cơ sở thương mại để buôn bán hay phục vụ thì chúng ta lại quên mất sử dụng bản năng quý giá nàỵ.

Nếu bạn có cơ hội để đọc những con số thống kê của Bộ Lao Động Mỹ đã đưa ra, thì quả thật điều này khiến không ít chúng ta phải nản lòng. Theo thống kê, cứ 100 tiệm mở năm nay, thì có đến 67 tiệm phải đóng cửa trong vòng 2 năm. Còn lại 34 tiệm thì đến 25 tiệm sẽ đóng cửa trong vòng 10 năm. Nghĩa là, trong 100 tiệm thì có đến 91 tiệm phải đóng cửa trong 10 năm, và chỉ còn lại 9 tiệm. Trong 9 tiệm này, thì chỉ có 4 tiệm là có thể phát triển thêm, còn lại, thì “sống lây lất qua ngày”. Vậy thì cơ sở thương mại của bạn sẽ nằm trong những phần trăm nào? Là 91% đóng cửa, 5% lây lất, hay 4% phát triển?

Tại sao tỷ lệ thất bại lại cao đến nỗi nản lòng như thế? Nguyên nhân chính là thiếu sự chuẩn bị kỹ càng, cũng giống như câu chuyện anh chàng hứng thú ở trên, cứ đi trước rồi tính sau, hậu quả ra sao thì bạn cũng đã biết. Vậy thì phải làm sao để có thể chuẩn bị kỹ càng?

Các nhà doanh nghiệp thành công lớn thì bao giờ họ cũng phải chuẩn bị thật kỹ càng “Kế hoặch thương nghiệp – business plan” của họ. Họ không những biết xác định mục tiêu của họ rất rõ ràng mà họ còn biết đào sâu một cách chi li, tỉ mỉ trong từng chiến thuật, chiến lược, không những trong hiện tại mà ngay cả tương lai nữa. Chính vì vậy, họ đã thành công, và điếu này không cần phải minh chứng dài dòng, vì ai trong chúng ta cũng đều có những kinh nghiệm như thế, qua những cuộc đi chơi, có phải vậy không?

Muốn chuẩn bị cho thật kỹ càng cũng không khó. Chúng ta có thể “chẻ cọng tóc làm tư” cho chi li tỉ mỉ, hay chúng ta có thể đơn giản hoá, bằng những nền tảng căn bản vững vàng. Rồi từ nền tảng vững chắc đó, mà tuỳ theo từng hoàn cảnh mà đưa ra những chiến lược, chiến thuật đúng lúc. Cho nên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn hướng dẫn bạn cách xây dựng nền tảng vững chắc cho thương nghiệp của bạn.

Muốn xây dựng một nền tảng vững chắc thì bạn không cần phải tập trung vào cả trăm yếu tố mà chủ yếu chỉ cần tập trung vào 3 yếu tố quan trọng nhất là:

  1. Mục đích của bạn mở thương nghiệp để làm gì?
  2. Bạn MUỐN gì từ thương nghiệp này? và
  3. Bạn CẦN phải làm gì với thương nghiệp này?

Tại sao 3 câu hỏi này lại quan trọng nhất? Bởi vì 3 câu hỏi đó, đâu phải chỉ áp dụng trong thương nghiệp không mà thôi, mà nó còn có thể ứng dụng trong tất cả mọi công việc làm của bạn, nếu bạn muốn đạt được thành công. (Đơn cử như trường hợp chuẩn bị đi chơi ở trên) Cho nên, chúng tôi gọi đó là 3 yếu tố quan trọng của đời người. Hễ ai mà có thể hiểu rõ và ứng dụng nó đúng cách, thì sự thành công đến với họ là chuyện tất nhiên.

Mục Đích Của Bạn Mở Thương Nghiệp Để Làm Gì?

