1

Yếu Kém Về Tiếp Thị

Tiếp Thị là gì? Tiếp là đưa ra, đưa vào, thêm vào; Thị là chợ. Tiếp thị là đưa ra những thông tin, dữ liệu, sản phẩm hay dịch vụ đến với khách hàng, nhằm mục đích gia tăng niềm tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp. Trong tiếp thị bao gồm phần quảng cáo (khích thích người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm hay dịch vụ).

Không ít những doanh nghiệp Mỹ, mặc dù họ có tính luôn học hỏi cao độ nhưng cũng thường vấp phải lầm lẫn giữa tiếp thị và quảng cáo. Điểm lầm lần lớn nhất là “quảng cáo cũng là tiếp thị” Nghĩa là cứ đem sản phẩm hay dịch vụ ra chào hay giảm giá thì coi đó là tiếp thị.

Hãy tưởng tượng, bạn có một sản phẩm hay dịch vụ mới mà khách của bạn lại không có đầy đủ các thông tin, dữ liệu cần thiết, họ cũng không biết doanh nghiệp của bạn là ai, thì làm sao mà họ có đủ niềm tin để tiêu dùng sản phẩm hay dịch vụ của bạn cho được?!

Muốn họ tiêu dùng, thì bạn phải có được sự tin tưởng của họ, rồi bạn cho họ đầy đủ những thông tin, dữ liệu mà họ cần phải biết về sản phẩm hay dịch vụ đó. Khi họ đã biết rõ ràng rồi, thì bạn mới dùng đến quảng cáo để khuyến khích họ tiêu dùng.

Thí dụ: hãng Apple lần đầu tiên họ đưa ra sản phẩm Iphone. Trước tiên họ không tiếp thị đến tất cả mọi người, mà chỉ lựa chọn những khách hàng cũ đã có niềm tin vào hãng của họ. Dựa vào niềm tin này, họ đưa ra những thông tin, dữ liệu liên quan đến chức năng hữu dụng của chiếc Iphone. Khi những người khách hàng của họ đã bắt đầu hiểu các chức năng thì họ bắt đầu quảng cáo sự ích lợi và khuyến khích người tiêu dùng nên làm chủ lấy chiếc Iphone. Hiệu quả là trong năm đầu tiên hơn vài triệu chiếc Iphone bán không còn một chiếc, và còn biết bao người nếu muốn có nó phải đặt hàng trước cả năm. Sự thành công của Apple là biết tiếp thị đúng người (dùng khách hàng cũ đã có niềm tin vào công ty của họ) và tạo nên kỳ tích trong nghành tiếp thị và quảng cáo. Nói một cách đơn giản hơn, tiếp thị là khí huyết của một doanh nghiệp, nếu “khí hư, huyết trệ” thì doanh nghiệp đó khó mà có thể thành công được.

Như chúng tôi đã trình bầy, 98% các chủ tiệm Nail người Việt đều xuất thân từ thợ. Họ không có được sự đào tạo căn bản về tiếp thị. Cho nên, khi làm chủ một doanh nghiệp thì họ cứ thấy ai làm gì thì làm theo, mà họ không biết khách hàng của họ là ai, họ cần gì? Làm sao để giới thiệu dịch vụ của họ đến với khách hàng cho có hiệu quả? Khi nào thì nên dùng đến quảng cáo, và ngôn ngữ quảng cáo phải thế nào? Thậm chí, có nhiều tiệm vắng khách quá đành phải hy sinh một số tiền khá lớn để quảng cáo trên báo. Tuy đăng quảng cáo nhưng họ cũng không biết là phải quảng cáo ra sao? Họ làm giống như họ bắt buộc phải làm vậy, còn kết quả ra sao thì cũng đành phải chịu.

Thí dụ: Có rất nhiều chủ tiệm nail chúng tôi tiếp xúc đã dùng phương pháp ValuePak để “build” khách, nhưng có mấy ai biết, hay để ý rằng, với “thời đại” smart phone ngày nay, ValuePak đã mất rất nhiều giá trị hữu dụng – nếu bạn là chủ nhà và nhận được phong bì ValuePak trong đống mail của bạn, thì bạn sẽ làm gì? Vất thùng rác hay mở ra xem? – thống kê cho thấy 80% sẽ vất vào thùng rác). Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến không ít chủ tiệm Nail đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang,” và cuối cùng đi đến dẹp tiệm hay bán tiệm.

Ngày nay, các chủ doanh nghiệp Mỹ đã tốn hàng chục tỷ dollar mỗi năm cho các dịch vụ cố vấn tiếp thị. Mục đích chính của họ là sử dụng những kinh nghiệm (sở trường) của những nhà cố vấn tiếp thị để bổ khuyết cho những thiếu sót về cách tiếp cận, xây dựng niềm tin, sách lược và chiến thuật cho doanh nghiệp của họ. Không ít những doanh nghiệp tuy đã có những giám đốc về tiếp thị, họ vẫn phải chi trả một số tiền khá lớn cho các nhà cố vấn khác. Bởi vì, tiếp thị thì luôn luôn thay đổi. Không có một tiếp thị nào có thể tồn tại vĩnh viễn, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật thông tin như hiện nay.




Yếu Kém Về Quản Lý Và Điều Hành Trong Nghành Nails

Quản lý là gì? Quản lý là chăm nom và sắp đặt công việc. Người quản lý là người chăm nom, săn sóc và sắp xếp công việc sao cho có hiệu quả tốt nhất. Các chủ Nail Việt Nam thường thì chỉ biết dùng cách “quản lý cảm tính” thay vì quản lý kinh doanh.

Quản Lý Tình Cảm

98% các chủ tiệm Nail đều quản lý và điều hành cơ sở của họ theo “quản lý cảm tính.” Vậy quản lý cảm tính là gì?

Quản lý cảm tính là quản lý theo cảm tình, tùy theo ưa thích của mỗi người chủ mà phát triển cơ sở kinh doanh của mình theo sở thích nhiều hơn là theo một kế hoạch, phương án, sách lược, chiến thuật, hay điều hành được định chế hay qui định một cách cụ thể rõ ràng. Vì hay làm theo sở thích – nương dựa trên những kinh nghiệm học hỏi khác nhau, nên mới nhìn sơ qua thì mỗi tiệm cũng có những “nét riêng – trăm hoa đua nở.” Nhưng nếu xem xét kỹ hơn thì lại hoàn toàn giống nhau, vì đều đưa họ vào “chỗ chết.” Sau đây là những “chứng bịnh nan y” mà các chủ tiệm nail Việt Nam đang mắc phải.

1. Hội Chứng 6/4

Hội chứng 6/4 hay hội chứng ăn chia 6/4 là sự phân chia lương bổng theo hình thức 6 phần về thợ và 4 phần về chủ. Ví dụ: một khách phục vụ trả $30 thì người thợ được $18 (30×60%) và người chủ được $12 (30×40%). Trên căn bản về luật lao động thì người chủ có quyền lựa chọn là trả lương cho thợ theo lương giờ hay ăn chia. Dù trả lương cho thợ theo cách nào, thì vẫn phải đáp ứng đúng theo mức lương tối thiểu và lương phụ trội do tiểu bang hay liên bang qui định. Do đó, khi người thợ bắt đầu một ngày làm việc, thì Bộ Lao Động coi đó là thời gian khởi đầu và cứ tiếp tục cộng số giờ từng ngày, cho đến hết một tuần. Thông thường, một người thợ Nail Việt Nam làm 6 ngày trong 1 tuần, 10 giờ trong một ngày, hay 60 giờ trong 1 tuần.

Vì thiếu hiểu biết về luật lao động, nên các chủ tiệm Nail cứ nghĩ đơn giản rằng: hễ đã đồng ý chia 6/4 rồi thì ”lời ăn lỗ chịu.” Nghĩa là nếu tiệm có đông khách thì thợ làm nhiều tiền, mà nếu ít khách thì thợ cứ ngồi chổng cẳng lên coi phim Tàu hay Thúy Nga Paris. Họ không biết rằng, khi thợ của họ mà còn ngồi trong tiệm của họ, thì dù là thợ có làm việc hay không thì vẫn coi đó là “giờ lao động.” Và khi đã là giờ lao động thì người chủ phải trả lương theo số giờ cộng thêm giờ phụ trội nếu có. Như vậy, nếu bình quân một người thợ Nail làm 60 giờ trong 1 tuần thì họ sẽ được trả lương thành 70 giờ lao động (40 giờ bình thường + (20 giờ phụ trội x 1.5= 30 giờ).

Theo qui định của tiểu bang AZ, mức lương tối thiểu là $8.05/1 giờ, thì lương của một thợ Nail trong một tuần là $595. Nếu người chủ nào trả ít hơn số lương đó thì coi như vi phạm vào luật lao động, hay bình dân hơn thì gọi là “bóc lột sức lao động.” Tùy theo thời gian vi phạm, và mức độ sai biệt, mà Bộ Lao Động sẽ định đoạt mức độ phạt nặng hay nhẹ đối với người chủ. Không ít các chủ Nail khi bị Bộ Lao Động “sờ gáy” thì họ đưa ra lý luận rằng, họ với thợ đã đồng ý theo hợp đồng ăn chia 6/4, cho nên, nếu không có khách thì thợ ráng chịu.

Nhưng Bộ Lao Động hoàn toàn không chấp nhận lý do giải thích trên. Đối với luật của Bộ Lao Động, thì bất cứ nhân công nào, khi bắt đầu đến cơ sở kinh doanh, và bấm giờ, thì giờ đó trở thành giờ lao động. Việc cơ sở kinh doanh đó có khách hay phục vụ hay không, đó là trách nhiệm của người chủ. Nếu không có khách, hoặc không có phục vụ, thì người chủ có quyền yêu cầu nhân viên của mình ra về. Nhưng nếu giữ họ lại, thì người chủ phải có trách nhiệm trả lương cho thợ, dù họ có làm việc hay không.

Không ít các chủ Nail dù cố cãi chầy cãi cối và đưa ra muôn ngàn lý do, nhưng vẫn bị Bộ Lao Động phạt vạ. Đơn giản là vì luật lao động đã làm ra để bảo vệ quyền lợi cho nhân công. Khi một chủ doanh nghiệp mở một cơ sở kinh doanh thì trách nhiệm của họ là phải tuân thủ theo đúng luật lao động, chứ không thể nói là chúng tôi không biết nên không có tội, hoặc chúng tôi đã có những hợp đồng riêng giữa chủ và thợ, v.v…

Nguyên do vì sao mà các chủ Nail lại thích dùng hội chứng 6/4? Bởi vì, họ nghĩ rằng họ “thông minh” hơn Sở Thuế và Bộ Lao Động. Họ không muốn chịu nhiều ràng buộc về luật pháp, và họ nghĩ là họ tự đặt ra các hợp đồng theo “ý của họ” thì Sở Thuế và Bộ Lao Động phải bó tay, không làm gì được họ. Sự thật thì họ đã lầm. Cho dù là họ có hợp đồng đi chăng nữa, thì hợp đồng đó cũng vẫn phải tuân thủ theo luật pháp qui định, chứ không phải muốn soạn hợp đồng như thế nào có lợi cho mình là được.

Hơn nữa, Sở Thuế và Bộ Lao Động có rất nhiều quyền mà các chủ Nail không hề nghĩ đến. Chẳng hạn như họ có thể phạt vạ, đóng cửa, tịch biên tài sản, mà còn có thể truy tố kẻ vi phạm ra toà theo tội đại hình. Ở xứ Mỹ này khi đã dính vào tội đại hình thì quả thật là khó thở.

2. Hội Chứng Bao Lương

Hội chứng bao lương hay còn gọi là “hội chứng bảo an” hay “hội chứng giữ thợ” nghĩa là người chủ Nail sẽ đưa ra một mức thu nhập cố định, và sẽ bao lương người thợ mỗi tuần theo một khoảng giá nào đó, nhằm mục đích giữ người thợ đó lại cho tiệm của mình. Có hai loại bao lương: bao thợ tay chân nước, và bao thợ làm móng bột, gel v.v. Giá trung bình cho thợ bao tay chân nước trong 1 tuần (60 giờ) khoảng $550 – $600 và cho thợ móng bột khoảng $750-$800.

Đó là theo cách “sinh hoạt nghành Nail” của miền Đông. Riêng ở miền Tây, nhất là tại AZ và CA, nhiều chủ tiệm vì muốn níu kéo những người thợ giỏi cho tiệm của mình, thì còn đưa ra những “đặc ân” như “hội chứng vừa bao lương vừa ăn chia.” Thí dụ: Một người thợ bao lương tuần là $750. Khi số tiền phục vụ thu nhập của người thợ đó đến mức nào đó, thí dụ như $1,400, thì coi như đủ lương bao. Nếu như trong tuần đó mà người thợ làm được $2,000/1 tuần chẳng hạn, thì số dư ra $600 đó, sẽ chia theo 6/4. Nghĩa là người thợ sẽ được trả thêm $360 nữa ($600 x 60%). Vị chi lương tuần của người thợ bao là $750 + $360 =$1,100.

Mới nhìn sơ qua thì đây cũng được xem là cách hay để giữ thợ (quản lý nhân sự). Nhưng nếu xem xét cho kỹ thì những “hậu chứng” của hội chứng này quả thật khó mà có thể nghĩ bàn. Sau đây là một vài “hậu chứng” nghiêm trọng:

Thứ nhất, vì muốn kiếm đủ số tiền quy định trong 1 tuần, nên các chủ Nail thường dồn khách cho thợ bao, khiến cho họ rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng và ức chế. Vì công việc thường quá tải, họ đành phải làm thiếu tiêu chuẩn, và dẫn đến trạng thái khách hàng khó chịu và bỏ đi. Mất khách thì chủ không đủ sở hụi để chi trả cho thợ, nên chủ lại gia tăng sức ép và dồn khách. Cái vòng lẩn quẩn này cứ thế mà ràng buộc nhau.

Cuối cùng, khi người thợ không còn chịu đựng nổi áp lực đó nữa thì, một là gây với chủ rồi nghỉ việc, hai là tự động nghỉ và kéo khách quen của mình về tiệm mới. Thế là người chủ vừa mất khách lại vừa mất thợ.

Xây dựng được một người khách với những chủ tiệm Nail thiếu kinh nghiệm tiếp thị là cả một chuyện gian nan. Nên cứ mỗi lần mất đi những người khách và thợ như vậy, thì chủ Nail thường “bấn loạn,” và thường đưa ra những quyết định sai lầm liên tục như: giảm giá mạnh để kéo khách, phải trả giá cao hơn để bao lương thợ mới v.v. Từ đó, dẫn đến việc tài chánh thiếu hụt… và cuối cùng dẫn đến lụn bại.

Thứ hai, không phải thợ nào trong tiệm Nail cũng được bao. Thông thường, nếu trong 1 tiệm có 5 thợ thì chủ chỉ có thể bao được 1 hoặc cao lắm là 2 thợ mà thôi. Ngoài thợ bao ra, còn lại là thợ ăn chia. Vì muốn cho “gà của mình” (thợ bao) đủ chỉ tiêu, chỉ có cách duy nhất là dồn khách cho họ. Như vậy, thông thường, nếu chỉ có khách lai rai thì những người thợ ăn chia chỉ ngồi không nhiều hơn làm việc. Ngoài vấn đề không làm thì không có lương và tiền thưởng (tips) ra, người thợ ăn chia còn cảm thấy chủ Nail đối xử bất công với họ. Từ đó, tạo nên sự ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau. Khi còn bị “kẹt” thì họ chịu đựng, nhưng khi có những cơ hội như thợ bao “nổi loạn” thì họ cũng nhân cơ hội này mà “báo thù.”

Không biết bao nhiêu chủ Nail đã phải ngửa cổ than trời vì “thợ phản.” Và cuối cùng đành phải “chết đứng như Từ Hải” mà không biết vì sao?

Thứ ba, là những người thợ ăn chia thường có mức lợi tức thấp hơn mức quy định của chính quyền vì vắng khách. Cho nên khi “cơm không lành và canh không ngọt”, bất mãn, họ sẵn sàng thưa kiện các chủ Nail về tội vi phạm luật lao động. Vì vậy, các chủ Nail thường phải đối phó với những nguy cơ trùng trùng.

3. Hội Chứng 50/50

Hội chứng 50/50 hay còn gọi là “hội chứng làm eo” giữa người thợ và người chủ. Thông thường, các thợ Nail luôn dùng hội chứng này để “bắt ép” những người chủ Nail phải “chịu thuế “ và “trốn thuế” cho họ. Nguyên tắc 50/50 là chủ Nail chỉ có thể trả lương cho họ 50% là check để khai thuế còn lại 50% là tiền mặt (trốn thuế). Nếu chủ Nail nào không đồng ý thì họ sẽ nghỉ việc.

Vì yếu kém về cách quản lý nhân sự và điều hành, nên khi cơ sở kinh doanh của các chủ Nail đang thiếu thợ, thì các chủ Nail thường chấp nhận điều này. Theo luật của Sở Thuế thì bất cứ một chủ doanh nghiệp nào cũng có bổn phận phải khai báo thu nhập của nhân công một cách chính xác và rõ ràng. Người chủ nào khai man, dù dưới bất cứ một tình thế nào, thì người chủ đó cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Chuyện người thợ khai man lương bổng của họ với Sở Thuế là chuyện của họ với Sở Thuế. Còn chuyện người chủ đồng ý với người thợ để khai man cho họ, thì không thể nào không chịu trách nhiệm trước Sở Thuế. Dù rằng, sự thật đó là do sức ép từ người thợ.

Tiếc thay, các chủ Nail cứ nghĩ rằng, nếu có chuyện gì xẩy ra thì cứ dùng lý do là do thợ ép mình làm chứ không phải tự ý mình làm thì Sở Thuế sẽ buông tha. Sự thật thì chưa có ai được tha theo lý do này cả, ngược lại thì hầu như đều “thúc thủ, bó tay, chịu trói.”

4. Hội Chứng Chia Tua/Phiên

Không biết tác giả của hội chứng này là ai? nhưng hội chứng này đã có mặt trong nghành Nail Việt Nam, và đã trở thành một chứng “nan y bất trị.”

Trên nguyên tắc căn bản, hội chứng này được chia như sau: hễ trước giờ mở cửa, người thợ nào đến trước thì được đón người khách đầu tiên, người nào đến kế thì đón khách thứ hai, và cứ tiếp tục xoay vần như thế. Chỉ thoạt nhìn qua thì chúng ta thấy rất công bằng.

Nhưng sự thật thì đây chính là nguyên nhân tạo ra sự rạn nứt, đố kỵ giữa các thợ với nhau. Giả dụ: người thợ thứ nhất đón người khách thứ nhất. Nếu đây là khách dùng sự phục vụ nhiều tiền và xộp, cho tiền thưởng cao, thì người thợ thứ nhất được lời. Sự lời của người thợ thứ nhất sẽ khiến cho người thợ thứ hai hay ba sẽ cảm thấy tức tối, khi khách của họ lại chỉ chọn những cách phục vụ

ít tiền, và có khi còn cho tiền thưởng quá ít. Cho nên, nếu tiệm có thêm những khách mới đang chờ, và họ biết có những người khách cho tiền thưởng cao, thì họ sẽ cố làm cho những khách họ đang có nhanh hơn, để họ đón những khách xộp của họ. Chính vì sự tranh giành này mà đôi khi phẩm chất phục vụ của họ kém hơn bình thường, và tạo ra sự bất mãn và bỏ đi của khách hàng. Thợ này thấy thợ kia làm vậy, thì cũng phải chạy đua để không thua thiệt. Thế là đang từ một tiệm có uy tín lại trở thành một tiệm kém chất lượng. Khách tiếp tục bỏ đi và cuối cùng là đi đến dẹp tiệm. Cho đến bây giờ, vấn nạn này vẫn còn đang tiếp tục xẩy ra và không có lối thoát.

Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều những hội chứng khác nữa, nhưng chỉ với 4 hội chứng nêu trên, nếu vướng phải một điều nào thì cũng đủ điều kiện “rũ áo từ quan” huống hồ chi vướng vào cả “tứ chứng.” Nguyên do chỉ vì thiếu, yếu kém trong quá trình quản lý và điều hành.




