Quản lý là gì? Quản lý là chăm nom và sắp đặt công việc. Người quản lý là người chăm nom, săn sóc và sắp xếp công việc sao cho có hiệu quả tốt nhất. Các chủ Nail Việt Nam thường thì chỉ biết dùng cách “quản lý cảm tính” thay vì quản lý kinh doanh.
Quản Lý Tình Cảm
98% các chủ tiệm Nail đều quản lý và điều hành cơ sở của họ theo “quản lý cảm tính.” Vậy quản lý cảm tính là gì?
Quản lý cảm tính là quản lý theo cảm tình, tùy theo ưa thích của mỗi người chủ mà phát triển cơ sở kinh doanh của mình theo sở thích nhiều hơn là theo một kế hoạch, phương án, sách lược, chiến thuật, hay điều hành được định chế hay qui định một cách cụ thể rõ ràng. Vì hay làm theo sở thích – nương dựa trên những kinh nghiệm học hỏi khác nhau, nên mới nhìn sơ qua thì mỗi tiệm cũng có những “nét riêng – trăm hoa đua nở.” Nhưng nếu xem xét kỹ hơn thì lại hoàn toàn giống nhau, vì đều đưa họ vào “chỗ chết.” Sau đây là những “chứng bịnh nan y” mà các chủ tiệm nail Việt Nam đang mắc phải.
1. Hội Chứng 6/4
Hội chứng 6/4 hay hội chứng ăn chia 6/4 là sự phân chia lương bổng theo hình thức 6 phần về thợ và 4 phần về chủ. Ví dụ: một khách phục vụ trả $30 thì người thợ được $18 (30×60%) và người chủ được $12 (30×40%). Trên căn bản về luật lao động thì người chủ có quyền lựa chọn là trả lương cho thợ theo lương giờ hay ăn chia. Dù trả lương cho thợ theo cách nào, thì vẫn phải đáp ứng đúng theo mức lương tối thiểu và lương phụ trội do tiểu bang hay liên bang qui định. Do đó, khi người thợ bắt đầu một ngày làm việc, thì Bộ Lao Động coi đó là thời gian khởi đầu và cứ tiếp tục cộng số giờ từng ngày, cho đến hết một tuần. Thông thường, một người thợ Nail Việt Nam làm 6 ngày trong 1 tuần, 10 giờ trong một ngày, hay 60 giờ trong 1 tuần.
Vì thiếu hiểu biết về luật lao động, nên các chủ tiệm Nail cứ nghĩ đơn giản rằng: hễ đã đồng ý chia 6/4 rồi thì ”lời ăn lỗ chịu.” Nghĩa là nếu tiệm có đông khách thì thợ làm nhiều tiền, mà nếu ít khách thì thợ cứ ngồi chổng cẳng lên coi phim Tàu hay Thúy Nga Paris. Họ không biết rằng, khi thợ của họ mà còn ngồi trong tiệm của họ, thì dù là thợ có làm việc hay không thì vẫn coi đó là “giờ lao động.” Và khi đã là giờ lao động thì người chủ phải trả lương theo số giờ cộng thêm giờ phụ trội nếu có. Như vậy, nếu bình quân một người thợ Nail làm 60 giờ trong 1 tuần thì họ sẽ được trả lương thành 70 giờ lao động (40 giờ bình thường + (20 giờ phụ trội x 1.5= 30 giờ).
Theo qui định của tiểu bang AZ, mức lương tối thiểu là $8.05/1 giờ, thì lương của một thợ Nail trong một tuần là $595. Nếu người chủ nào trả ít hơn số lương đó thì coi như vi phạm vào luật lao động, hay bình dân hơn thì gọi là “bóc lột sức lao động.” Tùy theo thời gian vi phạm, và mức độ sai biệt, mà Bộ Lao Động sẽ định đoạt mức độ phạt nặng hay nhẹ đối với người chủ. Không ít các chủ Nail khi bị Bộ Lao Động “sờ gáy” thì họ đưa ra lý luận rằng, họ với thợ đã đồng ý theo hợp đồng ăn chia 6/4, cho nên, nếu không có khách thì thợ ráng chịu.