Mới nghe qua câu hỏi này, thì không ít bạn sẽ cười thầm vì cho là nó quá đơn giản, ai mà không biết mục đích của việc mình làm chứ? Thưa bạn, nếu bạn đã biết rõ mục đích của bạn thì chúng tôi xin chúc mừng bạn. Nhưng qua cuộc khảo sát của chúng tôi, đối với những người nghiêm túc trong thành công thì có đến 95% phải “vã mồ hôi trán” khi nghe câu hỏi này.

Để dễ hiểu, chúng tôi xin mượn câu chuyện của một người quen làm chủ tiệm Nail mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc để dẫn chứng. Dĩ nhiên, mỗi thương nghiệp sẽ có sự khác nhau, nhưng trên căn bản thì có thể giống nhau đến hơn 80%.

Vấn: Thưa anh mục đích của anh mở tiệm Nail để làm gì?

Đáp: Thì để kiếm nhiều tiền

Vấn: Anh muốn gì từ tiệm Nail của anh?

Đáp: Tôi có cả trăm cái muốn từ tiệm Nail của tôi không thể kể hết được

Vấn: Anh có thể kể một vài điều quan trọng được không?

Đáp: Thì tôi muốn tiệm tôi đông khách, đông thợ, thợ của tôi phải nghe lời của tôi v.v

Vấn: Vậy thì anh cần phải làm gì để đạt được mục đích kiếm nhiều tiền của anh?

Đáp: Thì phải quảng cáo để kéo khách, Nếu đối thủ của mình giảm giá thì mình cũng giảm giá theo như vậy đó v.v..

Theo như bạn, câu trả lời “thì để kiếm nhiều tiền” đã ổn chưa? Chắc chắc là chưa ổn rồi có phải không bạn? Nhiều là nhiều bao nhiêu? Bao nhiêu mới gọi là nhiều? Đối với người nghèo thì $10,000 cũng đã quá nhiều, mà với triệu phú $10,000 thì đáng là bao. Vậy thì khi trả lời cho câu hỏi trên bạn phải xác định một con số cho thật rõ ràng. Vì sao? Vì khi bạn hỏi mục đích của bạn là bạn đang xác định phương hướng và đích đến cuối cùng của bạn là gì? Cho nên không thể nào trả lời chung chung được, trừ khi bạn muốn thất bại nhiều hơn thành công.

Vậy nếu như trả lời: “Tôi kiếm $100,000 một năm” đã chuẩn chưa? Thưa bạn, có thể “chuẩn nhưng cần chỉnh.” Sao rắc rối thế ? Bởi vì $100,000 đó sẽ là lợi tức một năm hay là tiền lời cho 1 năm? Nếu đó là lợi tức cho 1 năm thì sau khi trừ hết 70% chi phí thì bạn chỉ có thể đem về được có $30,000 cho một năm mà thôi. Như vậy, nếu bạn ẩn dụ là muốn kiếm $100,000 tiền lời cho một năm thì mọi kế hoặch, sách lược, chiến thuật sẽ hoàn toàn khác hẳn so với $30,000 cho 1 năm, có phải vậy không? Bởi vậy mới nói là: có thể “chuẩn nhưng cần chỉnh” tùy theo bạn muốn thế nào?

Muốn rõ ràng thì bạn phải trả lời như sau: “Tôi muốn kiếm $100,000 tiền lời một năm”. Sự xác định mục đích rõ ràng sẽ giúp cho bạn định hướng tốt, nhờ đó bạn mới có thể lên kế hoặch thích hợp, để đạt được mục đính mà bạn đã đề ra.

Cho nên khi bạn hỏi mục đích việc làm của bạn là gì? thì nhớ là nên đưa ra chi tiết rõ ràng đừng có trả lời chung chung.

Bạn Muốn Gì Từ Thương Nghiệp Này?

“Tôi muốn tiệm tôi đông khách, đông thợ v.v.” Bạn nghĩ như thế nào về câu trả lời này? Và bạn có trả lời giống hay tương tự như vậy không?