Yếu Kém Về Phục Vụ Trong Nghành Nails

Gần đây, theo sự nghiên cứu và khảo sát của công ty Katzenbach, họ đã đưa ra những con số phần trăm khá ấn tượng như sau:

  • 94% người đều cho rằng: phục vụ khách hàng tốt là quan trọng với họ.
  • 82% người nói rằng: họ sẽ chi tiêu nhiều tiền hơn tại các cửa hàng hay dịch vụ mà nơi đó, họ nhận được sự phục vụ khách hàng tốt hơn.
  • 80% người nói rằng: trong vài năm qua, họ đã không nhìn thấy bất kỳ sự cải thiện về sự phục vụ khách hàng nào, ngược lại, hơn một nửa của nhóm này cho biết, điều này đã trở nên tệ hơn trước.
  • 62% người cho rằng: nếu họ đã có một kinh nghiệm xấu với một dịch vụ hay món hàng nào đó, thì họ sẽ không sử dụng người phục vụ đó, hay mua từ cửa hàng đó, thêm một lần nữa.

Như vậy Phục Vụ khách hàng tốt sẽ có những tác động tích cực như:

  • Có thể giữ được khách hàng lâu dài và khách hàng sẽ giới thiệu doanh nghiệp với những người khác
  • Khách hàng sẽ hứng thú vào sự phục vụ của doanh nghiệp, và sẽ sử dụng sự phục vụ nhiều hơn hay sẽ mua sản phẩm nhiều hơn
  • Doanh nghiệp sẽ nổi bật so với đối thủ cạnh tranh
  • Phục vụ khách hàng tốt làm cho nơi làm việc thú vị hơn để giữ thợ ở lại
  • Phục vụ khách hàng tốt sẽ tạo ra lời quảng cáo miệng nhanh nhất, đỡ tốn kém và dễ dàng gia tăng lợi nhuận

Và nếu như không cẩn trọng khiến cho sự Phục Vụ khách hàng trở nên xấu thì sẽ sinh ra những tác động tiêu cực như sau:

  • Danh tiếng bị xấu đi
  • Mất niềm tin của khách hàng
  • Kết thúc mối quan hệ giữa tiệm và khách
  • Mất một công việc, nhưng mất nhiều người khách (tiếng xấu đồn xa)

Vì vậy, biết phục vụ khách hàng tốt là điều quan trọng đầu tiên và quan trọng nhất, bởi vì nó không những giúp tạo ra lòng trung thành của khách hàng với doanh nghiệp, mà cũng còn tạo ra các mối quan hệ khách hàng độc đáo, bền vững, khiến cho các đối thủ cạnh tranh cũng trở nên khó khăn hơn khi lôi kéo khách hàng.

Bất hạnh thay, các chủ Nail Việt Nam thường ít quan tâm đến tính chất phục vụ khách hàng. Họ không biết làm thế nào và cũng không chịu trau dồi học hỏi phương pháp cư xử như thế nào mới là phục vụ tốt. Vì vậy, tuy tay nghề họ giỏi hơn người Mỹ nhưng giá tiền phục vụ của họ chỉ bằng 1/2 hay 2/3 so với giá của tiệm Mỹ . Đó cũng chính là nguyên nhân họ làm nhiều giờ hơn, nhưng thu nhập thì lại ít tiền hơn.




Mục Đích – Muốn và Cần

Có một người, vừa nghe người bạn bên Cali kể về một nơi chốn có thể vui chơi và giải trí thoải mái. Hứng thú tột cùng, cúp điện thoại, anh vội lấy chìa khóa xe, đề máy và lái đi. Suốt đoạn đường dài hơn 200 dặm, anh luôn mơ tưởng đến những thú vui mà mình có thể hưởng được. Đột nhiên, một chiếc xe nọ cắt ngang mặt xe anh. Nhanh chân anh thắng kịp. Tim anh đập mạnh, miệng anh thở phào … may quá, chỉ chậm một chút là đã gây ra tai nạn.

Nhìn lại đồng hồ xăng… úi chao, chỉ còn có ¼ bình. Anh nhủ, chắc phải kiếm cây xăng để đổ nếu không sẽ nằm đường. Tuyệt vời quá, 2 dặm nữa là có cây xăng. Lái xe vào cây xăng, đậu xe lại, anh huýt gió, mỉm cười vui vẻ. Đưa tay ra sau túi quần để lấy cái thẻ tín dụng đổ xăng… mặt anh tái lại. Chết rồi, lúc nẫy đi vội quá đã để quên cái ví trên bàn làm việc.

Mày anh cau lại, mắt anh đăm chiêu, miệng anh bắt đầu khát. Nhìn lại trong xe, không có một giọt nước nào. Anh đứng thẫn thờ, suy nghĩ một lúc, rồi quyết định lên xe, đề máy, và lái tiếp về hướng Cali. Anh hy vọng, trước khi đến nhà người bạn thì xe không hết xăng dọc đường.

Vừa chạy anh vừa run, mắt láo liên nhìn hai bên đường xem có xe cảnh sát nào núp ở đâu đó hay không. Những chiếc xe sau anh tiếp tục vượt qua mặt xe anh với ánh mắt khó chịu và đầy bực dọc. Anh cũng chẳng thèm quan tâm đến những bộ mặt đó làm gì. Điều anh lo lắng nhất lúc này là nếu bị cảnh sát bắt thì rắc rối to.

Liếc mắt nhìn đồng hồ xăng, mồ hôi chẩy ướt đầy khuôn mặt. Anh nhủ: “Khổ, đã tắt cái máy lạnh để tiếc kiệm xăng sao cái kim xăng cứ dần tụt xuống.” Chiếc đồng hồ xăng như hiểu được tâm trạng của anh, nên nó cứ tiếp tục trêu chọc anh, nó cứ… tụt xuống dần dần… Cứ một nấc nó tụt xuống, là một lần tim anh lại thót lại. Cuối cùng, việc gì đến rồi cũng phải đến. Chiếc xe mà anh cưng chiều, săn sóc nó từng li từng tí kia, nó cũng đã “phản bội” anh. Nó đã không đáp lại lời năn nỉ “cố đến nhà bạn của anh” như anh muốn. Nó đã bắt đầu khựng khựng lại … như người sắp chết ngộp, đang cố gắng ngoi đầu lên, tìm chút không khí cuối cùng … Anh hoảng sợ, lái vội vào bên lề. Tiếng động cơ quen thuộc nấc lên tiếng cuối cùng, rồi im bặt.

Ngoài trời, mây vẫn trắng, trời vẫn xanh, nắng vẫn chói chan … nhưng trong lòng anh lại là cả một bầu trời u ám …

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Chắc chắc đến 99% chúng ta sẽ: Kiểm tra máy móc xe cộ, nước máy, dầu, xăng xem có cần gì sửa chữa hay châm thêm không? Sau đó kiểm tra xem bánh xe có an toàn hay xì lủng cần thay vá hay không? Nếu tất cả an toàn thì mới đến sắp xếp vali quần áo xem phải đi bao nhiêu ngày? Đi đâu? Mặc gì? Phải mang theo những dụng cụ vệ sinh, làm đẹp nào? Sau đó mới đến tiền bạc, cần chi phí bao nhiêu? cần bao nhiêu tiền mặt mang theo? Có cần ra nhà băng rút hay đã có sẵn? Sau cùng là Giấy bảo hiểm xe, điện thoại v.v…

Tại sao chúng ta lại cần phải chuẩn bị kỹ thế. Bởi vì chúng ta muốn bảo đảm chuyến đi đạt được mục đích hoàn hảo nhất có phải vậy không? Và sự thật đã chứng minh, càng chuẩn bị kỹ chừng nào thì chúng ta luôn đạt mục đích đó một cách trọn vẹn nhất. Đó chính là thói quen tốt mà ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm. Nó đã trở nên rất tự nhiên đến độ mỗi khi đi đâu chơi, chúng ta cũng đều chuẩn bị như vậy. Hay nói một cách đơn giản hơn, nó đã trở thành bản năng của chúng ta, không làm như thế là không được.

Tiếc thay, một số bạn, khi mở một cơ sở thương mại để buôn bán hay phục vụ thì chúng ta lại quên mất sử dụng bản năng quý giá nàỵ.

Nếu bạn có cơ hội để đọc những con số thống kê của Bộ Lao Động Mỹ đã đưa ra, thì quả thật điều này khiến không ít chúng ta phải nản lòng. Theo thống kê, cứ 100 tiệm mở năm nay, thì có đến 67 tiệm phải đóng cửa trong vòng 2 năm. Còn lại 34 tiệm thì đến 25 tiệm sẽ đóng cửa trong vòng 10 năm. Nghĩa là, trong 100 tiệm thì có đến 91 tiệm phải đóng cửa trong 10 năm, và chỉ còn lại 9 tiệm. Trong 9 tiệm này, thì chỉ có 4 tiệm là có thể phát triển thêm, còn lại, thì “sống lây lất qua ngày”. Vậy thì cơ sở thương mại của bạn sẽ nằm trong những phần trăm nào? Là 91% đóng cửa, 5% lây lất, hay 4% phát triển?

Tại sao tỷ lệ thất bại lại cao đến nỗi nản lòng như thế? Nguyên nhân chính là thiếu sự chuẩn bị kỹ càng, cũng giống như câu chuyện anh chàng hứng thú ở trên, cứ đi trước rồi tính sau, hậu quả ra sao thì bạn cũng đã biết. Vậy thì phải làm sao để có thể chuẩn bị kỹ càng?

Các nhà doanh nghiệp thành công lớn thì bao giờ họ cũng phải chuẩn bị thật kỹ càng “Kế hoặch thương nghiệp – business plan” của họ. Họ không những biết xác định mục tiêu của họ rất rõ ràng mà họ còn biết đào sâu một cách chi li, tỉ mỉ trong từng chiến thuật, chiến lược, không những trong hiện tại mà ngay cả tương lai nữa. Chính vì vậy, họ đã thành công, và điếu này không cần phải minh chứng dài dòng, vì ai trong chúng ta cũng đều có những kinh nghiệm như thế, qua những cuộc đi chơi, có phải vậy không?

Muốn chuẩn bị cho thật kỹ càng cũng không khó. Chúng ta có thể “chẻ cọng tóc làm tư” cho chi li tỉ mỉ, hay chúng ta có thể đơn giản hoá, bằng những nền tảng căn bản vững vàng. Rồi từ nền tảng vững chắc đó, mà tuỳ theo từng hoàn cảnh mà đưa ra những chiến lược, chiến thuật đúng lúc. Cho nên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn hướng dẫn bạn cách xây dựng nền tảng vững chắc cho thương nghiệp của bạn.

Muốn xây dựng một nền tảng vững chắc thì bạn không cần phải tập trung vào cả trăm yếu tố mà chủ yếu chỉ cần tập trung vào 3 yếu tố quan trọng nhất là:

  1. Mục đích của bạn mở thương nghiệp để làm gì?
  2. Bạn MUỐN gì từ thương nghiệp này? và
  3. Bạn CẦN phải làm gì với thương nghiệp này?

Tại sao 3 câu hỏi này lại quan trọng nhất? Bởi vì 3 câu hỏi đó, đâu phải chỉ áp dụng trong thương nghiệp không mà thôi, mà nó còn có thể ứng dụng trong tất cả mọi công việc làm của bạn, nếu bạn muốn đạt được thành công. (Đơn cử như trường hợp chuẩn bị đi chơi ở trên) Cho nên, chúng tôi gọi đó là 3 yếu tố quan trọng của đời người. Hễ ai mà có thể hiểu rõ và ứng dụng nó đúng cách, thì sự thành công đến với họ là chuyện tất nhiên.

Mục Đích Của Bạn Mở Thương Nghiệp Để Làm Gì?

Mới nghe qua câu hỏi này, thì không ít bạn sẽ cười thầm vì cho là nó quá đơn giản, ai mà không biết mục đích của việc mình làm chứ? Thưa bạn, nếu bạn đã biết rõ mục đích của bạn thì chúng tôi xin chúc mừng bạn. Nhưng qua cuộc khảo sát của chúng tôi, đối với những người nghiêm túc trong thành công thì có đến 95% phải “vã mồ hôi trán” khi nghe câu hỏi này.

Để dễ hiểu, chúng tôi xin mượn câu chuyện của một người quen làm chủ tiệm Nail mà chúng tôi đã có dịp tiếp xúc để dẫn chứng. Dĩ nhiên, mỗi thương nghiệp sẽ có sự khác nhau, nhưng trên căn bản thì có thể giống nhau đến hơn 80%.

Vấn: Thưa anh mục đích của anh mở tiệm Nail để làm gì?

Đáp: Thì để kiếm nhiều tiền

Vấn: Anh muốn gì từ tiệm Nail của anh?

Đáp: Tôi có cả trăm cái muốn từ tiệm Nail của tôi không thể kể hết được

Vấn: Anh có thể kể một vài điều quan trọng được không?

Đáp: Thì tôi muốn tiệm tôi đông khách, đông thợ, thợ của tôi phải nghe lời của tôi v.v

Vấn: Vậy thì anh cần phải làm gì để đạt được mục đích kiếm nhiều tiền của anh?

Đáp: Thì phải quảng cáo để kéo khách, Nếu đối thủ của mình giảm giá thì mình cũng giảm giá theo như vậy đó v.v..

Theo như bạn, câu trả lời “thì để kiếm nhiều tiền” đã ổn chưa? Chắc chắc là chưa ổn rồi có phải không bạn? Nhiều là nhiều bao nhiêu? Bao nhiêu mới gọi là nhiều? Đối với người nghèo thì $10,000 cũng đã quá nhiều, mà với triệu phú $10,000 thì đáng là bao. Vậy thì khi trả lời cho câu hỏi trên bạn phải xác định một con số cho thật rõ ràng. Vì sao? Vì khi bạn hỏi mục đích của bạn là bạn đang xác định phương hướng và đích đến cuối cùng của bạn là gì? Cho nên không thể nào trả lời chung chung được, trừ khi bạn muốn thất bại nhiều hơn thành công.

Vậy nếu như trả lời: “Tôi kiếm $100,000 một năm” đã chuẩn chưa? Thưa bạn, có thể “chuẩn nhưng cần chỉnh.” Sao rắc rối thế ? Bởi vì $100,000 đó sẽ là lợi tức một năm hay là tiền lời cho 1 năm? Nếu đó là lợi tức cho 1 năm thì sau khi trừ hết 70% chi phí thì bạn chỉ có thể đem về được có $30,000 cho một năm mà thôi. Như vậy, nếu bạn ẩn dụ là muốn kiếm $100,000 tiền lời cho một năm thì mọi kế hoặch, sách lược, chiến thuật sẽ hoàn toàn khác hẳn so với $30,000 cho 1 năm, có phải vậy không? Bởi vậy mới nói là: có thể “chuẩn nhưng cần chỉnh” tùy theo bạn muốn thế nào?

Muốn rõ ràng thì bạn phải trả lời như sau: “Tôi muốn kiếm $100,000 tiền lời một năm”. Sự xác định mục đích rõ ràng sẽ giúp cho bạn định hướng tốt, nhờ đó bạn mới có thể lên kế hoặch thích hợp, để đạt được mục đính mà bạn đã đề ra.

Cho nên khi bạn hỏi mục đích việc làm của bạn là gì? thì nhớ là nên đưa ra chi tiết rõ ràng đừng có trả lời chung chung.

Bạn Muốn Gì Từ Thương Nghiệp Này?

“Tôi muốn tiệm tôi đông khách, đông thợ v.v.” Bạn nghĩ như thế nào về câu trả lời này? Và bạn có trả lời giống hay tương tự như vậy không?

Tôi luôn hy vọng rằng câu trả lời của bạn hoàn toàn khác hẳn. Bởi vì, người quen mà chúng tôi phỏng vấn đã thật sự không biết mình muốn gì? và anh đã lầm giữa cái “muốn” và cái “cần”.

Vậy thế nào là muốn và thế nào là cần?

Muốn là trạng thái tâm lý biểu hiện một sự khao khát nào đó và mong được thoả mãn. Cần cũng là trạng thái tâm lý biểu hiện một sự  thật phải có, không có không được. Cho nên, có thể nói: Cần là những phương tiện giúp cho cái Muốn thành đạt. Giản dị có thể nói Muốn là cứu cánh và Cần là phương tiện.

Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, ranh giới giữa muốn và cần hầu như khó mà phân biệt. Nếu chỉ đơn thuần trong ngôn ngữ, thì cũng không mấy quan trọng, nhưng trong thương nghiệp thì bạn phải biết phân biệt Muốn và Cần rất rõ ràng.

Thí dụ Bạn có thể nói Tôi muốn đi Cali Xem chương trình Thúy Nga. Vậy Bạn phải cần gì?

Bạn cần tiền, bạn cần mua vé xem nhạc, bạn cần phương tiện di chuyển, bạn cần quần áo đẹp v.v Như vậy thì cái bạn muốn là mục đích bạn sẽ đạt đến, và cái cần là những phương tiện giúp cho bạn đạt được mục đích đó, có phải vậy không?

Nếu ta nhìn vào câu trả lời trên, chúng ta thấy “… Tôi muốn tiệm tôi đông khách, đông thợ …” là điều kiện Cần có để đạt được mục đích “kiếm nhiều tiền” chứ không phải là cái Muốn. Nhiều người chúng ta không phân biệt được cái muốn của mình với mục đích của mình là sao nữa. Có Mục Đích là có sự xác định phương hướng và đích đến, còn Muốn là bày tỏ mình sẽ làm gì khi đến được đích đến. Thí dụ: Mục đích của bạn là mở tiệm Nail kiếm $100,000 tiền lời mỗi năm, thì cái Muốn của bạn là sẽ làm gì với $100,000 đó. Chẳng hạn như, bạn muốn dùng $100,000 đó để mở một tiệm khác, hay Bạn dùng $50,000 cho chi phí gia đình, $20,000 để dành cho con cái đi học, $20,000 để vào trương mục tiết kiệm, $10,000 để giúp đỡ thân nhân hay đi du lịch v.v… Tùy theo bạn có bao nhiêu cái muốn, và tuỳ theo cái muốn của bạn, bạn sẽ phân định xem cái muốn nào quan trọng hơn thì bạn xếp lên trên hết, và cứ theo thứ tự xuống dần.

Nhờ sự phân hạng này, mà bạn mới có thể đánh giá đúng mức, mức độ thành công hay thất bại của mục đích bạn đặt ra. Bạn hãy cố gắng phân loại cái muốn của bạn rõ ràng, đừng có cứ chung chung, dễ đưa đến sự thất chí, và đánh mất tự tin của mình.

Thí dụ: mục đích của bạn là kiếm $100,00 nhưng nếu bạn không chia nhỏ ra thì khi bạn kiếm được $70,000 bạn sẽ cảm thấy thất vọng và xem như mình thất bại vì không đạt được mục đích. Nhưng nếu bạn phân ra từng phần nhỏ như trên thì $70,000 đã giúp bạn hoàn thành được 2 việc quan trọng là chi phí gia đình và để dành tiền cho con cái đi học. Nếu cứ $10,000 bằng 10% thì bạn đã đạt được 70% so với mục đính ban đầu của bạn. Nói một cách khác hơn là bạn thành công nhiều hơn thất bại. Sự so sánh này giúp bạn tự tin hơn và sẽ cố gắng hơn để đạt được đến mục đích hoàn hảo nhất.




Làm Sao Để Kiếm Nhiều Tiền Từ Tiệm Nail Của Bạn? (P2)

4. Ứng Dụng Biết Bạn Cần Gì?

Tuy được sắp xếp đứng vị trí thứ tư, nhưng “cần” lại đóng vai trò quyết định quan trọng xem những phương tiện nào, điều kiện nào “cần phải có” để thoả mãn cho mục đích và cái muốn của bạn. Thiếu yếu tố “cần” này thì bạn khó mà có thể hoàn thành được 3 yếu tố nêu trên. Tiếc thay, không ít các bạn chủ tiệm Nail thường “quên” hay thiếu sót trầm trọng phần này.

Vậy Cần là gì?

“Cần” cũng là một trạng thái tâm lý, nằm trong ngã thức, nhằm biểu hiện những điều kiện, hay phương tiện “phải có và đủ để sống còn.”

Nếu bạn để ý kỹ, bạn sẽ thấy giữa định nghĩa của “cần” và “muốn” khá giống nhau. Cả hai đều mang cùng một tính chất: “không có là không được.” Nhưng nếu cần phân biệt rạch ròi thì cũng không khó lắm.

Thí dụ: bạn muốn sống thì bạn cần không khí để thở. Như vậy, không khí đóng vai trò điều kiện hay phương tiện cho cái muốn của bạn. Không có không khí của “cái cần” thì “cái muốn” sống của bạn cũng không thể thoả mãn được. Hay nói một cách giản dị, dễ nhớ hơn thì: cần là phương tiện và muốn là cứu cánh.

Vậy bạn cần gì để kiếm nhiều tiền hơn từ tiệm Nail của bạn?