Nhưng Bộ Lao Động hoàn toàn không chấp nhận lý do giải thích trên. Đối với luật của Bộ Lao Động, thì bất cứ nhân công nào, khi bắt đầu đến cơ sở kinh doanh, và bấm giờ, thì giờ đó trở thành giờ lao động. Việc cơ sở kinh doanh đó có khách hay phục vụ hay không, đó là trách nhiệm của người chủ. Nếu không có khách, hoặc không có phục vụ, thì người chủ có quyền yêu cầu nhân viên của mình ra về. Nhưng nếu giữ họ lại, thì người chủ phải có trách nhiệm trả lương cho thợ, dù họ có làm việc hay không.
Không ít các chủ Nail dù cố cãi chầy cãi cối và đưa ra muôn ngàn lý do, nhưng vẫn bị Bộ Lao Động phạt vạ. Đơn giản là vì luật lao động đã làm ra để bảo vệ quyền lợi cho nhân công. Khi một chủ doanh nghiệp mở một cơ sở kinh doanh thì trách nhiệm của họ là phải tuân thủ theo đúng luật lao động, chứ không thể nói là chúng tôi không biết nên không có tội, hoặc chúng tôi đã có những hợp đồng riêng giữa chủ và thợ, v.v…
Nguyên do vì sao mà các chủ Nail lại thích dùng hội chứng 6/4? Bởi vì, họ nghĩ rằng họ “thông minh” hơn Sở Thuế và Bộ Lao Động. Họ không muốn chịu nhiều ràng buộc về luật pháp, và họ nghĩ là họ tự đặt ra các hợp đồng theo “ý của họ” thì Sở Thuế và Bộ Lao Động phải bó tay, không làm gì được họ. Sự thật thì họ đã lầm. Cho dù là họ có hợp đồng đi chăng nữa, thì hợp đồng đó cũng vẫn phải tuân thủ theo luật pháp qui định, chứ không phải muốn soạn hợp đồng như thế nào có lợi cho mình là được.
Hơn nữa, Sở Thuế và Bộ Lao Động có rất nhiều quyền mà các chủ Nail không hề nghĩ đến. Chẳng hạn như họ có thể phạt vạ, đóng cửa, tịch biên tài sản, mà còn có thể truy tố kẻ vi phạm ra toà theo tội đại hình. Ở xứ Mỹ này khi đã dính vào tội đại hình thì quả thật là khó thở.
2. Hội Chứng Bao Lương
Hội chứng bao lương hay còn gọi là “hội chứng bảo an” hay “hội chứng giữ thợ” nghĩa là người chủ Nail sẽ đưa ra một mức thu nhập cố định, và sẽ bao lương người thợ mỗi tuần theo một khoảng giá nào đó, nhằm mục đích giữ người thợ đó lại cho tiệm của mình. Có hai loại bao lương: bao thợ tay chân nước, và bao thợ làm móng bột, gel v.v. Giá trung bình cho thợ bao tay chân nước trong 1 tuần (60 giờ) khoảng $550 – $600 và cho thợ móng bột khoảng $750-$800.
Đó là theo cách “sinh hoạt nghành Nail” của miền Đông. Riêng ở miền Tây, nhất là tại AZ và CA, nhiều chủ tiệm vì muốn níu kéo những người thợ giỏi cho tiệm của mình, thì còn đưa ra những “đặc ân” như “hội chứng vừa bao lương vừa ăn chia.” Thí dụ: Một người thợ bao lương tuần là $750. Khi số tiền phục vụ thu nhập của người thợ đó đến mức nào đó, thí dụ như $1,400, thì coi như đủ lương bao. Nếu như trong tuần đó mà người thợ làm được $2,000/1 tuần chẳng hạn, thì số dư ra $600 đó, sẽ chia theo 6/4. Nghĩa là người thợ sẽ được trả thêm $360 nữa ($600 x 60%). Vị chi lương tuần của người thợ bao là $750 + $360 =$1,100.