Tôi luôn hy vọng rằng câu trả lời của bạn hoàn toàn khác hẳn. Bởi vì, người quen mà chúng tôi phỏng vấn đã thật sự không biết mình muốn gì? và anh đã lầm giữa cái “muốn” và cái “cần”.

Vậy thế nào là muốn và thế nào là cần?

Muốn là trạng thái tâm lý biểu hiện một sự khao khát nào đó và mong được thoả mãn. Cần cũng là trạng thái tâm lý biểu hiện một sự  thật phải có, không có không được. Cho nên, có thể nói: Cần là những phương tiện giúp cho cái Muốn thành đạt. Giản dị có thể nói Muốn là cứu cánh và Cần là phương tiện.

Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, ranh giới giữa muốn và cần hầu như khó mà phân biệt. Nếu chỉ đơn thuần trong ngôn ngữ, thì cũng không mấy quan trọng, nhưng trong thương nghiệp thì bạn phải biết phân biệt Muốn và Cần rất rõ ràng.

Thí dụ Bạn có thể nói Tôi muốn đi Cali Xem chương trình Thúy Nga. Vậy Bạn phải cần gì?

Bạn cần tiền, bạn cần mua vé xem nhạc, bạn cần phương tiện di chuyển, bạn cần quần áo đẹp v.v Như vậy thì cái bạn muốn là mục đích bạn sẽ đạt đến, và cái cần là những phương tiện giúp cho bạn đạt được mục đích đó, có phải vậy không?

Nếu ta nhìn vào câu trả lời trên, chúng ta thấy “… Tôi muốn tiệm tôi đông khách, đông thợ …” là điều kiện Cần có để đạt được mục đích “kiếm nhiều tiền” chứ không phải là cái Muốn. Nhiều người chúng ta không phân biệt được cái muốn của mình với mục đích của mình là sao nữa. Có Mục Đích là có sự xác định phương hướng và đích đến, còn Muốn là bày tỏ mình sẽ làm gì khi đến được đích đến. Thí dụ: Mục đích của bạn là mở tiệm Nail kiếm $100,000 tiền lời mỗi năm, thì cái Muốn của bạn là sẽ làm gì với $100,000 đó. Chẳng hạn như, bạn muốn dùng $100,000 đó để mở một tiệm khác, hay Bạn dùng $50,000 cho chi phí gia đình, $20,000 để dành cho con cái đi học, $20,000 để vào trương mục tiết kiệm, $10,000 để giúp đỡ thân nhân hay đi du lịch v.v… Tùy theo bạn có bao nhiêu cái muốn, và tuỳ theo cái muốn của bạn, bạn sẽ phân định xem cái muốn nào quan trọng hơn thì bạn xếp lên trên hết, và cứ theo thứ tự xuống dần.

Nhờ sự phân hạng này, mà bạn mới có thể đánh giá đúng mức, mức độ thành công hay thất bại của mục đích bạn đặt ra. Bạn hãy cố gắng phân loại cái muốn của bạn rõ ràng, đừng có cứ chung chung, dễ đưa đến sự thất chí, và đánh mất tự tin của mình.

Thí dụ: mục đích của bạn là kiếm $100,00 nhưng nếu bạn không chia nhỏ ra thì khi bạn kiếm được $70,000 bạn sẽ cảm thấy thất vọng và xem như mình thất bại vì không đạt được mục đích. Nhưng nếu bạn phân ra từng phần nhỏ như trên thì $70,000 đã giúp bạn hoàn thành được 2 việc quan trọng là chi phí gia đình và để dành tiền cho con cái đi học. Nếu cứ $10,000 bằng 10% thì bạn đã đạt được 70% so với mục đính ban đầu của bạn. Nói một cách khác hơn là bạn thành công nhiều hơn thất bại. Sự so sánh này giúp bạn tự tin hơn và sẽ cố gắng hơn để đạt được đến mục đích hoàn hảo nhất.