Nếu nói đến Cần, thì nó có thể lên đến cả trăm, tùy theo môi trường và hoàn cảnh. Nhưng nếu tóm gọn lại, thì bạn chỉ Cần có 4 điều sau đây:

  1. Cần có nhiều khách hàng mới
  2. Cần khách trung thành tiêu xài nhiều tiền hơn cho các dịch vụ
  3. Cần khách hàng trung thành giới thiệu khách hàng mới
  4. Cần một hệ thống hoàn chỉnh

1-Cần có nhiều khách hàng mới

Bất cứ một thương nghiệp nào, nếu không có khách hàng thì không thể tồn tại. Thống kê của Bộ Lao Động Mỹ đã đưa ra một con số khiến chúng ta dễ nản lòng. Theo thống kê, cứ 100 tiệm mở đầu năm, thì có đến 67 tiệm phải đóng cửa trong vòng 2 năm. Còn lại 34 tiệm thì đến 25 tiệm sẽ đóng cửa trong vòng 10 năm . Nghĩa là, trong 100 tiệm thì có đến 91 tiệm phải đóng cửa trong 10 năm, và chỉ còn lại 9 tiệm. Trong 9 tiệm này, thì chỉ có 4 tiệm là có thể phát triển thêm, còn lại, thì “sống lây lất qua ngày”.  Tại sao con số thất bại lại lên cao đến vậy. Nguyên do chính là, vì tất cả các chủ thương nghiệp đều không biết cách làm thế nào để có được nhiều khách hàng. Vậy làm sao tiệm của bạn có thể kiếm được nhiều khách hàng? Muốn có được nhiều khách hàng, bạn cần phải nắm vững 4 yếu tố sau đây:

a.    Địa điểm

b.     Biết được giá trị khách hàng

c.    Biết được khách hàng của bạn muốn gì và cần gì?

d.    Biết làm sao tiếp thị

a. Địa Điểm

Theo thống kê thì 95% các chủ tiệm Nail Việt Nam thường dựa trên 2 tiêu chuẩn sau đây để chọn địa điểm: “Nhất vị trí, nhì cự ly,” mà quên hẳn những yếu tố vô cùng quan trọng khác như: Dân số khu vực đó bao nhiêu? Có bao nhiêu người có thể sử dụng dịch vụ Nail? Lương bổng một năm của họ thế nào? Họ có khả năng trả bao nhiêu? Họ thuộc thành phần nào? Họ muốn và cần gì? v.v… nên cơ hội thành công, kiếm thêm nhiều khách hàng mới, thường trở nên khó khăn hơn. Vậy  tại sao các chủ tiệm Nail Việt Nam lại chỉ dùng “Nhất vị trí, nhì cự ly” mà ít dùng thêm những yếu tố vô cùng quan trọng khác? và ý nghĩa của “Nhất vị trí, nhì cự ly” là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi tại sao thì chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của “Nhất vị trí, nhì cự ly” là gì? đã:

“Nhất vị trí” là địa điểm mở tiệm của bạn phải là nơi thuận tiện trong các khu thương xá, khu chợ sầm uất, có parking ra vào dễ dàng và dễ tìm, dễ thấy. Còn “Nhì cự ly” có nghĩa là khoảng cách từ nhà bạn đến tiệm không quá xa, vì xa quá sẽ khó khăn về việc đi lại, đưa đón thợ, việc hư hao xe cộ, sự rủi ro trên đường đi và về, v.v.

Từ ý nghĩa này chúng ta có thể trả lời tại sao các chủ tiệm Nail lại chỉ dùng “Nhất vị trí, nhì cự ly” bởi vì, hầu hết các chủ tiệm Nail Việt Nam chỉ có kinh nghiệm và giỏi về nghề Nail nhưng thiếu hẳn kinh nghiệm về kinh doanh, điều hành và tiếp thị.

Thí dụ như chọn địa điểm trong các khu thương xá, hay chợ sầm uất, có ưu điểm là tiệm của bạn sẽ có nhiều người biết đến mà bạn ít phải tốn tiền quảng cáo, tiếp thị. Nhưng các khuyết điểm thì lại quá nhiều:

  • Tiền mướn quá cao thường gấp đôi so với những cơ sở thương mại khác
  • Chịu tiền bảo trì cơ sở thương mại nhiều hơn (CAM: Common Area Maintenance)
  • Tiền thuê tăng hằng năm cao hơn
  • Những điều khoản thuê mướn đòi hỏi, và ngăn cấm nhiều hơn
  • Chủ phố có thể không ký gia hạn hợp đồng thuê mướn, lấy lại địa điểm cho người khác mướn tùy theo môi trường “cung, cầu”
  • Chưa chắc khách hàng qua lại sẵn sàng sử dụng dịch vụ
  • Chi phí thuê mướn nhiều hơn nên khó cạnh tranh về giá cả
  • Kiếm thợ cũng khó hơn, nếu không đông khách và có giá phục vụ không cao

Nếu bạn là người có kinh nghiệm về quản lý, điều hành, và tiếp thị thì bạn sẽ nghiên cứu thị trường kỹ càng. Sau đó, bạn có thể chọn một địa điểm thích hợp để thuê mướn với giá rẻ hơn, rồi dùng số tiền dư ra (so với mướn chỗ ở thương xá) để đưa ra cách tiếp thị hữu hiệu, lôi kéo khách hàng đến tiệm của bạn.

Giả dụ: bạn mướn tại thương xá 1 cơ sở: 1,500 sqft -$2/sqft/1tháng = $3,000 + $450  ($750) (3% – 5% CAM)= $3,450 – $3,750/1 tháng, thì bạn có thể chọn địa điểm khác, không nằm trong các thương xá với cùng một diện tích: 1,500 sqft – $1/sqft/1tháng= $1,500 + $450 ($750) (3% – 5% CAM) = $1,950 – $2,250/1 tháng. Có nghĩa là, bạn có thể dùng tối đa $1,500 dư ra (thay vì mướn trong thương xá) để quảng cáo và tiếp thị. Bạn có thể dùng $1,500 để giảm giá, khuyến mãi, hay tặng quà cho khách hàng v.v. để giữ khách hàng. Nếu như bạn không muốn dùng để tiếp thị, thì số tiền $1,500 đó sẽ thành tiền dư ra hàng tháng, hay thành tiền lời của bạn.

Cho nên, nếu bạn biết dùng đúng phương pháp chọn địa điểm, thì bạn đã có dư khả năng để cạnh tranh với các đối thủ của bạn (quảng cáo, tiếp thị liên tục, giảm giá, tặng quà v.v) mà bạn còn có thể tăng thêm lợi nhuận khi bạn quyết định không dùng đến tiền đó để quảng cáo hay tiếp thị nữa.

Vậy làm thế nào để bạn chọn địa điểm đúng?

Có hai cách:

  1. Bạn phải tự nghiên cứu, phân tích xem khu vực tiệm của bạn dân số là bao nhiêu? có bao nhiêu người nữ/nam? độ tuổi của họ là tuổi nào? Họ muốn và cần gi? Lợi tức thu nhập hàng năm của họ là bao nhiêu? Khách hàng của bạn là ai? Mỹ Trắng, Mỹ Đen/Mễ ? Họ có thể xài bao nhiêu tiền cho dịch vụ Nail của bạn? Bao lâu thì họ có thể sử dụng phục vụ Nail của bạn trong 1 năm? Bạn có bao nhiêu đối thủ trong vòng 1-5 dặm? Có bao nhiêu cơ sở thương mại còn trống đang cho thuê ? Hợp đồng thuê/mướn của họ như thế nào? Giá bao nhiêu một sqft? v.v..
  2. Tìm người môi giới (chuyên viên) địa ốc có kinh nghiệm: chuyên mua, bán, mướn các cơ sở thương mại

Muốn tìm được một người môi giới có kinh nghiệm và giỏi, bạn phải tìm, phỏng vấn và đòi hỏi người môi giới đại diện cho bạn phải có ít nhất 5 kinh nghiệm sau đây:

  1. Có khả năng nghiên cứu và phân tích địa điểm một cách chính xác
  2. Có khả năng đọc và hiểu các bản hợp đồng
  3. Có khả năng điều chỉnh các điều khoản hợp đồng sao cho có lợi cho cơ sở của bạn
  4. Có khả năng điều đình giá mướn và hợp đồng gia hạn
  5. Có khả năng hướng dẫn và giải thích các hợp đồng cho bạn một cách rõ ràng

Và quan trọng nhất là không tính tiền khi đại diện cho bạn khi ký hợp đồng (Nếu có cũng chỉ là vài trăm- đây là những công ty lớn họ sẽ không chịu làm miễn phí cho bạn).

*** Nhiều chủ tiệm Nail đã hiểu lầm rằng, khi dùng đến những người môi giới đại diện cho bạn thì bạn sẽ phải tốn rất nhiều tiền. Nhưng sự thật thì bạn sẽ không tốn một đồng nào cả. Vì sao? Vì những người môi giới đại diện cho bạn, sẽ chia tiền hoa hồng với người môi giới đại diện cho chủ phố. Nên chủ phố sẽ không phải trả thêm tiền cho người đại diện cho bạn. Do đó, sẽ không có việc người chủ phố sẽ tăng tiền mướn chỗ của bạn, khi bạn có người môi giới đại diện cho bạn.

Có một số chủ tiệm Nail mà chúng tôi có cơ hội tiếp xúc lại nghĩ rằng, nếu tự mình đi thương lượng, thì chủ phố, vì không phải trả tiền cho người môi giới, sẽ giảm tiền mướn cho mình. Sự thật thì không phải vậy.Vì khi bạn đi thương lượng, thì bạn sẽ gặp người môi giới đại diện cho người chủ phố, với những hợp đồng soạn sẵn. Họ có nhiều kinh nghiệm về thị trường và luật pháp hơn bạn, nên họ được mướn để “ép” bạn, tuân theo những điều khoản hợp đồng mà quyền lợi về cho chủ phố sẽ nhiều hơn bạn. Đó là chưa kể, họ được đào tạo rất kỹ về khoa tâm lý. Họ có thể nhận ra những “cảm xúc ưa thích” của bạn để “ép” bạn đến cùng. Muốn đối phó với những người môi giới đó, cách hay nhất vẫn là để cho những người cùng nghành với họ, giúp cho bạn là tốt nhất.

Còn có một số các bạn chủ Nail khác, vì sợ tốn tiền, hay vì thiếu kinh nghiệm thì đã liên lạc trực tiếp với người môi giới của chủ phố nhờ đại diện cho mình. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, vì người môi giới (đăng số phone trên những bảng cho mướn) đã được người chủ phố thuê họ làm dịch vụ cho mướn, nên họ sẽ phải bảo vệ quyền lợi của chủ phố hơn là bảo vệ quyền lợi cho bạn.  Cho nên, cuối cùng, sự thiệt thòi cũng sẽ về phần của bạn.

Lựa chọn được người môi giới đại diện cho bạn là điều vô cùng quan trọng, vì khi ký một hợp đồng thuê mướn mà không đúng cách, thì bạn sẽ có thể mất đi cơ sở mà bạn đã phải dầy công xây dựng. Không những tốn kém vì phải xây dựng lại một tiệm mới từ đầu, mà nguy hiểm nhất, chính là bạn sẽ mất đi lợi tức, khách hàng và nhân viên.

Có một người quen của chúng tôi, anh/chị đã bó ra 3 năm để xây dựng một tiệm Nail rất thành công (đông khách, đông thợ). Khi khởi nghiệp, vì đặt hết tâm trí vào việc xây dựng tiệm Nail, nên anh/chị đã “coi thường” việc ký kết hợp đồng. Khi hợp đồng thuê mướn hết hạn, chủ phố nhất định lấy lại, vì có người khác mướn giá cao hơn. Anh/chị lúc đó mới “té ngửa” đi nhờ luật sư xem lại hợp đồng. Vì không rõ luật, những điều khoản trong hợp đồng đều cho quyền người chủ phố thu hồi hợp pháp, với sự ký tên đồng ý của anh/chị. Luật sư cũng đành chịu.Tốn thêm một mớ tiền cho luật sư, cuối cùng, anh/chị cũng đành phải chấp nhận, dọn qua chỗ khác. Vừa ức, vừa tức, vừa tốn kém thêm tiền xây dựng cơ sở mới, lại mất đi một số lượng khách hàng. Cuối cùng, qua khu mới quá ế ẩm, anh/chị đó đành phải bán địa điểm mới và chấp nhận thua lỗ nặng nề.

Chỉ vì thiếu kinh nghiệm khi ký hợp đồng mà đang từ một chủ nhân có cơ sở thành công lại trở thành tay trắng. Bài học này, nhắc nhở các bạn làm chủ Nail phải hết sức thận trọng, nếu không bao nhiêu “mồ hôi và nước mắt”, tiền bạc, công sức đổ vào xây dựng tiệm Nail của bạn, cuối cùng lại là tay không.

Nếu như bạn cảm thấy tìm một người môi giới có kinh nghiệm quá khó, hay không tìm được, hoặc bạn rất tự tin vào chính bạn, và muốn tự làm lấy một mình, thì ít nhất 10 điều khoản sau đây trong bản hợp đồng, trước khi ký, bạn cần phải hết sức để ý:

  1. Mục đích sử dụng (purpose of Premise)
  2. Tỷ lệ phần trăm tiền phải trả thêm lợi tức cho chủ phố (CAM)
  3. Quyền điều chỉnh tiện nghi
  4. Quyền hạn và phạm vi giới hạn của việc tân trang tiệm hay mua bán tiệm về sau
  5. Quyền hạn đặt bảng quảng cáo cho tiệm tại địa điểm kinh doanh và trong khu vực lân cận
  6. Thời hạn hiệu lực và chấm dứt hiệu lực của hợp đồng thuê mướn địa điểm.
  7. Mức phạt (Penalty) : tỉ lệ phần trăm và các điều khoản ấn định về mức phạt.
  8. Tiền phạt phải trả sau thời gian hạn định (Late Payment Penalty).
  9. Điều khoản tái ký hợp đồng (Renewal option)
  10. Những điều khoản có liên quan về bảo quản tiệm , kinh doanh an toàn tại tiệm và tiền bảo hiểm của tiệm (Insurance required of tenant)

b. Biết được Giá Trị Khách Hàng

Biết được giá trị khách hàng đóng một vai trò quan trọng, không những được dùng để đưa ra những sách lược, chiến thuật tiếp thị hữu dụng nhằm giữ gìn, và phát triển thêm khách hàng mới và cũ, mà còn được dùng để đưa ra giá cả hợp lý; tuyển chọn nhân viên; trả lương cho nhân viên sao cho hợp lý; biết được lợi tức thu nhập, và còn có thể tăng thêm lợi nhuận. Cho nên, khi bạn “Biết được giá trị của khách hàng” thì bạn có thể biết được mục đích của bạn có thành công hay không? Công thức tính giá trị khách hàng cũng rất đơn giản như sau:

Chi Tiết Bảng 1 Bảng 2
Số tiền khách hàng xài trong 1 tháng $40/1 giờ $50/1 giờ
Số tiền khách hàng xài trong 12 tháng $40×12=$480 $50×12=$600
Tổng số tiền bạn muốn kiếm 1 năm $480,000 $600,000
Tổng số khách hàng trung thành cần có $480,000/$480=1000 khách 1000
Số giờ khách hàng phục vụ 1 năm 1000 x 12= 12,000 giờ 12,000
Số giờ nhân viên làm trong 1 năm 50 giờ x 50 tuần=2,500 giờ  
Số nhân viên cần có 12,000/2,500 giờ = 5 thợ  
Số tiền trả cho nhân viên $800 x50 tuần x5 thợ = $200,000  
Số tiền linh tinh (Thuê+Điện/Nước v.v) $100,000  
Số tiền lợi nhuận $480,000 -$200,000 -$100,000 = $180,000 $600,000 -$300,000= $300,000

Trong thí dụ (Bảng 1) nêu trên, nếu 1 người khách có khả năng xài $40 trong 1 tháng, và tiếp tục xài $40 mỗi tháng, liên tục trong 1 năm, thì giá trị của mỗi người khách hàng của bạn là $480. Bạn có thể dùng con số này để đưa ra những sách lược, hoặc chiến thuật khác nhau để có thể giữ khách ở tiệm của bạn lâu dài hơn, hay biến họ trở nên khách trung thành với tiệm của bạn như: làm 6 tháng thì tháng thứ 7 free, hay mua những tặng phẩm khác để tặng cho khách, hoặc cho 15% discount mỗi lần phục vụ, hoặc dẫn bạn bè đến được giảm ½ giá v.v. tùy theo bạn biết khách hàng của bạn hứng thú chiến thuật nào.

Bạn làm sao phải khiến cho khách của bạn luôn ngạc nhiên với những chiến thuật của bạn, thì bạn sẽ thành công trong việc giữ khách hàng của bạn lâu dài. Từ việc biết được giá trị của khách hàng, và mục đích của bạn muốn kiếm bao nhiêu tiền trong 1 năm, bạn có thể tính ra bạn cần có bao nhiêu khách hàng để đạt được mục đích của bạn. Khi tính ra bao nhiêu khách hàng bạn cần, thì bạn cũng tính ra bạn cần bao nhiêu thời gian để phục vụ cho tất cả khách hàng của bạn. Tính được ra bao nhiêu thời gian cần có để phục vụ cho khách hàng, cho phép bạn tính được có bao nhiêu nhân viên bạn cần phải có, và họ sẽ phải làm bao nhiêu giờ trong 1 tuần. Có được số nhân viên,và số giờ của nhân viên có thể làm trong 1 tuần/1 năm, bạn có thể biết được bạn phải trả bao nhiêu lương cho thợ. Biết được số tiền phải trả ra cho thợ mỗi tuần sẽ giúp bạn biết được tổng số tiền bạn phải chi trả cho nhân viên là bao nhiêu? Có được số tiền trả cho nhân viên cộng thêm những tiền chi phí khác, bạn sẽ biết 1 năm bạn phải chi ra thế nào. Muốn biết bạn sẽ có lợi tức thế nào thì dùng số tiền thu được từ khách trừ đi số tiền chi phí. Như vậy, nếu một tiệm Nail có 5 người thợ lương $40,000/1 năm và có 1,000 khách hàng trung thành trong 1 năm thì có thể kiếm khoảng  ít nhất $150,000 – $200,000/1 năm.

Qua đến (Bảng 2),  bạn sẽ thấy, cũng có bao nhiêu khách hàng, cũng cần có bao nhiêu nhân viên, nhưng khác biệt ở đây, là giá phục vụ mỗi tháng thay vì $40, nay thành $50. Khác biệt $10 cho một lần phục vụ có thể tăng lợi tức hằng năm lên đến 67% =$120,000. Hay đơn giản, thì bạn cứ tăng giá phục vụ lên $1 thì lợi tức được tăng thêm 6.7%. Ngược lại, nếu bạn giảm giá phục vụ của bạn xuống $1 thì bạn cũng giảm lợi tức của bạn xuống 6.7%.

Nhờ cách tính này, mà bạn có thể biết bạn cần phải có bao nhiêu khách hàng để tồn tại. Thay vì, bạn cứ lo giảm giá để cạnh tranh, và phải làm thật nhiều khách với giá hạ, thì bạn có thể tập trung vào việc kiếm khách trung thành, và có khả năng trả tiền đúng hay hơn theo giá của bạn qui định. Người môi giới giỏi của bạn sẽ có thể  giúp cho bạn biết, khu vực nào có những loại khách mà tiệm bạn đang cần, và bạn cần phải biết tiếp thị thế nào để khách hàng của bạn có thể đến tiệm của bạn, và tiêu xài đúng giá như bạn muốn.

Thống kê còn đưa ra một con số đáng kinh ngạc khác, là cứ 1 người thì họ có ảnh hưởng, liên hệ và tác động trực tiếp, hoặc gián tiếp đến 250 người. Nếu bạn biết phục vụ đúng cách, biết cách tiếp thị hữu hiệu, thì đôi khi chỉ cần mươi, mười lăm người khách trung thành cũng khiến cho bạn làm việc “mệt xỉu.”

c,d. Biết được khách hàng của bạn Muốn gì và Cần gì? Và Tiếp Thị ra sao?

Nếu người môi giới của bạn giỏi, thì họ có thể giúp cho bạn biết được lợi tức thu nhập khách hàng của bạn là bao nhiêu? Và họ đang cư ngụ trong khu vực nào? Thông thường, mỗi khu vực đều luôn có 3 loại khách khác nhau, bất kể là khu vực nào:

  1. Khách Thượng Lưu
  2. Khách Trung Lưu
  3. Khách Bình Dân

Khách Thượng Lưu Muốn gì và Cần gì?

Vì là khách thương lưu, cho nên, cái muốn của họ chính là “Xác Định Đẳng Cấp của họ”. Vì vậy, cái cần của khách thượng lưu hoàn toàn không giống như khách hàng trung lưu hay bình dân. Vậy họ cần gì?