Mới nhìn sơ qua thì đây cũng được xem là cách hay để giữ thợ (quản lý nhân sự). Nhưng nếu xem xét cho kỹ thì những “hậu chứng” của hội chứng này quả thật khó mà có thể nghĩ bàn. Sau đây là một vài “hậu chứng” nghiêm trọng:
Thứ nhất, vì muốn kiếm đủ số tiền quy định trong 1 tuần, nên các chủ Nail thường dồn khách cho thợ bao, khiến cho họ rơi vào trạng thái tâm lý căng thẳng và ức chế. Vì công việc thường quá tải, họ đành phải làm thiếu tiêu chuẩn, và dẫn đến trạng thái khách hàng khó chịu và bỏ đi. Mất khách thì chủ không đủ sở hụi để chi trả cho thợ, nên chủ lại gia tăng sức ép và dồn khách. Cái vòng lẩn quẩn này cứ thế mà ràng buộc nhau.
Cuối cùng, khi người thợ không còn chịu đựng nổi áp lực đó nữa thì, một là gây với chủ rồi nghỉ việc, hai là tự động nghỉ và kéo khách quen của mình về tiệm mới. Thế là người chủ vừa mất khách lại vừa mất thợ.
Xây dựng được một người khách với những chủ tiệm Nail thiếu kinh nghiệm tiếp thị là cả một chuyện gian nan. Nên cứ mỗi lần mất đi những người khách và thợ như vậy, thì chủ Nail thường “bấn loạn,” và thường đưa ra những quyết định sai lầm liên tục như: giảm giá mạnh để kéo khách, phải trả giá cao hơn để bao lương thợ mới v.v. Từ đó, dẫn đến việc tài chánh thiếu hụt… và cuối cùng dẫn đến lụn bại.
Thứ hai, không phải thợ nào trong tiệm Nail cũng được bao. Thông thường, nếu trong 1 tiệm có 5 thợ thì chủ chỉ có thể bao được 1 hoặc cao lắm là 2 thợ mà thôi. Ngoài thợ bao ra, còn lại là thợ ăn chia. Vì muốn cho “gà của mình” (thợ bao) đủ chỉ tiêu, chỉ có cách duy nhất là dồn khách cho họ. Như vậy, thông thường, nếu chỉ có khách lai rai thì những người thợ ăn chia chỉ ngồi không nhiều hơn làm việc. Ngoài vấn đề không làm thì không có lương và tiền thưởng (tips) ra, người thợ ăn chia còn cảm thấy chủ Nail đối xử bất công với họ. Từ đó, tạo nên sự ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau. Khi còn bị “kẹt” thì họ chịu đựng, nhưng khi có những cơ hội như thợ bao “nổi loạn” thì họ cũng nhân cơ hội này mà “báo thù.”
Không biết bao nhiêu chủ Nail đã phải ngửa cổ than trời vì “thợ phản.” Và cuối cùng đành phải “chết đứng như Từ Hải” mà không biết vì sao?
Thứ ba, là những người thợ ăn chia thường có mức lợi tức thấp hơn mức quy định của chính quyền vì vắng khách. Cho nên khi “cơm không lành và canh không ngọt”, bất mãn, họ sẵn sàng thưa kiện các chủ Nail về tội vi phạm luật lao động. Vì vậy, các chủ Nail thường phải đối phó với những nguy cơ trùng trùng.