  1. Dịch vụ phải ở nơi thật an ninh và an toàn  (càng giầu càng sợ chết) (20%)
  2. Dịch vụ phải có nội, ngoại thất, trang trí cao cấp (xác định đẳng cấp) (20%)
  3. Thiết bị phải thật sạch sẽ, vệ sinh (20%)
  4. Phong cách phục vụ phải chuyên nghiệp (20%)
  5. Phẩm chất hạng cao có bảo đảm an toàn (20%)

Nếu tiệm của bạn chọn loại khách thượng lưu để phục vụ, thì chắc chắn bạn phải chuẩn bị một số tiền đầu tư khá lớn. Ngoài vấn đề về tái chánh ra, bạn còn phải chuẩn bị tinh thần là số lượng khách thượng lưu không nhiều. Tuy không nhiều như khách trung lưu hay bình dân, nhưng đối với khách thượng lưu, thì giá cả không bao giờ thành vấn đề với họ. Họ có thể trả giá gấp 4 đến 5 lần hơn giá bình thường cho sự phục vụ, và họ thường có thể sử dụng nhiều lần trong một tháng. Cho nên, tuy họ ít, nhưng họ lại xài nhiều tiền hơn, và xài nhiều lần hơn. Dù số lượng hơi ít, nhưng lợi tức của bạn có khi còn nhiều hơn cả các tiệm chuyên phục vụ cho khách trung lưu. Ngoài ra, vì ít có tiệm phục vụ cho khách thượng lưu, cho nên, bạn ít bị cạnh tranh hơn. Thêm vào đó, vì có quá ít tiệm phục vụ cho khách thượng lưu, nên khi đã chọn tiệm của bạn thì họ sẽ trung thành với bạn, và sẵn sằng giới thiệu những bạn bè của họ đến với dịch vụ của bạn.

Điều tiếp thị cấm kỵ: Đối với khách thượng lưu mà bạn cứ chơi chiêu: đưa ra giá hạ, hay dùng chiến thuật giảm giá, coupon thì bạn sẽ “sớm phải đóng cửa”. Muốn tiếp thị với khách thượng lưu thì chỉ cần chú trọng đến “đẳng cấp mà họ muốn.” là đủ.

Khách Trung Lưu Muốn và Cần gì?

Khác với khách thương lưu, khách trung lưu lại muốn đạt được “Giá Trị Cao Nhất.” Vậy khách trung lưu cần gì :

  1. Phong cách phục vụ (40%)
  2. Phẩm chất phục vụ (30%)
  3. Trang trí, Vệ sinh (20%)
  4. Giá cả (10%)

Đối với khách trung lưu, quan niệm của họ rất rõ ràng, mỗi một đồng của họ bỏ ra, thì họ phải nhận lại một giá trị tương xứng, hoặc hơn số tiền của họ bỏ ra cho dịch vụ, hay sản phẩm mà họ tiêu dùng. Cho nên, những cái cần của họ lại không giống như cái cần của khách thượng lưu. 40% trong bảng giá trị của họ sẽ thuộc về phong cách phục vụ của tiệm bạn. 30% cho phẩm chất phục vụ; 20% cho trang trí, vệ sinh; và 10% cho giá cả.

Khi phong cách phục vụ của bạn đạt đủ tiêu chuẩn, cộng thêm phẩm chất phục vụ tốt, với trang trí nhẹ nhàng, vệ sinh sạch sẽ (90%), thì phần giá cả không còn là vấn đề đối với họ. Không ít khách trung lưu còn cảm thấy giá trị của họ nhận được nhiều hơn. Đó cũng chính là lý do, tại sao họ sẵn sàng cho tiền tip hậu hĩnh gọi là “đền bù”.

Ngược lại nếu phong cách phục vụ của tiệm bạn không đạt đủ tiêu chuẩn, thí dụ chỉ được 10% thay vì 40%, thì 30% trong phong cách phục vụ đó, được chuyển xuống rồi cộng vào phần giá cả, khiến phần giá cả tăng thành 40%. Khi phần giá cả đã lên đến 40%,  thì dù tiệm bạn có làm đẹp, trang tri cao cấp, vệ sinh sạch sẽ, thì cũng chỉ chiếm được 60%. Khi chỉ số phần trăm tụt dưới 75%, thì khách trung lưu sẽ dùng giá cả để thẩm định giá trị mà họ nhận được từ tiệm bạn có xứng đáng hay không? Nếu số phầm trăm giá cả cao thì họ cho rằng tiệm của bạn giá cả phục vụ quá mắc, và họ sẽ đi tìm tiệm khác.

Không ít khách hàng trung lưu đã từng chê bai đủ điều về phong cách phục vụ của những tiệm Nail với giá hạ. Ngược lại, họ lại không tiếc lời khen thưởng, và chấp nhận giá của một tiệm khác cao hơn vì phong cách phục vụ tốt hơn. Cho nên, bạn đừng nghĩ rằng, vì cạnh tranh, bạn cứ xuống giá là bạn sẽ có khách trung lưu trung thành với bạn. Chiến thuật đó, chỉ có thể áp dụng hữu hiệu cho khách bình dân mà thôi.

Muốn có khách trung lưu trung thành với bạn, thì bạn chỉ cần tập trung vào phong cách và phẩm chất phục vụ là đủ. Bởi vì với phong cách phục vụ khách hàng tốt, sẽ có những tác động tích cực như sau:

  1.  Có thể giữ được khách hàng lâu dài, và khách hàng của bạn sẽ giới thiệu tiệm của bạn với những người khác
  2. Khách hàng sẽ hứng thú vào sự phục vụ của tiệm bạn, sẽ sử dụng sự phục vụ của bạn nhiều hơn, hay sẽ mua sản phẩm nhiều hơn
  3. Bạn sẽ nổi bật so với đối thủ cạnh tranh của bạn
  4. Làm cho nơi làm việc thú vị hơn để giữ nhân viên giỏi ở lại
  5. Tạo ra quảng cáo miệng nhanh nhất, đỡ tốn kém, và dễ dàng gia tăng lợi nhuận

Gần đây, theo sự nghiên cứu và khảo sát của công ty Katzenbach, họ đã đưa ra những con số phần trăm khá ấn tượng như sau:

  • 94% người (được phỏng vấn) đều cho rằng: phục vụ khách hàng tốt là quan trọng với họ.
  • 82% người nói rằng: họ sẽ chi tiêu nhiều tiền hơn tại các cửa hàng hay dịch vụ  mà nơi đó, họ nhận được sự phục vụ khách hàng tốt hơn.
  • 80% người nói rằng: trong vài năm qua, họ đã không nhìn thấy bất kỳ sự cải thiện về sự phục vụ khách hàng nào, ngược lại, hơn một nửa của nhóm này cho biết, điều này đã trở nên tệ hơn trước.
  • 62% người cho rằng: nếu họ đã có một kinh nghiệm xấu với một dịch vụ hay món hàng nào đó, thì họ sẽ không sử dụng người phục vụ đó, hay mua từ cửa hàng đó, thêm một lần nữa.

Cho nên, phục vụ khách hàng tốt là điều quan trọng đầu tiên và quan trọng nhất, bởi vì nó giúp cho tiệm của bạn tạo ra lòng trung thành của khách hàng, những người sẵn sàng chịu trả tiền nhiều hơn, mà nó còn tạo ra các mối quan hệ khách hàng độc đáo, bền vững, khiến cho các đối thủ cạnh tranh của bạn cũng sẽ gặp khó khăn hơn nếu họ muốn lôi kéo khách hàng của bạn.

Vì vậy, đối với khách trung lưu, bạn đừng đem những giảm giá, coupon ra nhử họ. Bạn chỉ có 30% cơ hội thành công khi kéo họ đến với tiệm của bạn lần đầu mà thôi. Nhưng nếu phong cách phục vụ của tiệm bạn quá tệ, thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ gặp lại họ lần thứ hai. Không những bạn vừa tốn tiền quảng cáo, mất đi lợi tức, mà bạn còn mất luôn một hoặc nhiều khách khác, quen biết với họ, một cách vĩnh viễn. Cách hay nhất để tiếp thị với họ là: hãy nói với họ về phong cách và phẩm chất phục vụ của tiệm bạn.

Khách Bình Dân Muốn gì và Cần gì?

Khách bình dân chỉ muốn duy nhất có một điều là “Giá Hạ,” và họ đòi hỏi những điều cần có sau đây:

  1. Giá cả (50%)
  2. Phẩm chất phục vụ (20%)
  3. Phong cách phục vụ (20%)
  4. Trang trí Vệ Sinh (10%)

Đối với khách bình dân,  thì giá cả đóng vai trò quyết định chính cho việc chọn lựa phục vụ của họ. Nếu tiệm của bạn dù có làm tốt, phục vụ tốt, trang trí dễ coi, vệ sinh sạch sẽ thì cũng chỉ mới chiếm được 50%, còn 50% thuộc về giá cả. Nếu giá của bạn lại mắc hơn đối thủ của bạn, thì khách bình dân sẽ sẵn sàng bỏ bạn và chọn đối thủ của bạn, dù rằng phong cách và tiêu chuẩn phục vụ của họ có thể kém hơn so với tiệm của bạn rất nhiều.

Khi bạn đã quyết định rằng tiệm Nail của bạn chuyên phục vụ cho khách bình dân, thì bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần để chấp nhận sự “phản bội” của khách bình dân. Họ sẽ không bao giờ trung thành với tiệm của bạn, dù cho bạn có đối xử với họ tốt bao nhiêu, cũng bằng thừa. Đừng bao giờ bạn đặt quá nhiều niềm tin vào sự trung thành của khách bình dân, mà có ngày, bạn rơi vào “đại thất vọng”. Không phải khách bình dân là người xấu, nhưng vì tài chánh của họ có giới hạn, nhưng lại thích “bằng chị bằng em”, nên những gì họ có thể làm là tiết kiệm tối đa.

Không cần phải nói, khi bạn chấp nhận phục vụ cho khách bình dân thì bạn cũng phải chấp nhận luôn: lợi tức thu vào của bạn sẽ ít đi; bạn khó kiếm nhân viên hơn; phải phục vụ nhiều khách hơn; phải đối đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn v.v. Nhưng điều làm cho bạn nhức đầu nhất, đó chính là thái độ kỳ kèo, cãi cọ, than phiền,và nói xấu của khách bình dân sẽ khiến cho bạn thêm mệt mỏi, và danh tiếng tiệm của bạn cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Cho nên, nếu bạn chưa có một tinh thần “thép” thì bạn đừng nên chọn lựa phục vụ khách bình dân. Trừ khi bạn muốn “dẹp” tiệm sớm. Dĩ nhiên, cách tiếp thị hay nhất với khách bình dân đó chính là “Giá Hạ”.

2- Cần khách trung thành tiêu xài nhiều tiền hơn cho các dịch vụ

Các nhà cố vấn thương nghiệp đều cho rằng khách hàng trung thành chính là tài sản quý giá của tất cả cơ sở thương mại, và hơn 95% các nhà doanh nghiệp cũng đồng tình như vậy. Vì sao ? Bởi vì:

  1. Khách hàng trung thành là những khách hàng trở lại (repeat). (mang nhiều lợi tức ổn định cho bạn)
  2. Khách hàng trung thành sẽ sẵn sàng sử dụng dịch vụ mới và mua nhiều sản phẩm hơn. (Vì họ “biết” bạn và “tin” bạn, nên họ dễ dàng sử dụng các dịch vụ hay sản phẩm mới từ tiệm của bạn hơn so với khách hàng mới.)
  3. Khách hàng trung thành sẵn sàng giới thiệu khách mới. (Khi khách hàng có sự tin tưởng vào tiệm của bạn thì họ sẵn sàng giới thiệu thân nhân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp của họ cho bạn.)

Vì vậy, xây dựng niềm tin với phong cách phục vụ ưu đẳng sẽ giúp bạn biến những người khách “vãng lai” trở thành khách “thường trực”. Sau đây là 6 bước căn bản, giúp bạn biến khách hàng trở nên trung thành với tiệm của bạn:

  1. Tạo ra một ấn tượng tích cực đầu tiên. Lòng trung thành của khách bắt đầu bằng một ấn tượng đầu tiên của họ đối với phong cách phục vụ của bạn. Nếu khách hàng tiềm năng (prospect) của bạn có một phản ứng tiêu cực về bạn, thì phản ứng đó sẽ tác động đến tất cả các tương tác trong tương lai. Vì vậy, bạn phải tạo được một ấn tượng tích cực đầu tiên với khách của bạn bằng sự chuyên nghiệp và lịch sự.
  2. Nghe. Nghe là một nghệ thuật. Có hai phương pháp nghe: Nghe bằng Âm và Nghe bằng Tâm. Nghe bằng Âm là nghe những âm thanh phát ra từ người đối diện. Nghe bằng Tâm là nghe những khát khao, mong muốn từ người đối diện.
    Giả dụ: có một người khách muốn làm một bộ móng tay như thế này…Nếu bạn nghe bằng Âm, thì bạn thấy là nó không được đẹp cho lắm. Bạn lập tức chê bai, hay không nói gì, nhưng khi làm bạn lại làm theo ý bạn. Khách không những không hài lòng, mà còn thấy bị “sỉ nhục”, nên họ sẽ phàn nàn, trách mọc hay nặng hơn là cãi vả và chửi rủa khiến cho bạn bực mình, cãi lại họ, và cuối cùng, bạn mất đi người khách đó vĩnh viễn.
    Ngược lại, nghe bằng Tâm thì bạn sẽ cư xử khác. Câu trả lời “thông minh” sẽ khiến cho khách của bạn, không những họ thấy họ được tôn trọng, mà còn thấy được tính chuyên nghiệp của bạn, khiến cho họ nể phục, và tin tưởng vào tiệm của bạn nhiều hơn. Vậy câu trả lời thông minh đó là gì? Cũng dễ phải không bạn.
    “Thưa bà/cô, tôi hoàn toàn đồng ý với bà/cô là làm bộ móng tay như bà/cô nghĩ thì đẹp nhưng nếu bà/cô làm bộ móng tay như thế này … này thì bà/cô sẽ có một bộ móng tay mà nhiều người khác sẽ ganh tỵ. Không biết bà/cô có muốn làm như thế hay không?” Nếu họ muốn thì họ càng nể phục bạn, vì bạn rất chuyên nghiệp. Nếu như họ không muốn thì bạn làm theo ý họ, tạo cho họ cảm giác: bạn tôn trọng họ. Khi được thoả mãn những gì họ muốn, tuy không đồng ý làm theo cách của bạn, nhưng ít nhiều gì, họ cũng nể phục bạn, vì bạn có kinh nghiệm của một chuyên gia
  3. Tìm ra những gì quan trọng nhất. Quan trọng nhất của khách hàng, cuối cùng cũng chỉ là cái muốn và cái cần của họ, nhưng ít khi họ nói ra, trừ khi bạn hỏi đến. Cho nên, thay vì cứ “đoán mò” và hay “đoán sai”, thì tại sao bạn lại không hỏi khách hàng của bạn một cách trực tiếp. Và đây là câu “thần chú” giúp cho bạn mở tung 2 cánh cửa muốn và cần của khách hàng.
    “Madam, what can I do for you to satisfy your want today?” or
    “Madam, what are your sugestions for our salon to do the best service for you?”
  4. Đáp ứng kịp thời . Bất cứ khi nào, một người khách nào đó gọi điện thoại đến cho bạn thì đừng nên để chuông reng quá lâu. Qua 3 tiếng reng là bạn phải trả lời. Tại sao?  Bởi vì, điều đó nói lên sự quan tâm của bạn đối với khách hàng của bạn. Sống ở trên đời, không ai mà không cần đến sự quan tâm của người khác. Khi bạn cho khách hàng của bạn thấy được sự quan tâm cuả bạn, thì bạn đã chiếm được tình cảm của họ rồi vậy. Tương tự, khi bạn trả lời email, đừng để trễ hơn 12 tiếng. Khách walk-in của bạn luôn cần sự đáp ứng kịp thời, dù bận cách mấy, bạn cũng đừng nên để cho họ đứng chờ hơn 1 phút
  5. Giải quyết khiếu nại một cách nhanh chóng . Chắc chắn, nếu bạn làm việc với một ai đó lâu dài, thì bạn cũng sẽ phải đối mặt với các vấn đề và trở ngại. Bạn phải biết cách giải quyết những vấn đề đó một cách nhanh chóng và dịu dàng. Khi một người khách phàn nàn về một điều gì đó trong công việc phục vụ của bạn, thì bạn đừng cho họ là sai, và tìm cách biện minh, lý giải cho việc làm của bạn.
    Cách hay nhất là bạn hãy đồng ý với họ trước. Bởi vì khi họ phàn nàn họ luôn luôn nghĩ là họ đúng. Nếu bạn không đồng ý là họ đúng, thì họ sẽ cãi lý đến cùng. Cho nên, muốn chấm dứt cơn “thịnh nộ” đang kéo tới của họ thì bạn phải đồng ý với họ trước. Rồi khi họ “tịt ngòi” thì bạn mới có thể “phân trần”.
    “Thưa bà/cô, Nếu tôi là bà/cô tôi cũng sẽ giận như vậy, mà có khi tôi còn giận hơn thế nữa cơ. Nếu bà/cô có thể cho tôi 5 phút, cả hai chúng ta sẽ bình tỉnh, ngồi xuống và xin bà/cô chỉ cho tôi biết, tôi phải làm như thế nào để bà/cô có thể hài lòng và tiếp tục sử dụng phục vụ của chúng tôi. Chúng tôi thành thật cám ơn bà/cô rất nhiều“. (Nếu bạn đã biết giá trị khách hàng là bao nhiêu thì đây là cơ hội cho bạn giữ lại người khách này lâu dài – Nếu họ là khách mới họ cũng có dịp thưởng thức phong cách phục vụ tiệm của bạn)
  6. Tìm hiểu lý do tại sao khách hàng không dùng phục vụ của tiệm bạn . Nếu bạn có khách hàng trong quá khứ đã không còn sử dụng dịch vụ với bạn, hãy tìm hiểu lý do tại sao. Nhiều khách hàng sẽ không tìm tiệm khác chỉ vì giá cả (trừ khách bình dân). Thông thường, họ chuyển đổi bởi vì họ không hài lòng với dịch vụ của bạn, hoặc không cảm thấy dịch vụ của bạn có giá trị tương xứng với số tiền của họ bỏ ra. Bạn hãy thử dùng câu này xem sao.
    “Thưa bà/cô, đã lâu lắm không thấy bà/cô trở lại tiệm của chúng tôi. Chúng tôi biết, có thể chúng tôi đã làm một sai lầm nào đó, khiến bà/cô không vui, và hiểu lầm về chúng tôi chăng? Tôi điện thoại đến cho bà/cô chỉ xin có hai điều:
    Điều thứ nhất: bà/cô có thể vui lòng chỉ ra cho chúng tôi biết, chúng tôi đã phạm phải sai lầm gì mà mất đi lòng tin cậy của bà/cô đối với chúng tôi.
    Điều thứ hai: Nếu chúng tôi sẽ sửa đổi theo cách bà/cô đã chỉ dậy, thì bà/cô có thể trở lại tiệm của chúng tôi không? Nếu như không, thì bà/cô có vui lòng giới thiệu bạn bè hay đồng nghiệp của bà/cô đến tiệm chúng tôi không? Chúng tôi vô cùng biết ơn bà/cô đã tận tình chỉ giáo và giúp đỡ . Nếu bà/ cô cho phép, chúng tôi xin gởi đến bà/cô một món quà để bầy tỏ lòng biết ơn của chúng tôi.

Bạn nên nhớ: Lòng trung thành của khách hàng thường thay đổi thời gian và dựa trên cách khách hàng có hài lòng với sản phẩm và dịch vụ của bạn hay không. Đừng quá ỷ y là khách trung thành của bạn sẽ trung thành mãi mãi với bạn, mà lơ là phong cách phục vụ. Hãy luôn quan sát, và chịu khó thay đổi phong cách phục vụ của bạn, sao cho thích ứng với những cái muốn và cần của khách hàng. Cách hay nhất, vẫn là cung cấp các giải pháp chất lượng cao,và dịch vụ phục vụ khách hàng tuyệt vời. Chắc chắn, bạn sẽ có được nhiều khách hàng trung thành hơn nữa.

Khi bạn đã có khách trung thành rồi, và bạn muốn  gia tăng thêm lợi tức, thì ngoài phần khách hàng trở lại thường xuyên đem đến cho bạn tài chính ổn định, bạn còn có thể ứng dụng 3 phương pháp sau đây:

  1. Add on Sell (Bán Thêm Dịch Vụ)
  2. Upsell (Bán Nâng cấp Dịch Vụ)
  3. Cross Sell (Bán Dịch Vụ hay Các Sản Phẩm Khác)

Công thức của 3 phương pháp đó như sau:

Add-On

When they want to use this….Khi họ muốn dùng phục vụ này thì… You can sell them add-on this…Bạn có thể bán thêm cho họ một dịch vụ khác.Thí dụ: người khách của bạn muốn là basic manicure bạn có thể bán thêm dịch vụ keratine để làm mền da tay chẳng hạn.Client: I want to have a basic manicure.You: Sure Madam, no problem. Do you want to have $5 keratine gloves to go with it. OrYou: Sure, No Problem, $5 Keratine Glove will make your hand soft and beautiful, do you want to add on it?

Upsells

When they want to use this…Khi họ muốn dùng phục vụ này thì …  You can also sell them this….Bạn có thể bán dịch vụ khác mắc tiền hơn. Thí dụ:Client: I want to have a basic manicure.You: Sure Madam, No Problem. Do you want to have beautiful nails & hands that make your friends jealous?Only $10 more, you will have our deluxe manicure with keratine glove to make your hands soft and smooth. We also use a special OPI top of the line polish coat to make your nails color stay on longer.

Can we start deluxe manicure on your beautiful hands NOW?

 

Cross Sells

When they want to use this…  Khi họ muốn dùng phục vụ này thì …  They may also want this…Họ cũng muốn dùng phục vụ khác
Thí dụ:Client: I want to have a basic manicure.You: Sure Madam, No Problem. Do you want to have soft and smooth hand that make your friend jealous?Yes, Only $5.00 you can have an amazing Keratine Gloves. It’s very simple to use and only takes 10 minutes, you will have a soft and smooth hands.Do you want me to wrap this wonderful product for you now or later? 

 

3- Cần Khách hàng trung thành giới thiệu khách hàng mới

Phần đông các chủ tiệm Nail Việt Nam thường ngại và ít khi sử dụng phương pháp “giới thiệu- Referral”. Thống kê đưa ra rằng, muốn có được một người khách mới, thì khó khăn có thể tăng lên từ 5 đến 7 lần so với khách cũ. Nguyên do cũng dễ hiểu, bởi vì, người khách mới hoàn toàn xa lạ với tiệm của bạn, cho nên họ chưa biết gì, nên cũng sẽ không biết thích gì từ tiệm của bạn, vì thế họ khó lòng có thể tin tưởng vào tiệm của bạn. Đó cũng là lý do, không ít các chủ tiệm Nail khi vắng khách thì quăng một mớ tiền ra quảng cáo để kéo thêm khách mới. Phần lớn thì tốn kém rất nhiều, mà khách mới cũng chẳng được là bao. Cuối cùng thì tiệm vẫn vắng khách. Đây là một câu chuyện điển hình:

  • Hỏi: luc này anh/chị làm ăn ra sao rồi?

-Đáp: Ế quá anh ạ, dù đã quảng cáo nhưng cũng không có bao nhiêu khách.

  • Hỏi: Vậy anh/chị tốn bao nhiêu tiền quảng cáo?
  • Đáp: $750/ 1tháng, mà chỉ có được khoảng 10 người khách thôi.
  • Hỏi:WOW… như vậy, mỗi người khách của anh/chị là $75. Vậy làm sao anh/chị lấy lại vốn?
  • Đáp: Thì vậy mới khổ, “mất cả chì lẫn chài”. Trong 10 người thì chỉ còn có một người còn ở lại. Không biết bao giờ “nó” đi nữa . Thiệt khổ ghê.

Ngoài ra, một số chủ tiệm Nail khác cũng dùng hình thức quảng cáo “20% discount” để kéo khách. Các bạn chủ tiệm đó nghĩ là: họ có thể kiếm được nhiều khách, và tiền họ bỏ ra quảng cáo có giá trị. Nhưng sự thật khi tính toán lại thì thật…

  • Hỏi: Anh/chị tốn hết bao nhiêu tiền quảng cáo 1 tháng?
  • Đáp: $900
  • Hỏi: Vậy anh/chị có được bao nhiêu khách hàng mới?
  • Đáp: Khoảng 30
  • Hỏi: Vậy, vị chi là mỗi người khách của anh/chị trị giá $30, và trong 30 người đó họ dùng 20% discount cho dịch vụ nào?
  • Đáp: Full set khoảng $25.
  • Hỏi: 20% disount của $25 là $5, vậy là một người khách của anh/chị trị giá lên $35, mà anh/chị chỉ thu về có $20. Tổng cộng 30 người khách thì anh/chị lỗ $300 cho lần đầu tiên. Vậy hiện giờ anh/chị còn bao nhiêu người khách?
  • Đáp: Khoảng 3 người.
  • Hỏi: Như vậy, mỗi người khách còn lại trị giá $100 ($300/3), và nếu họ làm liên tục thì mỗi người phải làm 4 lần/ nữa, thì anh/chị mới lấy lại vốn có đúng không?
  • Đáp: Đúng vậy.
  • Hỏi: Cứ mỗi 1 tháng anh/chị quảng cáo lỗ $300 nhân cho 12 tháng= $3600 mà chỉ kiếm thêm được có 3 người khách, và 3 người khách này, lại phải tiếp tục sử dụng dịch vụ của anh/chị liên tục trong 4 tháng thì anh/chị mới huề vốn. Thật cũng khó khăn quá.

Hai dẫn chứng sự thật trên đây cho thấy, tìm một khách mới thì vừa tốn kém, mà cũng không dễ dàng. Như phần trên chúng tôi đã phân tích: giảm giá chỉ thích hợp cho khách bình dân nhiều hơn. Và tính chất của khách bình dân vốn dĩ không trung thành. Cho nên, nếu bạn không cẩn thận trong những chương trình quảng cáo, và bạn cũng không biết dùng “ngôn ngữ” của quảng cáo thì bạn chỉ có từ “lỗ nhẹ” cho tới “lỗ nặng” mà thôi.

Muốn tiết kiệm những tiền quảng cáo không đúng cách, và tạo ra lợi nhuận, thì cách hay nhất là bạn dùng số tiền quảng cáo để kiếm khách mới đó, đem chia đều cho khách trung thành của bạn. Đôi khi nghĩ cũng bất công, một người khách trung thành của bạn là một viên gạch vững chắc bảo vệ “giang san” của bạn, thì bạn cứ coi họ như “cỏ rác”. Ngược lại, những “cục bùn, phấn vôi” trong xó xỉnh thì lại được hưởng ân huệ tôn sùng. Hãy tạo ra những “kinh ngạc” cho khách trung thành của bạn, rồi bạn khích thích họ giới thiệu những bạn bè, đồng nghiệp, thân nhân cho bạn. Có hai điều “cực lợi” mà bạn có được từ giới thiệu của họ:

  1. Những bạn bè của họ đã tin tưởng họ, nên họ cũng tin tưởng vào tiệm của bạn, và tiếp tục sử dụng dịch vụ của bạn, mà bạn không cần phải tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc để xây dựng lòng tin nơi người khách mới
  2. Cứ số lượng khách trung bình của bạn tăng 5% thì lợi tức của bạn có thể gia tăng từ 25% đến 100%. Đây là thông kê của trường đại học kinh tế nổi tiếng trên thế giới: Harvard.

Nếu bạn muốn tồn tại lâu dài và càng ngày càng gia tăng lợi nhuận, thì bạn hãy bắt đầu ngay bằng cách xây dựng khách trung thành cho tiệm của bạn, và luôn luôn nhờ họ giúp bạn. Bạn còn nhớ không: cứ 1 người thì họ có ảnh hưởng đến 250 người đấy. Nếu bạn giỏi và bạn có thể làm vui lòng khách hàng của bạn, thì biết đâu chỉ cần năm, mười người thôi, họ cũng có thể giúp cho tiệm của bạn đánh bại tất cả đối thủ trong vùng.

4- Cần một hệ thống hoàn chỉnh

Nếu bạn là người suy nghĩ cẩn trọng, thì bạn sẽ nhận ra rằng, muốn duy trì được 3 điều cần có nêu trên một cách hoàn hảo, thì nhất định bạn phải có một hệ thống hoàn chỉnh. Bởi vì, nếu thiếu một hệ thống hoàn chỉnh, thì bạn sẽ không biết: cái gì nên làm trước, cái gì nên làm sau? Cái nào có thể làm được, và cái nào không thể làm được? Cái nào bạn thiếu, và cái nào bạn dư?

Thiếu một hệ thống hoàn chỉnh thì giống như thiếu đường rầy cho xe lửa vậy. Xe lửa có thể chuyên chở rất nhiều “cơ hội quý giá”, cho bạn giầu sang, nhưng nếu không có đường rầy cho xe lửa lăn bánh, thì xe lửa kia, mãi mãi vẫn ở tại sân ga. Bạn có muốn cơ sở thương mại của bạn cứ “dậm chân tại chỗ” không?

Muốn thiết kế một hệ thống hoàn chỉnh cho tiệm Nail của bạn, thì ít nhất bạn phải cần có 7 điều sau đây:

  1. Hệ Thống Điều Hành
  2. Hệ Thống Quản Trị
  3. Hệ  Thống Nhân Viên
  4. Hệ thống Tài Chánh
  5. Hệ thống Tiếp Thị
  6. Hệ Thống Huấn Nghệ
  7. Hệ thống Nhân Sự

Mỗi hệ thống sẽ là những mắt xích, liên kết lại với nhau, thành một sơi dây thừng vững chắc, không những có thể giúp cho tiệm Nail của bạn vững vàng vượt qua sóng gió, mà còn giúp cho bạn có cơ hôi mở rộng thị trường. Lúc đó, bạn không cần phải làm gì hết, chỉ ngồi thu tiền là đủ.

Nói đến đây chắc không ít bạn cho rằng chúng tôi đang khoác lác. Làm sao mà tiệm Nail của bạn lại có thể như thế chứ? Thì đây, mời bạn hãy xem.

Massage Envy được khởi đầu dựng nghiệp vào năm 2002, tại thành phố Scottsdale, Arizona.  Người sáng lập ra Massage Envy là hai ông John Leonesio và ông Shawn Haycock. Lúc đó, ông Shawn vừa lấy được bằng massage, và ông John với tiền thu được từ việc bán các chuỗi câu lạc bộ thể thao, trung tâm thể dục 24 Hour Fitness, vào năm 1999 để đầu tư.

Khi ông John bán các câu lạc bộ, và đang tìm kiếm một liên doanh. Nhờ quen ông Shaw, ông nẩy ra ý tưởng cung cấp các dịch vụ “massage rẻ tiền = tiệm Nail của bạn”, trong một môi trường cao cấp, trên cơ sở thành viên, tương tự như một câu lạc bộ sức khỏe của ông lúc trước.

Chưa đầy một năm sau, 2003, ông John đã phát triển mô hình kinh doanh của mình sang một định dạng nhượng quyền thương mại (franchise), và bắt đầu bán nhượng quyền thương mại Massage Envy.

Cuối năm 2013, Massage Envy đã có tất cả 1,200 cơ sở và sẽ còn đang tiếp tục phát triển trong năm 2014. Chỉ trong vòng 11 năm, từ một cơ sở, nay Massage Envy đã có mặt trên 48 tiểu bang, với số doanh thu hàng năm lên đến gần 1 tỷ mỹ kim.

Vậy bạn muốn trở thành một người franchisee của Massage Envy thì sao?

  1. Bạn phải có vốn ít nhất $500,000 vốn
  2. Trả tiền lệ phí Franchise $45,000
  3. Và phải chia huê hồng cho công ty Massage Envy 6% mỗi năm

Nếu làm một con tính thì ông John và ông Shawn sẽ thu được:

  • $45,000 x 1,200 = $54,000,000 (54 triệu tiền lệ phí)
  • 6% x 1,000,000,000 = 60,000,000 (60 triệu mỗi năm)

Đọc qua tiểu sử của Massage Envy, Bạn sẽ nghĩ gì? Họ cũng có một nghành nghề giống như bạn. Khởi nghiệp cũng giống như bạn. Nhưng chỉ trong vòng 11 năm, họ không cần làm gì hết, cứ ngồi không thu vào $2.5 triệu một tháng. Khác biệt giữa Massage Envy và tiệm Nail của bạn là gì?

Đó chính là “họ có một hệ thống hoàn chỉnh còn bạn thì không.”




Làm Sao Để Kiếm Nhiều Tiền Từ Tiệm Nail Của Bạn? (P1)

Nếu như Bạn đã đọc qua bài “4 Bí quyết kiếm tiền“, chắc Bạn sẽ không lạ gì với các ý nghĩa của 4 điều kiện “ắt có và đủ” của người thành công, thì bài viết này, chúng tôi sẽ chia xẻ với bạn về cách ứng dụng như thế nào cho có hiệu quả. Dĩ nhiên sự thành công của bạn lớn hay nhỏ còn tuỳ thuộc vào sự thực hành của bạn có nghiêm túc hay không?

Vậy 4 điều kiện “ắt có và đủ” là gì?

  1. Biết tư duy đúng đắn
  2. Biết mục đích rõ ràng
  3. Biết bạn muốn gì?
  4. Biết bạn cần gì?

1. Ứng Dụng “Biết Tư Duy Đúng Đắn”

Biết tư duy đúng đắn, hay biết suy nghĩ đúng đắn, là biết suy nghĩ không thiên lệch và thành kiến, nhằm mục đích bênh vực hay che dấu đi những cái chưa hay, hoặc chưa tốt của bạn.  Mục đích của biết tư duy đúng đắn là “phơi bầy sự thực” về những sở trường và sở đoản của bạn một cách trung thực nhất. Chính nhờ sự trung thực này, mà bạn mới có thể biết được bạn có bao nhiêu sở trường cần phải “khoe”, và có bao nhiêu sở đoản cần phải “che”.

Ngoài cái giá trị “khoe” và “che” ra, “Biết tư duy đúng đắn” còn giúp cho bạn sửa sai, bổ khuyết, để biến những “sở đoản” của bạn thành những “sở trường” của bạn, và cũng giúp bạn biết làm sao sử dụng những “sở trường” của người khác để che các “sở đoản” của mình. Thí dụ: 

Sở Trường

Sở Đoản

  1. Đắp Bột giỏi
  2. Đắp Gel giỏi
  3. Dũa đẹp và nhanh
  4. Vẽ móng tốt
  5. Giao tiếp với khách hàng tốt
  6. Nói tiếng Anh giỏi
  1. Dễ nổi cáu khi không vừa ý
  2. Hay cãi lý
  3. Hay ganh tị
  4. Hay buôn chuyện, nói xấu người khác
  5. Thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý
  6.   Thiếu kinh nghiệm bán hàng

Chính nhờ sự phân biệt được rõ ràng sở trường và sở đoản của bạn, mà bạn có thể tìm ra được rất nhiều mục đích từ những sự phân biệt đó như: Bạn có thể: làm giảng viên để huấn nghệ cho những người thợ có tay nghề yếu cần tăng thêm lợi tức; làm quản lý cho một tiệm Nail; giáo dục khách hàng biết làm sao phân biệt bộ móng đẹp để giữ khách hàng, thêm tiền tip; mở một tiệm Nail v.v; hoặc bạn có thể kết hợp cả hai ba mục đích vào làm một.

Thí dụ: Bạn vẫn đi làm Nail, nhưng ngày nghỉ thì đi hướng dẫn, giảng dạy, huấn nghệ cho những người có tay nghề yếu, giả dụ như với giá $500 cho 1 tháng (4 ngày). Nếu bạn có 10 học viên, thì bạn có thêm $5,000/1tháng. Trừ tìền mướn chỗ và quảng cáo $1,000, bạn đã kiếm thêm được $4,000/1 tháng – $48,000/1 năm. So với tiền bạn đi làm công: 6 ngày/1 tuần, 24 ngày/1 tháng, thì số tiền bạn kiếm được qua huấn nghệ cho người khác, cũng tương đương, hoặc nhiều hơn so với số tiền bạn đi làm trong một tháng.  Khác biệt ở đây, là bạn chỉ làm có 4 ngày, thay vì 24 ngày trong 1 tháng như khi bạn làm Nail.

Như vậy, bạn có thể chọn: đi giảng dạy hay đi làm Nail; hoặc bạn có thể vừa đi làm Nail, vừa giảng dạy; tùy theo mục đích của bạn là gì? Hoặc giả, bạn đang làm chủ tiệm Nail thì bạn cũng có thể mở lớp huấn nghệ để kiếm thêm gần $4,800/1tháng – $60,000/1 năm (chỉ tốn tiền quảng cáo mà không tốn tiền mướn chỗ).  Nếu như tay nghề bạn không giỏi, thì bạn cũng có thể kết hợp với thợ giỏi trong tiệm của bạn hay thuê/mướn những người thợ có tay nghề giỏi, mở lớp huấn nghệ nâng cao tay nghề cho người khác. Bạn vừa có thể kiếm thêm tiền (dĩ nhiên, bạn sẽ kiếm ít tiền hơn khi bạn tự mở lớp dạy, nhưng bạn lại “Biết” dùng sở trường của người khác để bổ sung cho sở đoản của bạn, mà bạn lại có thêm cơ hội để gia tăng lợi nhuận), đồng thời bạn còn có thể giữ được thợ giỏi (họ có thêm lợi tức từ việc giảng dạy), hay kéo người thợ giỏi về làm việc cho tiệm của bạn.

Dĩ nhiên, mục đích của mỗi bạn khác nhau, và sự quyết tâm của mỗi người khác nhau, thì kết quả cũng khác nhau. Ở đây, chúng tôi chỉ dùng một vài thí dụ đơn giản, để giúp cho bạn hiểu rõ hơn về cách ứng dụng khi bạn biết rõ được sở trường và sở đoản của bạn là gì?  Và làm sao để “khoe” và “che” cho tốt nhất.  Chỉ với một vài phát hiện “nhỏ nhoi” về sở trường và sở đoạn của bạn như thí dụ nêu trên, mà bạn đã có thể mở ra cho bạn ít nhất 4 cơ hội/mục đích mà bạn có thể làm được trong khả năng của bạn. Thay vì, bạn chỉ biết ngồi đó “tự hào” về tay nghề giỏi của bạn, rồi không làm gì hết; thì nay, nhờ “Biết tư duy đúng đắn”, bạn đã phát huy hết sở trường của bạn, và biết cách làm sao để “che” những sở đoản của bạn cho “khéo”, mà vẫn tăng thêm lợi nhuận hay gia tăng thêm mức độ thành công của bạn.

Đâu phải “Biết tư duy đúng đắn” chỉ quan trọng trong việc ứng dụng trong nghề Nail của bạn không đâu, mà nếu như bạn khôn khéo, lại còn biết dùng “Biết tư duy đúng đắn” trong tất cả mọi sự việc trong cuộc đời của bạn như: kết bạn, hôn nhân, giáo dục con cái, đầu tư v.v, thì sự thành công hay hạnh phúc của bạn đâu phải là chuyện khó làm, hay không tưởng; mà thật ra, nó nằm ngay trong tầm tay của bạn, há cần chi phải lệ thuộc vào sự mong cầu hay may mắn phải không bạn?

2. Ứng Dụng Biết Mục Đích Rõ Ràng

Khi bạn đã có thể trung thực “phán xét” chính bạn để tìm ra sở trường, sở đoản của bạn rồi, thì bước kế tiếp là xác định mục đích rõ ràng. Muốn xác định mục đích rõ ràng thì bạn đừng quên phải hỏi thêm 3 chữ “ĐỂ LÀM GÌ?

Thí dụ: mục đích của bạn là làm người huấn nghệ. Nếu bạn dừng lại ở đây, và không hỏi tiếp “để làm gì” thì kết quả, lắm khi lại khiến bạn “dở khóc, dở cười”.  Giả dụ như bạn đi dạy mà chả được đồng nào (miễn phí) vì chỉ có danh, mà không biết dùng tài để kiếm lợi.  Nhờ hỏi tiếp 3 chữ “ĐỂ LÀM GÌ?   Sau mục đích của bạn, mà bạn sẽ biết được kết quả sẽ ra sao? và cần phải có những điều kiện gì để đạt được mục đích đó.  Bạn nên nhớ:  Mỗi mục đích khác nhau thì bạn cần có những điều kiện khác nhau.  Cho nên, bạn phải rất cẩn thận khi xác định mục đích của bạn.  Hãy lấy một thí dụ sau đây cho dễ hiểu:

Hỏi: Mục đích của bạn mở tiệm Nail để làm gì?