3. Hội Chứng 50/50
Hội chứng 50/50 hay còn gọi là “hội chứng làm eo” giữa người thợ và người chủ. Thông thường, các thợ Nail luôn dùng hội chứng này để “bắt ép” những người chủ Nail phải “chịu thuế “ và “trốn thuế” cho họ. Nguyên tắc 50/50 là chủ Nail chỉ có thể trả lương cho họ 50% là check để khai thuế còn lại 50% là tiền mặt (trốn thuế). Nếu chủ Nail nào không đồng ý thì họ sẽ nghỉ việc.
Vì yếu kém về cách quản lý nhân sự và điều hành, nên khi cơ sở kinh doanh của các chủ Nail đang thiếu thợ, thì các chủ Nail thường chấp nhận điều này. Theo luật của Sở Thuế thì bất cứ một chủ doanh nghiệp nào cũng có bổn phận phải khai báo thu nhập của nhân công một cách chính xác và rõ ràng. Người chủ nào khai man, dù dưới bất cứ một tình thế nào, thì người chủ đó cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Chuyện người thợ khai man lương bổng của họ với Sở Thuế là chuyện của họ với Sở Thuế. Còn chuyện người chủ đồng ý với người thợ để khai man cho họ, thì không thể nào không chịu trách nhiệm trước Sở Thuế. Dù rằng, sự thật đó là do sức ép từ người thợ.
Tiếc thay, các chủ Nail cứ nghĩ rằng, nếu có chuyện gì xẩy ra thì cứ dùng lý do là do thợ ép mình làm chứ không phải tự ý mình làm thì Sở Thuế sẽ buông tha. Sự thật thì chưa có ai được tha theo lý do này cả, ngược lại thì hầu như đều “thúc thủ, bó tay, chịu trói.”
4. Hội Chứng Chia Tua/Phiên
Không biết tác giả của hội chứng này là ai? nhưng hội chứng này đã có mặt trong nghành Nail Việt Nam, và đã trở thành một chứng “nan y bất trị.”
Trên nguyên tắc căn bản, hội chứng này được chia như sau: hễ trước giờ mở cửa, người thợ nào đến trước thì được đón người khách đầu tiên, người nào đến kế thì đón khách thứ hai, và cứ tiếp tục xoay vần như thế. Chỉ thoạt nhìn qua thì chúng ta thấy rất công bằng.
Nhưng sự thật thì đây chính là nguyên nhân tạo ra sự rạn nứt, đố kỵ giữa các thợ với nhau. Giả dụ: người thợ thứ nhất đón người khách thứ nhất. Nếu đây là khách dùng sự phục vụ nhiều tiền và xộp, cho tiền thưởng cao, thì người thợ thứ nhất được lời. Sự lời của người thợ thứ nhất sẽ khiến cho người thợ thứ hai hay ba sẽ cảm thấy tức tối, khi khách của họ lại chỉ chọn những cách phục vụ
ít tiền, và có khi còn cho tiền thưởng quá ít. Cho nên, nếu tiệm có thêm những khách mới đang chờ, và họ biết có những người khách cho tiền thưởng cao, thì họ sẽ cố làm cho những khách họ đang có nhanh hơn, để họ đón những khách xộp của họ. Chính vì sự tranh giành này mà đôi khi phẩm chất phục vụ của họ kém hơn bình thường, và tạo ra sự bất mãn và bỏ đi của khách hàng. Thợ này thấy thợ kia làm vậy, thì cũng phải chạy đua để không thua thiệt. Thế là đang từ một tiệm có uy tín lại trở thành một tiệm kém chất lượng. Khách tiếp tục bỏ đi và cuối cùng là đi đến dẹp tiệm. Cho đến bây giờ, vấn nạn này vẫn còn đang tiếp tục xẩy ra và không có lối thoát.
Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều những hội chứng khác nữa, nhưng chỉ với 4 hội chứng nêu trên, nếu vướng phải một điều nào thì cũng đủ điều kiện “rũ áo từ quan” huống hồ chi vướng vào cả “tứ chứng.” Nguyên do chỉ vì thiếu, yếu kém trong quá trình quản lý và điều hành.