Đáp: Để kiếm nhiều tiền (Nhiều là nhiều bao nhiêu? $10,000? $20,000? $50,000? trong một tháng? hay trong 1 năm? Bạn có thấy không, với cách trả lời này, không những “nó” đã không giúp cho bạn hiểu rõ mục đích của bạn là gì, mà “nó” còn khiến cho bạn thêm lúng túng, thiếu tự tin, tăng thêm thất vọng và đó chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại vậy – Hãy cẩn thận với lối trả lời chung chung này bạn nhé).

Đáp: Để kiếm $100,000/một năm (khá hơn câu trả lời trước, những vẫn chưa chính xác, vì $100,000 đó là lợi tức hay lợi nhuận? Nếu là lợi tức trong 1 năm, thì sau khi trừ đi tất cả chi phí khoảng 70% (lợi tức= 70% chi phí – nhân công + $30% lợi nhuận) thì bạn chỉ còn đem về có $30,000 cho một năm. Như vậy, nếu đem so sánh thời gian và tiền bạc của bạn để đầu tư vào tiệm Nail, thì bạn tốn kém nhiều hơn, nhưng lương bổng làm ra thì lại ít hơn so với lương đi làm thợ. Vậy bạn có nên mở tiệm Nail không?

Đáp: Để kiếm $100,000 lợi nhuận/một năm (Rõ ràng nhất. Nhờ sự rõ ràng này, bạn mới biết được lợi tức 1 năm của bạn cần phải làm bao nhiêu? [$100,000/3= $33,000 x7= $221,000 + $100,000 = $321,000/ 1năm]. Nương trên con số tương đối này, bạn mới có thể tính toán xem: Bạn cần có bao nhiêu khách hàng?  Bạn cần có bao nhiêu thợ?  Mỗi phục vụ của bạn phải giá bao nhiêu?  Bạn cần làm bao nhiêu ngày? v.v. để có thể đạt được mục đích này). Sau khi đã xác định được mục đích của bạn rõ ràng rồi, thì bạn mới bắt đầu “phân tích sơ bộ” xem mục đích nào của bạn có thể thực hiện được nhanh nhất, và mục đích nào là chậm nhất. Mục đích nào của bạn có thể kết hợp với mục đích khác cùng làm một lúc, hay bạn phải chờ đợi thêm một thời gian, và thời gian nào là thích hợp nhất v.v.

Sau đó, bạn sắp xếp những mục đích của bạn theo thứ tự ưu tiên: Cái nào quan trọng/có thể thực hiện nhanh nhất lên trước và những mục đính nào ít quan trọng/khó thực hiện xuống dưới.  Sự sắp xếp “cuối cùng” này sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn, làm tăng thêm sự tự tin, và sự quyết tâm hoàn thành.  Ngoài ra, nó cũng còn giúp cho bạn biết “chụp” đúng cơ hội khi thời cơ “chín mùi”.

Thí dụ: Bạn là chủ tiệm Nail, ngoài mục đích mở tiệm kiếm tiền, bạn còn có một mục đích khác nữa là mở lớp huấn nghệ để kiếm thêm tiền phụ trội. Tiếc thay, tay nghề của bạn lại không giỏi, và bạn lại không có thời gian để trau dồi, nên bạn chưa thể thực hiện được. Đột nhiên, tiệm của bạn đông khách, và bạn cần thêm thợ. Thay vì, bạn mướn thợ có tay nghề trung bình, thì bạn lại chọn mướn thợ có tay nghề giỏi. Lý do là, người thợ đó không những có thể giúp bạn “che” đi sở đoản của bạn, mà còn có thể giúp bạn đạt được mục đích mở lớp huấn nghệ của bạn một cách dễ dàng.  Nhờ biết sắp xếp và biết rõ ràng các mục đích của bạn, mà bạn đã biết “chộp” đúng thời cơ để đạt được mục đích mà bạn đã xác định ra. Nếu như không có sự xác định sắp xếp này, thì bạn đã mất đi một lúc ba cơ hội: gia tăng lợi nhuận, tăng thêm khách hàng và giữ được thợ giỏi.

3. Ứng Dụng Biết Bạn Muốn Gì?

Mặc dù “Biết bạn muốn gì” được xếp ở hạng thứ ba, nhưng thông thường “nó” lại được chúng ta sử dụng nhiều nhất trong đời sống hằng ngày. Vì sao?  Vì yếu tố thứ ba này biểu hiện động lực thúc đẩy sự quyết tâm hoàn thành mục đích của bạn.  Đứng trên góc độ tâm lý, có 4 loại động lực biểu hiện sự quyết tâm của bạn, được sắp xếp theo thứ tự từ nhẹ đến nặng như sau: thích, cần, muốn và đam mê. “Nặng đô” nhất chính là đam mê.  

Một người, khi đã đam mê về một vấn đề nào đó, thì họ thường sẽ “sống chết” với vấn đề đó.  Các bậc vĩ nhân trên thế giới đã để lại những tác phẩm, những phát minh vĩ đại cho con người hôm nay, đều bắt đầu sự nghiệp bằng sự đam mê.  Và niềm đam mê đó, càng lúc càng gia tăng mãnh liệt.  Thế nên, động lực quyết tâm của bạn càng cao, thì sự thành công của bạn càng lớn là vậy.

Ở đây, chúng ta không xét đến góc độ “đam mê” của các bậc vĩ nhân, mà chỉ đứng trên góc độ  của những người bình thường, thì Muốn là “động lực cao nhất” mà chúng ta hay xử dụng.  Tại sao chúng ta lại xử dụng muốn?  Bởi vì, nhờ có động lực “Muốn” thúc đẩy, mà chúng ta mới có đủ năng lực, nghị lực, sự kiên trì, sự tin tưởng để hoàn thành mục đích, hay đạt được kết quả mà chúng ta đã đặt ra.

Thí dụ: Bạn muốn kiếm $100,000 lợi nhuận một năm. Vì có “muốn” nên bạn năng nổ, chịu thương, chịu khó làm việc, bỏ thời gian, tiền bạc học hỏi, nghiên cứu v.v để đạt được mục đích bạn đã đề ra.  Nếu như không có động lực từ muốn, thì bạn sẽ  sinh ra lười biếng, nghi ngại, lo âu, sợ hãi, chán nản, thất vọng, ngần ngại, v.v. và cuối cùng dẫn đến sự thiếu tự tin, không kiên nhẫn, nên thường khiến bạn hay bỏ cuộc nửa chừng.  

Cứ một lần bạn bỏ cuộc, là một lần bạn làm giảm sút sự tự tin của bạn xuống một nấc, và gia tăng thêm sự nghi ngờ, lo sợ thêm một bậc.  Dần dần, bạn sẽ trở nên người thiếu tự tin, không quyết đoán.  Và khi cần làm một việc gì, thì bạn sẽ chần chừ, nghi ngờ, lo sợ.  Rồi cuối cùng, bạn lại bỏ cuộc giữa chừng.  Chính những “cảm giác ăn theo” này, đã biến thành những “rào cản” khiến cho bạn trù trừ, do dự, ngần ngại, không quyết đoán, và từ đó bạn buông bỏ, không thực hiện được mục đích của bạn đã lập ra.  Nguy hiểm hơn nữa là những “cảm giác ăn theo” này, còn ngăn chặn bạn, không cho bạn thực hiện những mục đích kế tiếp của bạn.

Vậy làm sao để bạn có thể đạt được cái muốn của bạn đây? Cách đơn giản và hữu hiệu nhất là phân chia cái muốn thành nhiều phần.

Thí dụ: Bạn muốn kiếm $100,000 lợi nhuận cho 1 năm, nhưng bạn chỉ kiếm được $70,000. Thông thường vì không đạt được mục đích thì bạn sẽ nẩy sinh ra “cảm giác thất bại”.  Với phương pháp ‘chia nhỏ”, bạn có thể chuyển đổi “cảm giác thất bại” của bạn thành “cảm giác thành công” như thí dụ sau:

  1. Bạn muốn dùng $50,000 cho chi phí gia đình
  2. Bạn muốn để dành $20,000 cho con bạn đi học đại học
  3. Bạn muốn để dành $20,000 để sửa sang tiệm
  4. Bạn muốn dùng $10,000 để đi du lịch hay giúp đỡ người thân, v.v.

Thay vì, như lúc đầu, bạn chỉ đưa ra 1 cái muốn là kiếm ra $100,000, thì cái muốn đó sẽ dễ dẫn bạn đến “cảm giác thất bại”; thì nay, bạn lại chia làm 4 cái muốn khác nhau. Tùy theo cái muốn nào mạnh nhất thì bạn để lên trên và cái nào yếu nhất thì bạn để xuống dưới.  Nhờ sự sắp xếp này, mà bạn có thể chuyển đổi từ cảm giác “thất bại” như ban đầu, thành cảm giác” thành công.” Nương theo thí dụ nêu trên, nếu như bạn chỉ kiếm được $70,000 (thay vì $100,000) thì rõ ràng, bạn đã thành công được 2 cái muốn quan trọng nhất rồi (70%), chỉ còn lại 2 phần kém quan trọng hơn (30%) mà thôi.  Chính nhờ vào sự thành công của 2 cái muốn đó, mà bạn đã không cho “ngã thức” của bạn nẩy sinh ra những “cảm giác ăn theo”.  Từ đó, bạn sẽ tự tin hơn, kiên trì hơn, để có thể thay đổi những cái cần thiết thích đáng, hầu có thể đạt được mục đích của bạn một cách hoàn toàn.

Điều quan trọng nhất trong phương pháp “chia nhỏ” này là nhờ đạt được sự thành công mà bạn không nẩy sinh ra “cảm giác thất bại”, đồng thời kéo theo những “cảm giác ăn theo” như: nghi ngờ, chán nản, thất vọng v.v. làm ngăn trở những mục đích theo sau của bạn.  Dĩ nhiên, ngoài cách này, bạn cũng có thể thay đổi mục đích của bạn để đạt được “cảm giác 100% thành công, nhưng thay vì kiếm $100,000 thì chỉ kiếm $70,000 chẳng hạn.  Biết bạn muốn gì và làm sao xử dụng cái “muốn” đó đúng cách, để không tạo ra những “cảm giác rào cản” là cả một nghệ thuật, đòi hỏi bạn phải kiên trì thực tập, thành một thói quen.  Có được như vậy, thì bạn mới có thể đạt được mục đích của bạn đến mức hoàn hão và dễ dàng.




Làm Sao Quản Lý Thợ Nails & Tìm Thợ Nails

Gần đây, chúng tôi nhận được khá nhiều những điện thư từ các bạn chủ tiệm Nail đều liên quan đến hai vấn đề: làm sao quản lý thợ và làm sao tìm thợ?

Vì quá bận rộn với những công việc cố vấn, và không có nhiều thời gian để trả lời riêng cho từng bạn. Cho nên, chúng tôi mượn hai chủ đề này để trả lời chung cho các bạn trong bài viết này. Hy vọng, qua bài viết này, không những chỉ trả lời cho các bạn đã thắc mắc, mà biết đâu, còn có thể giúp cho các bạn khác, đang thắc mắc mà chưa kịp hỏi, cũng có thể hiểu rõ được vấn đề.

Làm Sao Quản Lý Thợ Nail?

Có thể nói, trong thương trường, là một người chủ, dù  người chủ đó kinh doanh trong bất cứ một nghành nghề nào, nếu muốn tồn tại và phát triển cơ sở kinh doanh, thì người chủ đó, cần phải có ít nhất 2 điều vô cùng quan trọng sau đây. Đó là:

  1. Có Khách và
  2. Có Thợ

“Có khách” để có đủ “sở hụi” cho cơ sở/tiệm được tồn tại, và “có thợ” để phát triển doanh nghiệp một cách lớn mạnh hơn.

Phần đông, các chủ tiệm Nail thường chỉ chú trọng đến yếu tố thứ nhất là “có khách,” mà quên đi yếu tố thứ hai là “có thợ.”

Nếu bất đắc dĩ, phải đặt lên bàn cân xem “có khách” quan trọng hơn, hay có thợ” quan trọng hơn, thì chắc chắn, bàn cân sẽ nghiêng về phía “có thợ.”

Tại sao?

Thứ nhất: Vì không có thợ, thì khách có đông bao nhiêu, cũng vô dụng. Vì sao?  Vì không có người phục vụ, thì khách cũng bỏ đi.

Thứ hai: Dù có đông khách bao nhiêu, mà nếu thợ “quậy” làm mất lòng khách, thì khách cũng sẽ bỏ đi.

Như vậy, cả 2 người hợp nêu trên đều dẫn đến tình trạng cơ sở/tiệm sẽ rơi vào tình trạng thiếu khách, rồi rơi vào cảnh thiếu hụt tài chánh xoay sở, rồi dẫn đến lụn bại, và cuối cùng là đóng cửa.

Ngược lại, tuy tiệm có ít khách, nhưng có đủ thợ, và thợ biết cách chiều lòng khách, thì khách sẽ giới thiệu thêm người quen, bè bạn của họ cho cửa tiệm, khiến cho cơ sở/tiệm ngày càng gia tăng lợi nhuận, phát triển lớn mạnh trong tương lai.

Nếu phải ví “có khách” và “có thợ” như 2 con gà “đẻ trứng vàng,” thì con gà “thợ” là vàng 24, còn “khách” chỉ là vàng 14 mà thôi. Giá trị của “có thợ” so với giá trị của “có khách” thì “cao” hơn một bậc, hay nói một cách đơn giản hơn, là quan trọng hơn “một cấp.”

Tiếc thay, các chủ tiệm Nail vì không hiểu, hay vì không thể thẩm định được đúng mức giá trị trên bàn cân, nên thường, chỉ biết chú trọng đến phần “có khách,” mà quên mất phần “có thợ.”

Có thể nói, 95% các chủ tiệm Nail Việt đều xuất thân từ thợ mà ra. Cho nên, đứng về góc độ hiểu được tâm lý của một người thợ như thế nào, thì người chủ tiệm Nail Việt là rành nhất.

Nhưng khổ thay, khi đi làm thợ cho người khác, thì chúng ta có khi phải ‘ăn cơm chan trong nước mắt,” nhưng khi làm chủ, thì chúng ta cũng khiến cho thợ cũng phải “nước mắt chan cơm”.  Nói một cách khác, chúng ta, một khi trở thành chủ, lại vô tình hay cố tình quên đi giai đoạn khó khăn khi đi làm thợ của mình để hôm nay không đối sử tốt với thợ của mình.

Và đây là 4 lỗi lầm lớn, mà các chủ tiệm Nail thường mắc phải trong quá trình quản lý nhân sự (thợ).

1-Hách Dịch

Cho dù Bạn có quyền cao đến mấy, học vấn cao đến đâu, giỏi đến thế nào, thì một người chủ/quản lý hách dịch chỉ khiến cho thợ “sợ” trước mặt, chứ không thể khiến cho họ “tâm phục” sau lưng. Quan hệ giữa chủ/quản lý và thợ cũng như “thuyền” với “biển”. Khi được “nước” thì thuyền “cưỡi” biển. Nhưng khi có “thế” là “biển” nhận chìm “thuyền”. Khổ thay, các chủ tiệm Nail thường chỉ biết vênh mặt, coi thường thợ; chỉ biết ra oai, không biết quý trọng thợ; chỉ yêu cầu thợ tôn trọng mình, mà không bao giờ tôn trọng lại thợ; chỉ biết phê bình, chửi mắng thợ, nhưng không cho phép thợ bình luận, phê phán về mình… đó chính là nguyên nhân đầu tiên, đưa cửa tiệm bước vào con đường suy sụp và thất bại.

 2-Nóng Giận Vô Cớ

Thống kê cho thấy, cứ một lần nóng giận vô cớ của người chủ là có thể ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý làm việc của thợ. Thế mà, phần lớn các chủ tiệm Nail Việt lại không ý thức được việc này. Họ hay nổi cáu với thợ của họ, và đôi khi, còn coi thợ của họ là chỗ để họ trút những cơn thịnh nộ/giận. Khi thợ bị xúc phạm, người chủ sẽ rất khó để mà sửa sai, và làm cho quan hệ chủ-thợ hòa thuận được như cũ. Hay nói một cách khác hơn là, khi đã khứa vào da một lằn sâu rồi, thì cho dù có lành lặn sau đó, trên làn da vẫn còn vết sẹo. Và đây cũng chính là nguyên nhân thứ hai đưa tiệm đến vắng khách và vắng thợ.

3-Không Giữ Thể Diện Cho Thợ

Điều tối kỵ của nhà quản lý/chủ tiệm Nail Việt thường vấp phải là: trách mắng thợ ngay trước mặt khách hàng, hoặc trước mặt người thứ ba. Các nhà tâm lý đều cho rằng, là một người chủ, cần phải tôn trọng thể diện của thợ trước mặt người khác, vì đây chính là điều kiện không thể thiếu, trong việc thiết lập mối quan hệ gần gũi hòa đồng giữa chủ và thợ. Tiếc thay, hình như đây lại là việc hết sức bình thường, xẩy ra liên tục trong các tiệm Nail Việt. Mắng thợ trước mặt khách, hay người thứ ba, là chuyện bình thường.

4-Chia Tua/Phiên

Chia tua/phiên khách cho thợ đã trở thành “vấn nạn” trong quá trình quản lý nhân sự của các tiệm Nail Việt.Sự phân chia không đồng đều của người quản lý/chủ, sẽ khơi dậy sự thù hằn, oán ghét, đố kỵ giữa các người thợ với nhau, cũng như giữa thợ với chủ.  Cũng từ sự chia tua/phiên này, tạo ra sự phục vụ cẩu thả để giành khách “sộp”, hoặc chủ muốn dồn khách cho thợ bao trước khiến cho tiêu chuẩn phục vụ trở nên tồi tệ, dẫn đến mất khách hàng, và cửa tiệm suy sụp.

Và đây là 6 sai lầm không kém nghiêm trọng khác:

Sai lầm thứ 1: Không trao quyền

Chìa khóa dẫn đến thành công là phải học cách trao quyền hiệu quả, bao gồm cả trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, và thẩm quyền cần thiết để thực hiện công việc suôn sẻ.

Tiếc thay, các chủ tiệm Nail Việt thì chả thích tin ai, ngoài mình.

Sai lầm thứ 2: Không thiết lập các mục tiêu

Không chỉ giao những mục tiêu, chỉ tiêu, trực tiếp cho thợ, mà người quản lý/chủ phải bảo đảm, thợ của mình phải đang làm việc hướng đến mục tiêu chung của tiệm. Thiết lập mục tiêu cho thợ, là một công việc then chốt, của bất cứ một nhà quản lý/chủ tiệm nào muốn thành công.

Tiếc thay, không có bao nhiêu chủ tiệm Nail biết được mục tiêu/mục đích của tiệm mình là gì?

Sai lầm thứ 3: Tìm giải pháp vội vàng

Bất kể vấn đề có khó khăn đến đâu, bao giờ cũng có có một giải pháp để giải quyết. Vấn đề nằm ở chỗ, các chủ tiệm Nail thường nóng lòng đi tìm những giải pháp nhanh gọn, để đốt cháy giai đoạn, mà bỏ qua những biện pháp lâu dài, có thể tốn thời gian hơn, để giải quyết đúng đắn hơn. Vì vậy, sau những giải quyết nóng vội, là những hậu quả tai hại khôn lường.

Sai lầm thứ 4: Không khuyến khích học hỏi

Tất cả các thợ, dù tài năng hay cẩn thận đến mức nào, cũng có khi mắc phải sai lầm. Sự khác biệt giữa thợ tốt và thợ dở, chính là ở khả năng học hỏi từ lỗi lầm của họ.

Tiếc thay, các chủ tiệm Nail lại không biết tạo ra những môi trường, hoàn cảnh để giúp cho thợ không ngại chấp nhận rủi ro, ngay cả khi, đó là những thất bại liên tục.

Sai lầm thứ 5: Không dành thời gian cho thợ

Khi một người thợ cần nói chuyện với người quản lý/chủ, với bất kể lý do nào, thì người quản lý /chủ phải đặt hết các công việc sang một bên, và tập trung quan tâm đến người thợ đó.

Nếu như người quản lý/chủ bận, không thể giải quyết ngay, thì phải thu xếp một cuộc hẹn khác để nói chuyện với người thợ đó, càng sớm càng tốt.

Tiếc thay điều này lại hiếm xẩy ra trong các tiệm Nail.

Sai Lầm Thứ 6: Không Công Nhận Và Khen Thưởng

Có rất nhiều cách để giúp cho người quản lý/chủ có thể đánh giá và hiểu rõ được thợ của mình. Đôi khi, chỉ với một chi phí rất nhỏ, hay thậm chí, chẳng mất đồng nào, lại rất dễ thực hiện và chỉ cần vài phút để hoàn thành. Đó là: nhà quản lý/chủ phải biết dành chút thời gian, để công nhận thành tích của thợ, đã đóng góp cho tiệm của mình.Bởi vì, là con người, ai cũng thích được người khác biết đến công lao, và đóng góp của mình. Biết khen thưởng đúng cách, đôi khi, chỉ cần vài lời nói chân thành, sẽ khiến cho người thợ đó, có một tinh thần vui vẻ, và gia tăng hiệu suất làm việc, cũng như lòng trung thành với cửa tiệm.

Tiếc thay, những chủ tiệm/quản lý lại không bao giờ làm việc này.

Như vậy, muốn làm nhà quản lý/chủ giỏi, hay thành công, thì việc sửa sai 10 điều nêu trên là việc cần phải thực hiện, và phải kèm theo 12 điều cần làm tiếp sau đây:

1-ĐỪNG TIẾC MỘT LỜI KHEN

Những nhà quản lý/chủ thành công thường biết những việc gì mà thợ mình làm tốt nhất, và có sự ghi nhận kết quả một cách xứng đáng. Bạn không nên chỉ biết khuyến khích thợ của Bạn bằng tiền thưởng, mà còn phải biết khuyến khích họ bằng những lời khen ngợi khi họ hoàn thành xuất sắc công việc, hoặc có một ý tưởng mới, hay một phương án kinh doanh sáng tạo v.v. Một lời khen chân thành của Bạn, sẽ có tác dụng động viên, khuyến khích những người thợ làm việc chủ động, sáng tạo, say mê với công việc hơn. Việc lựa chọn thời điểm, từ ngữ thích hợp sẽ giúp cho việc truyền tải “những lời có cánh” tới thợ của Bạn một cách nghệ thuật. Nên nhớ: sự tế nhị sẽ mang lại kết quả như Bạn mong muốn.

 2-KHIẾN TRÁCH ĐÚNG CÁCH

Khen chê là cả một nghệ thuật. Nhiều người quản lý/chủ thường nghĩ rằng, nếu mình nhắm mắt làm ngơ những lỗi lầm của thợ, thì sẽ nhận được sự kính trọng của họ. Đây là sự suy nghĩ sai lầm. Sự suy nghĩ sai lầm này, không những sẽ kéo tiệm của Bạn đi xuống, mà còn khiến cho các người thợ khác noi theo, tiếp tục làm lỗi. Vì vậy, đừng ngần ngại khi phê bình những người thợ không làm tốt công việc được giao. Cùng với đó, Bạn cũng nên tìm hiểu nguyên nhân tại sao họ lại làm không tốt nhiệm vụ, tránh đưa ra những nhận xét cá nhân, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chủ và thợ.

3-LÀM CHỦ CẢM XÚC

Đây là một kỹ năng, đòi hỏi Bạn cần phải thường xuyên rèn luyện. Bởi cảm xúc là thứ khó điều khiến và kiểm soát nhất. Một phút nóng giận, hay một quyết định cảm tính của Bạn, có thể khiến một kế hoạch thất bại, tiệm gặp khó khăn. Vì vậy, kể cả trong lúc bực tức, Bạn cũng nên giữ bình tĩnh, tìm ra cách giải quyết, chứ không nên la lối, trút giận vào người khác. Trút giận lên người khác, chỉ khiến thợ của Bạn bị thêm ức chế, và mất hứng thú làm việc mà thôi. Một người quản lý/chủ giỏi phải là người biết kiểm soát tốt cảm xúc của mình.

 4-XÂY DỰNG NIỀM TIN VÀ SỰ TÔN TRỌNG LẪN NHAU

Mỗi người thợ của Bạn đều khác nhau từ nhân cách, cá tính cho đến cách hành xử. Cho nên, khi Bạn là người quản lý/chủ, Bạn phải biết cách linh động, điều chỉnh cách thức quản lý sao cho thích hợp để giúp họ thành công. Hãy đối xử với thợ của Bạn bằng sự tôn trọng. Cung cấp những hướng dẫn và cách thức quản lý sao cho hợp lý, hợp tình. Bất cứ ai, nếu giao tiếp với tinh thần tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, đều thấy rằng, hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Xây dựng niềm tin với thợ của Bạn, sẽ giúp Bạn rút ngắn được khoảng cách giữa mọi người trong khi làm việc.

 5-ĐƯA RA NHIỀU LỰA CHỌN

Chắc chắn khi làm việc, không thể tránh khỏi những lúc bất đồng quan điểm giữa Bạn và thợ của Bạn. Vì vậy, để giải quyết được vấn đề này, Bạn không nên khăng khăng giữ nguyên ý kiến của mình, và bắt thợ của Bạn phải làm theo. Hãy đưa ra nhiều lựa chọn để cả nhóm có thể thảo luận, và cùng chọn ra phương án tốt nhất. Như vậy, không những Bạn có thể tháo gỡ được những sự khó khăn, bực dọc của thợ, mà còn tránh gây ra mâu thuẫn và xung đột gia tăng.

 6-THẤU HIỂU THỢ

Để làm được điều này, Bạn phải thật sự là một quản lý/chủ luôn theo sâu sát với thợ của mình. Bạn phải biết được năng lực, sở trường và cách khắc phục những yếu điểm của họ. Đồng thời, Bạn cũng cần tìm hiểu về những khó khăn, trở ngại trong công việc, và những kiến nghị của thợ. Từ đó, Bạn có thể đặt ra những điều chỉnh phù hợp, cả về cơ cấu tổ chức, cũng như vai trò nhiệm vụ, cụ thể của từng người. Nếu làm được việc này, chắc chắn Bạn sẽ được thợ tin tưởng và nể trọng, đồng thời, góp phần xây dựng sự đoàn kết trong tiệm, tạo động lực để mọi người cùng tiến lên.

7-TẠO KHÔNG KHÍ VUI VẺ

Một người quản lý/chủ chuyên nghiệp luôn có cách để tạo bầu không khí vui vẻ, thoải mái trong mọi tình huống. Trong những cuộc họp, hay tranh luận căng thẳng về một vấn đề nào đó, nếu có một lời động viên, một câu nói hài hước, dí dỏm từ Bạn, thì sẽ khiến mọi người thoải mái hơn, và biết đâu, công việc sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Bên cạnh công việc, Bạn nên hãy học cách gần gũi lại với mọi người, thông qua các hoạt động như vui chơi, giải trí,v.v. Tình cảm giữa các thợ trong tiệm là một trong những đóng góp quan trọng vào thành công của tiệm, và giúp giảm thiểu các xung đột khi làm việc.

8-ĐƯA RA LỜI KHUYÊN HỮU ÍCH

 Là người quản lý/chủ giỏi, Bạn cũng cần phải có kỹ năng lắng nghe những ưu tư, thắc mắc của thợ và chia xẻ với họ những lời khuyên hữu ích. Khi có vấn đề rắc rối, Bạn phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể, để từ đó đưa ra lời khuyên, và có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý. Như vậy, sự tương tác giữa Bạn với thợ sẽ tăng lên đáng kể, và họ sẽ cảm thấy gần gũi hơn với Bạn. Khi đó, Bạn không chỉ thu được những thông tin cần thiết, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của thợ, mà còn là hình thức động viên, khuyến khích để họ làm việc tốt hơn.

 9-CÔNG BẰNG

Khi làm việc, Bạn hãy bỏ qua hết sự thù hằn, ý kiến cá nhân, không chấp nhất những chuyện nhỏ, tỵ nạnh để giảm thiểu tối đa sự va chạm, mâu thuẫn… với thợ. Một người quản lý/chủ tốt, sẽ biết cách làm việc, và đưa ra những quyết định công bằng, để dẫn dắt mọi người cùng hăng say làm việc, và hướng đến những mục tiêu chung; chứ không phải chăm chăm xét nét, và phán đoán dựa trên cảm tính cá nhân. Sự công bằng của Bạn, còn khuyến khích mỗi thợ nỗ lực làm việc, để phát huy hết khả năng của mình, đem lại thành công trong công việc.

Việc giao tiếp hiệu quả với thợ của Bạn không phải từ “trên trời rơi xuống”, hay một sớm một chiều mà được. Mà đó là cả một quá trình dài, tích luỹ liên tục trau dồi và rèn luyện. Đây cũng là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho công việc và sự nghiệp lâu dài của Bạn. Vì vậy, nếu Bạn muốn trở thành một người quản lý/chủ được thợ yêu quý và tôn trọng, hãy luyện cho mình những kỹ năng trên nhé, thành công sớm sẽ mỉm cười với Bạn.

10-LẮNG NGHE

Có hàng ngàn lý do, khiến thợ của Bạn trở nên căng thẳng, không hài lòng với tiệm. Nếu không được giải toả sớm, việc các thợ của Bạn sẽ ra đi là điều không tránh khỏi. Có một nghịch lý là càng ở vị trí cao, Bạn càng khó nghe được ý kiến phản hồi từ thợ. Hãy dành chút thời gian để trực tiếp lắng nghe mọi nguyện vọng của thợ. Đây là cách dễ dàng nhất, thể hiện sự quan tâm và phá bỏ rào cản không đáng có giữa chủ và thợ.

11-TẠO MỤC TIÊU CHUNG, CÙNG THỢ HƯỚNG TỚI

Thợ sẽ vô cùng thích thú và vui vẻ, nếu biết việc mình làm đang đóng góp, hướng đến một sứ mệnh lớn lao. Việc truyền những thông tin cụ thể, mạnh mẽ như “tốt nhất”, ” lớn nhất”, “giỏi nhất” thường tạo động cơ làm việc nhanh và hiệu quả cho mỗi thợ.

Qua mục tiêu chung hướng đến, kích thích sự sáng tạo của thợ qua các ý tưởng, đề xuất, đóng góp. Điều quan trọng, hãy luôn để thợ biết ý tưởng đóng góp của họ luôn được lắng nghe và đánh giá cao.

12-CHIÊU ĐÃI THỢ

Việc thỉnh thoảng được Bạn chiêu đãi đi ăn, mua quà tặng, nhìn có vẻ đơn giản, nhưng dễ dàng mang lại hiệu quả cao. Đây là cách thức dễ nhất để thợ cảm nhận được sự quan tâm của Bạn dành cho họ. Vài ý tưởng như, thỉnh thoảng mời thợ ăn trưa, mời về nhà dự tiệc cuối tuần, cũng là cách thức khích lệ thợ, mở rộng giao lưu ngoài công việc, gắn bó với nhau hơn.

Quản trị nhân sự luôn là bài toán khó khăn nhất đối với người quản lý/chủ doanh nghiệp. Tiệm càng lớn bao nhiêu, càng khó quản lý thợ bấy nhiêu. Sự thật, dù Bạn có toàn quyền sa thải thợ, nhưng sự ổn định nội bộ là yếu tố tiên quyết để tiệm phát triển. Nhân tài cũng không dễ kiếm chút nào. Do đó, trước khi ra quyết định cuối cùng, có lẽ Bạn nên nỗ lực để giúp những thợ “khó nhằn” này thích ứng với tiệm.

Và Sau đây là 5 cách ứng phó với thợ “khó nhằn” của Bạn.

Khi phải đối diện với các vấn đề liên quan đến tính cách của thợ, các nhà quản lý/chủ thường có hai hướng giải quyết. Một là đối đầu, dẫn đến thái độ thù nghịch ngày càng gia tăng, hai là mặc kệ và để tình hình trở nên tồi tệ hơn. 

Thay vì cứng nhắc áp dụng các quy định, Bạn có thể sử dụng vài cách mềm dẻo hơn, để hướng thợ theo cách có lợi cho bản thân họ, cho đồng nghiệp lẫn cho tiệm.

  1. Thợ tự kiêu 

Thợ tự kiêu hay thổi phồng tầm quan trọng của mình, khao khát sự chú ý và khen ngợi. Họ tự kiêu và thiếu năng lực đồng cảm với người khác. Họ sẽ không quan tâm những gì người khác đang cảm thấy, và đó là một nhược điểm rất lớn tại nơi làm việc.

Ưu Điểm

Điều thú vị là họ sẽ làm tốt khi nắm giữ các vị trí quyền lực. Bởi vì, họ rất nghiêm túc với thành quả công việc, và đánh giá cao quyền lực. Sự thực là, hầu hết những người có tố chất quản lý/chủ đều có ít nhiều chút tự kiêu.

Nên Tránh:

Nếu Bạn chọn cách nói thẳng với họ rằng: hành vi của họ, sẽ làm cho người khác cảm thấy khó chịu, hoặc việc đó gây thiệt hại cho tiệm, (có thể có hiệu quả với một số thợ khác), nhưng với những người thợ tự kiêu này, thì không nên. Bởi vì, những thợ tự kiêu này, họ rất nhạy cảm với những lời chỉ trích, và có khả năng phản trả lại Bạn rất mạnh mẽ.

CÁCH GIẢI QUYẾT:

Nếu Bạn muốn giữ những người này, và muốn họ cống hiến cho công việc, Bạn phải đưa ra những lợi ích đi kèm với trách nhiệm. Đó là thứ duy nhất khiến họ chú ý, và đánh giá cao.

  1. Thợ Thụ Động

Họ hứa hẹn sẽ giúp Bạn hoàn thành công việc, nhưng sau đó lại không. Hoặc họ sẽ xuất hiện vào những giây phút cuối cùng. Người thợ thụ động hay tạo ra gây hấn, như một hình thức biểu hiện của sự tức giận gián tiếp. Nếu Bạn muốn thử tìm hiểu lý do khiến họ tức giận, và cố gắng giải quyết vấn đề, thì Bạn sẽ thất vọng. Vì đó là một dạng, rối loạn tính cách, nên Bạn phải tính toán cẩn thận.

Ưu Điểm

Không giống như thợ tự kiêu, thợ kiểu này có khả năng đồng cảm khá cao và họ cũng muốn thăng tiến trong môi trường làm việc. Cho nên, Bạn có thể sử dụng cả hai đặc điểm này, để thúc đẩy họ. Chủ yếu là Bạn phải đặt kỳ vọng rất rõ ràng cho họ.

Một điều cần chú ý là phản ứng của riêng Bạn với những người này. Họ sẽ khiến cho Bạn “tiến thoái lưỡng nan,” khiến Bạn cảm thấy vô dụng, vì không kiểm soát được tình hình, và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ có thể kiểm soát Bạn, mà Bạn không hề biết.

CÁCH GIẢI QUYẾT:

Cách duy nhất là nói rõ những gì Bạn cần từ họ, và khi nào là thời hạn hoàn thành. Ví dụ như: tuần này có khách A, B, C cần làm, và họ phải báo cáo hằng ngày.

Bạn cần kiểm soát chặt chẽ tiến độ công việc của những người này, nếu không họ sẽ khiến tất cả sẽ “phát điên”.

  1. Thợ Nhiều Chuyện 

Tiệm nào cũng sẽ có một số thợ thích nhiều chuyện. Nhưng nếu một trong những thợ của Bạn thường xuyên nói xấu về Bạn, nói xấu những người khác trong tiệm, và gây ra mâu thuẫn nội bộ, thì đó là hành vi phá hoại, và Bạn cần phải giải quyết chuyện này.

 Ưu Điểm

Về mặt tích cực, những người nhiều chuyện này thường có kỹ năng giao tiếp, và làm việc với người khác khá tốt. Họ thích trò chuyện. Vì vậy, Bạn có thể phân công cho họ một công việc, giúp họ phát huy khả năng này, như bán hàng chẳng hạn. 

 CÁCH GIẢI QUYẾT:

 Giải pháp tốt nhất là, gọi những thợ này vào nói chuyện trực tiếp, giải thích rằng việc nhiều chuyện không ích lợi gì cho môi trường làm việc. Thu hút sự chú ý của họ sẽ giúp ngăn chặn họ tiếp tục lan truyền những tin đồn ác ý. Nếu Bạn thẳng thắn trao đổi với họ, và giải thích lý do tại sao những tin đồn này gây hại cho tiệm của Bạn, thì họ sẽ có lý do chính đáng, để không muốn tham gia vào việc đồn thổi những chuyện khó tin.

  1. Thợ Hay Nổi Giận

Một số người, để đối phó với những căng thẳng tại nơi làm việc, họ hay dùng cách buộc tội đồng nghiệp về những hành động xấu của họ, hay lớn tiếng với những người khác, và không ngần ngại thể hiện sự bực bội và tức giận. Đây là một trong số những kiểu thợ” khó khăn nhất” mà Bạn sẽ phải đối phó.

Dù gì, thì Bạn cũng đừng để họ tiếp diễn tình trạng này. Đó là những hành vi không thể chấp nhận được. Họ phải hiểu rõ giới hạn của mình. Những cơn giận phá hủy tâm trạng tích cực, cũng như các mối quan hệ tại nơi làm việc. Tệ hơn, nó sẽ dẫn đến những hành vi bạo lực, thiếu kiểm soát (chúng tôi có đăng một số tin tức về sự bạo hành trong tiệm nail ở phần Tin Tức trong trang diendan.chunail.com để giúp bạn tham khảo.)

CÁCH GIẢI QUYẾT:

 Ở vai trò quản lý/chủ, Bạn phải luôn hiểu rõ tác hại của việc giận dữ, và thường xuyên học cách kiểm soát nó, hoặc phải có ai đó thuộc bộ phận nhân sự, thường xuyên nhắc nhở Bạn. Hãy tạo điều kiện để những thợ nóng tính này được tư vấn tâm lý và trò chuyện thẳng thắn về các vấn đề mà họ đang gặp phải. Một tiệm luôn trong tình trạng căng thẳng là một tiệm không thể phát triển nhanh và mạnh được.

  1. Thợ Thích Đổ Lỗi

Những người này luôn khiến cho người khác cảm thấy có lỗi, vì đã làm điều gì đó sai trái với họ. Bất kỳ điều gì không tốt xảy ra cho họ, họ đều quy trách nhiệm cho người khác.

Nên Tránh:

Thay vì ra lịnh, chỉ thị “anh/chị phải làm thế này, phải làm thế kia,” Bạn nên dùng những câu như “Tôi nghĩ anh/chị nên làm cách này tốt hơn”, “Anh/chị nghĩ nên làm thế nào?” để cho họ lựa chọn, và chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình. Những người này chỉ thích hợp làm những công việc độc lập mà thôi. Đưa họ vào nhóm hay làm việc chung, chỉ gây thêm bất đồng và chia rẽ.

 CÁCH GIẢI QUYẾT:

 Để đối phó với những thợ này, Bạn cần nói rõ cho họ biết những lời nhận xét và quan điểm của họ, là không đúng với tình hình thực tế, cũng như ảnh hưởng xấu đến đồng nghiệp trong tiệm. Những người này hoàn toàn yếu kỹ năng giao tiếp, cũng như không quan tâm đến cảm nhận của người khác. 

Đó là những nét căn bản trong phương pháp quản lý mà Bạn có thể ứng dụng. Dĩ nhiên, nếu như Bạn muốn học cho đúng cách, muốn tiết kiệm thời gian, và tiền bạc trong việc thực hành, tích luỹ kinh nghiệm nhanh chóng, thì Bạn cũng có thể tham gia thành hội viên VIP của diễn đàn chunail.com. Là hội viên VIP bạn sẽ được trực tiếp học hỏi và giúp đỡ từ các chuyên gia.

KIẾM THỢ BẰNG CÁCH NÀO?

Có cả trăm cách để kiếm thợ như: đăng báo, quảng cáo trên radio, TV, quảng cáo trên websites, quảng cáo nơi các tiệm thực phẩm, v.v. Nhưng quan trọng nhất, Bạn phải biết mục đích của Bạn kiếm thợ loại nào? Nếu ngay cả Bạn cũng không biết mục đích, muốn và cần của Bạn là gì? khách hàng của Bạn muốn gì và cần gì? thì dù Bạn có mướn được thợ, mà không đáp ứng được những nhu cầu của Bạn và khách hàng của Bạn, thì cũng sẽ trở nên vô dụng. Bạn vừa tốn tiền quảng cáo, mà vừa lại bực mình. Do đó, trước khi đăng quảng cáo mướn thợ, Bạn phải tìm hiểu về mục đích, muốn và cần của Bạn trước tiên. Bạn có thể vào Diễn Đàn chủ Nail để tải về bài học thực hành số 1 theo địa chỉ sau:

http://dd.chunail.com (muốn tải được tài liệu này, thì Bạn phải ghi danh làm hội viên của diễn đàn, hoàn toàn miễn phí.)

Sau khi tìm hiểu xong mục đích, muốn và cần của Bạn, thì Bạn mới phát thảo mẫu quảng cáo như thế nào, để tìm đúng được loại thợ mà Bạn mong muốn.

Thí dụ: tiệm của Bạn là khách sang, cần thợ có tay nghề giỏi. Như vậy, trong 5 loại thợ, thì thợ tự kiêu chính là thợ Bạn phải tìm. Cách thức quảng cáo và nội dung quảng cáo cho mỗi loại thợ sẽ khác nhau. Đơn cử như sau:

BẠN LÀ NGƯỜI TỰ KIÊU?

Nếu Bạn tự kiêu…Bạn có tay nghề giỏi?
Nếu Bạn tự kiêu…Bạn có khả năng…
khiến cho các khách hạng sang của chúng tôi phải vừa lòng?
Nếu Bạn tự kiêu… dám gánh trách nhiệm?

Khách hàng chúng tôi và chúng tôi sẵn sàng THÁCH THỨC Bạn.

Nếu Bạn chứng minh… Bạn đúng là người tự kiêu.
Chúng tôi sẽ thua Bạn ½ tuần lương.
Nếu Bạn chưa đủ “tự kiêu”,
xin miễn gọi: 123.345.5678

Dĩ nhiên, đây chỉ là mẫu quảng cáo để bạn tham khảo, và chắc chắc Bạn sẽ chưa bao giờ đọc được mẫu quảng cáo kiểu này. Nhưng đây là mẫu quảng cáo khá thú vị, vì Bạn biết Bạn đang muốn gì, Bạn đang cần gì, và Bạn cũng biết được cá tính của thợ tự kiêu là gì, và họ có khả năng gì. Bạn dám thách thức họ, và họ cũng sẽ sẵn sàng “khiêu chiến” với Bạn. Đi làm mà có chủ biết thưởng thức được tài năng của mình là một chuyện rất hiếm xẩy ra. Cho nên, khi có người chủ biết thưởng thức họ, họ sẽ trung thành hơn, và làm việc sốt sắng hơn. Thêm vào đó, là Bạn sẽ tránh gặp phải những người thợ “dở dở ương ương” sẽ khiến cho khách của Bạn sẽ bất mãn vì phong cách phục vụ, và sẽ bỏ đi.

Tóm lại, muốn tìm thợ thì không khó, nhưng khó nhất là: Bạn đã biết làm Chủ hay chưa? Nếu Bạn chưa hoàn thiện được 10 điều sai lầm và 12 điều cần có, thì cho dù Bạn có tốn bao nhiêu tiền, dùng bao nhiêu quyền lợi để khéo thợ về tiệm Bạn, Bạn cũng sẽ luôn “khát” thợ, vì chẳng có thợ nào chịu nổi tánh khí “tam bành lục tặc,” hay cư xử không công bằng của Bạn cả.

Đó là chưa kể “lời đồn” khó đỡ. Cho nên, trước khi muốn tìm thợ, thì Bạn phải biết làm chủ đã.

Khi Bạn làm chủ đúng cách, thì thợ của Bạn sẽ giới thiệu Bạn bè của họ cho Bạn. Họ sẽ lôi kéo bạn bè của họ, mà không cần đến Bạn phải ra tay.  Và Nếu như Bạn có phải ra tay, thì Bạn phải biết Bạn sẽ thích hợp với loại thợ nào? Tiệm và khách của Bạn sẽ thích hợp với loại thợ nào? Rồi Bạn sẽ soạn mẫu quảng cáo thích hợp cho mẫu người đó mà thôi. Đừng có đăng quảng cáo theo kiểu chung chung như trên các mặt báo:

Cần thợ Nail

Tiệm ở North Phoenix, cần thợ Nail kinh nghiệm, biết làm bột.
Bao lương $800-$900. Tiệm vùng Mỹ Trắng Tip cao,
làm việc vui vẻ, thoải mái.

Xin liên lạc 123.234.3456

Bạn hãy thử so sánh mẫu quảng cáo này với mẫu quảng cáo thí dụ ở trên xem, có khác biệt hay không? Nếu Bạn là người tự kiêu, Bạn sẽ hứng thú với mục quảng cáo nào?

Hãy bắt đầu bằng cách nhìn lại chính Bạn. Và Bạn chỉ có thể là một người chủ thật sự, khi Bạn có thể làm chủ được những cảm xúc của Bạn.

Có thể nói, tất cả các bí quyết để quản lý thợ của Bạn có thành công hay không, đều phụ thuộc vào cách bạn kiểm soát cảm xúc của Bạn có vững vàng hay không. Nếu Bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của Bạn một cách vững vàng, thì suốt đời Bạn, sẽ mãi là người chủ “khát” thợ hay “đói” thợ mà thôi.

Thất bại hay thành công trong cửa tiệm hay cuộc đời của Bạn, không nằm trong tay thợ của Bạn, hay của người khác, mà đang nằm trong chính đôi tay của Bạn.

Hãy trở về với chính Bạn, và tìm xem mục đích sống của Bạn là gì? Bạn Muốn gì? và Cần gì?




Bạn Là Ai

Lời Ngỏ: Sự chuyển biến chính trị ngày 30 tháng 4 năm 1975 đă khiến cho hơn một trăm ngàn người Việt phải bỏ nước ra đi, và định cư khắp nơi trên thế giới. Trong số hơn một trăm ngàn người đó, thì người Việt được định cư tại Hoa Kỳ là đông nhất, đặc biệt là tại tiểu bang California.    

Teppi Hedren, người nữ tài tử xinh đẹp trong phim The Bird, với tấm lòng nhân ái đă có mặt ngay những buổi đầu tiên nơi trại tỵ nạn Sacramento (một trong những trại tỵ nạn chuyển tiếp đầu tiên của hơn một trăm ngàn người Việt ở trên) để giúp đỡ những người Việt tỵ nạn. Nhìn thấy đôi bàn tay với những chiếc móng sơn tô xinh đẹp của bà Teppi, những người phụ nữ Việt Nam đă tỏ ra hứng thú và khao khát được học hỏi. Thấy được những khát khao và mong mỏi đó, bà Teppi đă đem người thợ làm móng tay cho bà vào trại tỵ nạn để chỉ dạy cho 20 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên. Sau đó, bà Tippi lại đi xa thêm một bước nữa, là thuyết phục trường Citrus Heights Beauty School ở gần Sacramento để chấp nhận huấn nghệ cho những người học viên Việt Nam này.

Trải qua 40 năm, từ tấm lòng nhân ái và sự giúp đỡ nhiệt tình của bà Tippi, cộng thêm sự cần mẫn, khéo tay, chăm chỉ của 20 người phụ nữ Việt Nam đầu tiên, mà ngày nay cộng đồng nghành Nail của người Việt đã đã lan rộng hầu hết trên 50 tiểu bang của Hoa Kỳ như Bạn đã biết hôm nay, và chiếm 51% thị trường, trong khi Mỹ trắng chỉ chiếm 40%, và 9% còn lại thì chia đều cho các sắc dân khác.    

Trong 40 năm qua, nghành nail đã nuôi sống rất nhiều gia đình người Việt.  Hầu hết gia đình nào cũng có một, hoặc vài người bà con, hay bạn bè làm chủ/thợ hoặc, làm công việc liên quan đến nghành nail. Hơn thế nữa, nghành nail đã sản sinh ra khá nhiều triệu phú người Việt. Họ đã dùng công sức và sự nhạy bén trong kinh doanh để đạt được những thành công vượt bực.

Tuy nhiên, bên cạnh những sự thành công vượt bực đó, chúng ta cũng nghe và thấy rất nhiều tới những vấn nạn đã và đang xảy ra, và ngày càng nhiều hơn, trong chính nghành làm đẹp này. 

Những vấn nạn mà chúng tôi muốn nói tới liên quan tới luật thuế, quản lý cơ sở kinh doanh, quản lý nhân viên, phục vụ khách hàng, phát triển doanh nghiệp,v.v. Những vấn nạn này, không phải chỉ là chuyện “gió thoảng qua đường,” mà hệ quả tai họa của nó là dẫn nghành nail của người Việt chúng ta, theo chiều hướng đi vào ngõ cụt (dead end). (Trong những bài viết sắp tới, chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào những nghiên cứu, phân tích đối với những vấn nạn này; và nếu như Bạn nào nóng lòng muốn đọc và học về những phương pháp này, thì Bạn có thể vào phần Diễn Đàn trong website này)

Vì đã từng chứng kiến, và nghe khá nhiều về những thở than, thất vọng, chán chường, thối chí của nhung người quen đã từng làm thợ, làm chủ tiệm Nail, và đã từng trắng tay đôi ba lần. Cũng từ những khuyến khích, đòi hỏi của các người quen, chúng tôi gồm một nhóm người đã từng hoạt động và làm việc trong các lĩnh vực như: thương mại/tiếp thị/tâm lý (business/marketing/psychology).v.v. muốn đem những kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi được để chia xẻ lại cho các Bạn trong nghành làm đẹp, hầu có thể giúp các Bạn tránh được những sai lầm không đáng có. Từ đó, có thể đưa thương nghiệp của các bạn gia tăng lợi nhuận và có thể tiến vững mạnh hơn trong tương lai.

Qua những nghiên cứu tìm hiểu trong lĩnh vực kinh doanh, đặt biệt là nghành Nail, chúng tôi nhận thấy rằng: hầu hết tất cả những người chủ nail (hoặc thợ đang trong giai đoạn chuẩn bị làm chủ) thường thiếu sót rất nhiều những yếu tố để trở thành một người chủ giỏi, hầu có thể đưa doanh nghiệp của mình đi lên trong thời gian dài. 

Và một trong những yếu tố căn bản nhất, mà bắt buộc họ phải có, đó là: Họ Phải Biết Thật Rõ, Mình Là Ai

Có thể Bạn hơi ngạc nhiên, hay cười khi chúng tôi viết vậy?  Nhưng thật sự , điều này chính là vấn đề cốt lõi mà chúng tôi, qua phỏng vấn, trò chuyện, tiếp xúc với rất nhiều chủ tiệm nail, đã biết họ rất thiếu, và thiếu một cách rất trầm trọng. 

Chính vì vậy, nên chúng tôi mới có bài viết này.  Chúng tôi muốn mời Bạn, hãy nhín một chút thời gian của Bạn để tìm hiểu Thật Rõ Bạn Là Ai? trước khi Bạn đi xa hơn nữa, trên con đường phát triển kinh doanh tiệm Nail của Bạn.

Nếu Bạn không phải là chủ nail (hoặc thợ muốn làm chủ trong tương lại), và Bạn đang có ý định thay đổi công ăn việc làm, hoặc trước khi phiêu lưu trong một lĩnh vực nào đó, bài thực tập dưới đây, sẽ giúp cho Bạn hiểu rõ hơn về chính bản thân Bạn, trước khi Bạn “ra tay” (take action).

Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cảm ơn báo Việt Lifestyles đã đồng ý hỗ trợ trong việc đăng tải những bài viết, nghiên cứu, phân tích của chúng tôi, để giúp cho nghành nail của người Việt chúng ta ngày một thêm phát triển tốt đẹp hơn.

BÀI THỰC TẬP

Nếu tôi hỏi Bạn, Bạn thật sự Hiểu gì về Bạn? Bạn thật sự Biết gì về Bạn? Bạn thật sự là ai?

Thì Bạn sẽ trả lời ra sao?

Chắc chắn, mỗi Bạn sẽ có cách trả lời khác nhau. Nhưng quan trọng nhất, Bạn phải trả lời như thế nào, để giúp cho Bạn hiểu sâu, hiểu xa về Bạn, chứ đừng trả lời “hời hợt ngoài da”.

Mở đầu Bài thực tập, Bạn sẽ phải “ứng phó” ngay với lời nguyện, và Bạn phải ký tên phía dưới lời nguyện. Vì sao?

Bởi vì, lời nguyện không phải là lời hứa. Khác nhau giữa lời nguyện và lời hứa đó là: lời hứa thì có thể làm, có thể không làm. Nhưng đã là lời nguyện thì trở thành “bắt buộc” không làm không được. Cho nên, trong kinh Phật, khi hướng dẫn đại chúng thực tập những phương pháp chuyển hoá khổ đau, Đức Phật không bao giờ dùng những lời hứa, mà mỗi việc cần thay đổi, đều dùng bằng chữ nguyện.

Thế nên, trước khi thực tập, Bạn phải điền tên của Bạn vào. Bạn phải đọc hết lời nguyện (dĩ nhiên, Bạn có thể thay đổi nội dung lời nguyện, không cần theo câu mẫu của chúng tôi). Như vậy đã đủ chưa? Xin thưa chưa đủ. Vì cả hai điều trên, vẫn chưa đủ để tạo thêm những động lực lớn, giúp cho Bạn kiên trì. Cho nên, Bạn phải ký tên của Bạn vào, để khẳng định, Bạn sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với vơ/chồng, con cái, người thân của Bạn, nếu như Bạn không thực hành nghiêm túc.

Như vậy, Bạn thấy đây không phải là bài thực tập “chơi chơi, sao cũng được,” mà đòi hỏi, ngay từ bước đầu, Bạn đã phải rất coi trọng và rất nghiêm túc. Chắc lại có ít Bạn thắc mắc, là tại sao chúng tôi chỉ biết làm khó các Bạn khi “bắt”  các Bạn phải nghiêm túc, còn chúng tôi thì không?

Xin thưa với Bạn, nếu khi Bạn nghiên túc, và chỉ cần nhìn vào cách chúng tôi trang trí bằng lời nguyện lên ngay đầu trang, Bạn sẽ thấy, không phải chỉ có Bạn là nghiêm túc trong thực hành, mà chính chúng tôi, khi soạn bài thực tập này cho Bạn, chúng tôi cũng phải rất nghiêm túc và cẩn trọng. Chúng tôi phải biết tại sao Bạn phải cần có lời nguyện. Lời nguyện đó sẽ tác động như thế nào đến cuộc đời Bạn? Rồi khi nguyện thì Bạn phải làm gì? Và khi Bạn hoàn thành lời nguyện thì Bạn sẽ được những gì?

Vì vậy khi Bạn thực tập, Bạn có thể yên chí rằng, Bạn không thực tập “mình ên,” mà Bạn luôn có chúng tôi, là những người Bạn, đang đồng hành cùng Bạn.

Kế tiếp sau chữ ký của Bạn, là những câu hỏi để giúp Bạn, nhìn sâu vào trong “ngã thức” của Bạn. Mỗi một câu hỏi đều đòi hỏi Bạn cần phải “động não”.

Bạn nên nhớ, đây là Bạn đang đi tìm hiểu về Bạn, chứ không phải Bạn đang “trả bài” cho chúng tôi. Cho nên, chúng tôi và ngay cả những người thân của Bạn cũng không biết. Vì thế, Bạn không cần phải giấu giếm bất cứ điều gì đã và đang xẩy ra với Bạn? Càng đào sâu, càng thấy nhiều khuyết điểm, ưu điểm của Bạn chừng nào, thì Bạn càng có lợi chừng nấy. Nếu như Bạn có khá nhiều khuyết điểm, thì sau khi nhìn sâu, nhớ rõ, Bạn có thể “đốt” các tờ đó đi, cũng tốt thôi. Không có gì phải e ngại.

Có tất cả 27 câu hỏi để Bạn có thể “làm quen” với “chính Bạn.” Bạn có thể chia ra mỗi ngày thực tập, suy tư, tìm hiểu “các” câu trả lời (chứ không phải một câu trả lời) của vài ba câu hỏi. Hay Bạn có thể trả lời hết 27 câu, và những ngày kế tiếp Bạn lại tìm những câu trả lời mới. Bạn chọn cách nào cũng được cả. (Đừng nên quá gò bó vào một khôn khổ nào cả, Bạn nhé).

Và điều quan trọng cuối cùng, là mỗi câu hỏi Bạn phải viết tay cả câu hỏi và câu trả lời mà không được đánh máy. Tại sao? Bởi vì khi Bạn viết từng chữ, Bạn không phải chỉ sử dụng các giác quan mà Bạn còn dùng cả ý thức, và tiềm thức, cùng vào làm chung một việc. Cho nên, cơ hội “thẩm thấu” vào tiềm thức, rồi tác động lên “ngã thức” của Bạn sẽ mạnh hơn. Và như thế, cơ hội thành công của Bạn sẽ lớn hơn.

Nếu như trong quá trình thực tập, các Bạn có gặp những thắc mắc hay khó khăn, không biết tỏ cùng ai, mà không thể giải quyết được. Các Bạn có thể vào diễn Đàn chunail.com, và đăng bài viết của các Bạn lên. Chúng tôi sẽ giúp đỡ Bạn, trong thời gian nhanh nhất.

(Chú ý: Nếu Bạn muốn đăng bài trên diễn đàn chunail.com, Bạn phải là thành/hội viên của diễn đàn, nếu không Bạn chỉ có thể đọc bài, mà không thể đăng bài)

Và đây là Bài thực tập của Bạn. Nếu Bạn cần những câu hỏi được thiết kế sẵn cho Bạn (chỉ cần trả lời), thì Bạn cũng có thể vào diễn đàn chunail.com để tải về.

Chúc các Bạn Thực Tập Thành công.

                                                                        BẠN LÀ AI ?

Lời Nguyện (your commitment): Tôi _____________ xin nguyện sẽ thực hành“Nghệ Thuật Thành Công” một cách nghiêm túc để giúp tôi gia tăng lợi nhuận trong thương nghiệp, và cũng là cơ hội để giúp cho gia đình tôi được sống có hạnh phúc và ấm no hơn. Vì bản thân tôi, vì chồng/vợ tôi, vì tương lai con cái của tôi, vì tất cả những người thân thương của tôi, tôi xin nguyện… mỗi một ngày, tôi sẽ dành ra 20 phút để thực tập “Nghệ Thuật Thành Công” “. Và sự thực tập của tôi sẽ bắt đầu từ ngày________ cho đến ngày_________là hoàn tất.

 _________________________________________________________ (ký tên)

I. ƯỚC MƠ VÀ MỤC TIÊU/ĐÍCH CỦA BẠN

  1. Liệt kê năm mục tiêu/đích Bạn muốn đạt được trong cuộc đời của Bạn.
  2. Liệt kê năm mục tiêu/đích Bạn muốn đạt được cho chính Bạn ngay bây giờ.
  3. Liệt kê năm ước mơ Bạn muốn đạt được trong cuộc đời của Bạn.
  4. Liệt kê năm ước mơ Bạn muốn đạt được cho chính Bạn ngay bây giờ hay năm tới.
  5. Ba thay đổi lớn nhất mà Bạn muốn thực hiện trong cuộc sống của Bạn trong ba năm tới là gì?
  6. Ba mục tiêu mà Bạn muốn đạt được trong ba tháng kế tiếp là gì?

II. GIÁ TRỊ CÁ NHÂN CỦA BẠN VÀ CÁC ƯU TIÊN

  1. Liệt kê 4 điều quan trọng nhất trong cuộc sống của Bạn từ xưa tới nay?
  2. Thành tựu nào khiến cho Bạn tự hào nhất trong đời của Bạn, và tại sao?
  3. Những trở ngại khó khăn nhất Bạn đã vượt qua được là gì? Nguyên do nào giúp cho Bạn vượt qua được?

III. TÌNH HÌNH HIỆN TẠI CỦA BẠN

  1. Những gì đã khiến cho Bạn phải/đang đấu tranh với cuộc sống của Bạn?
  2. Những thách thức khó khăn nhất của Bạn đang gặp là gì?
  3. Những vấn đề gì Bạn đang gặp phải bế tắc chưa có cách giải quyết?
  4. Những trở ngại Bạn đang phải đối mặt trong hiện tại và tương lai là gi?
  5. Những gì Bạn đang mong chờ/cần sự giúp đỡ nhiều nhất?
  6. Điều gì đã và đang ngăn cản Bạn trong việc giải quyết những vấn đề, hay vượt qua những trở ngại,khó khăn mà Bạn đang phải đối đầu?
  7. Điều gì làm Bạn nhất muốn thay đổi hoặc cải thiện trong cuộc sống của Bạn ngay bây giờ?
  8. Tại sao Bạn lại muốn tìm kiếm sự thay đổi vào thời điểm đặc biệt này?
  9. Bạn thực sự muốn gì?
  10. Bạn đã thực hiện được những ý muốn của Bạn chưa? Nếu chưa, tại sao?
  11. Bạn thực sự cần gì?
  12. Sở trường của Bạn là gì?
  13. Làm thế nào/bằng cách nào để giúp Bạn phát huy sở trường của Bạn?
  14. Sở đoản của Bạn là gì ?
  15. Làm thế nào/bằng cách nào để giúp Bạn cải thiện sở đoản của Bạn?
  16. Ai là người có sức ảnh hưởng mạnh nhất tới Bạn? Tại sao?
  17. Nếu không có người đó Bạn có bị ảnh hưởng không? Vì Sao?
  18. Nếu như không có người đó tự Bạn có thể thành công không? Tại sao?