Yếu Kém Về Tiếp Thị
Tiếp Thị là gì? Tiếp là đưa ra, đưa vào, thêm vào; Thị là chợ. Tiếp thị là đưa ra những thông tin, dữ liệu, sản phẩm hay dịch vụ đến với khách hàng, nhằm mục đích gia tăng niềm tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp. Trong tiếp thị bao gồm phần quảng cáo (khích thích người tiêu dùng tiêu thụ sản phẩm hay dịch vụ).
Không ít những doanh nghiệp Mỹ, mặc dù họ có tính luôn học hỏi cao độ nhưng cũng thường vấp phải lầm lẫn giữa tiếp thị và quảng cáo. Điểm lầm lần lớn nhất là “quảng cáo cũng là tiếp thị” Nghĩa là cứ đem sản phẩm hay dịch vụ ra chào hay giảm giá thì coi đó là tiếp thị.
Hãy tưởng tượng, bạn có một sản phẩm hay dịch vụ mới mà khách của bạn lại không có đầy đủ các thông tin, dữ liệu cần thiết, họ cũng không biết doanh nghiệp của bạn là ai, thì làm sao mà họ có đủ niềm tin để tiêu dùng sản phẩm hay dịch vụ của bạn cho được?!
Muốn họ tiêu dùng, thì bạn phải có được sự tin tưởng của họ, rồi bạn cho họ đầy đủ những thông tin, dữ liệu mà họ cần phải biết về sản phẩm hay dịch vụ đó. Khi họ đã biết rõ ràng rồi, thì bạn mới dùng đến quảng cáo để khuyến khích họ tiêu dùng.
Thí dụ: hãng Apple lần đầu tiên họ đưa ra sản phẩm Iphone. Trước tiên họ không tiếp thị đến tất cả mọi người, mà chỉ lựa chọn những khách hàng cũ đã có niềm tin vào hãng của họ. Dựa vào niềm tin này, họ đưa ra những thông tin, dữ liệu liên quan đến chức năng hữu dụng của chiếc Iphone. Khi những người khách hàng của họ đã bắt đầu hiểu các chức năng thì họ bắt đầu quảng cáo sự ích lợi và khuyến khích người tiêu dùng nên làm chủ lấy chiếc Iphone. Hiệu quả là trong năm đầu tiên hơn vài triệu chiếc Iphone bán không còn một chiếc, và còn biết bao người nếu muốn có nó phải đặt hàng trước cả năm. Sự thành công của Apple là biết tiếp thị đúng người (dùng khách hàng cũ đã có niềm tin vào công ty của họ) và tạo nên kỳ tích trong nghành tiếp thị và quảng cáo. Nói một cách đơn giản hơn, tiếp thị là khí huyết của một doanh nghiệp, nếu “khí hư, huyết trệ” thì doanh nghiệp đó khó mà có thể thành công được.
Như chúng tôi đã trình bầy, 98% các chủ tiệm Nail người Việt đều xuất thân từ thợ. Họ không có được sự đào tạo căn bản về tiếp thị. Cho nên, khi làm chủ một doanh nghiệp thì họ cứ thấy ai làm gì thì làm theo, mà họ không biết khách hàng của họ là ai, họ cần gì? Làm sao để giới thiệu dịch vụ của họ đến với khách hàng cho có hiệu quả? Khi nào thì nên dùng đến quảng cáo, và ngôn ngữ quảng cáo phải thế nào? Thậm chí, có nhiều tiệm vắng khách quá đành phải hy sinh một số tiền khá lớn để quảng cáo trên báo. Tuy đăng quảng cáo nhưng họ cũng không biết là phải quảng cáo ra sao? Họ làm giống như họ bắt buộc phải làm vậy, còn kết quả ra sao thì cũng đành phải chịu.
Thí dụ: Có rất nhiều chủ tiệm nail chúng tôi tiếp xúc đã dùng phương pháp ValuePak để “build” khách, nhưng có mấy ai biết, hay để ý rằng, với “thời đại” smart phone ngày nay, ValuePak đã mất rất nhiều giá trị hữu dụng – nếu bạn là chủ nhà và nhận được phong bì ValuePak trong đống mail của bạn, thì bạn sẽ làm gì? Vất thùng rác hay mở ra xem? – thống kê cho thấy 80% sẽ vất vào thùng rác). Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến không ít chủ tiệm Nail đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang,” và cuối cùng đi đến dẹp tiệm hay bán tiệm.
Ngày nay, các chủ doanh nghiệp Mỹ đã tốn hàng chục tỷ dollar mỗi năm cho các dịch vụ cố vấn tiếp thị. Mục đích chính của họ là sử dụng những kinh nghiệm (sở trường) của những nhà cố vấn tiếp thị để bổ khuyết cho những thiếu sót về cách tiếp cận, xây dựng niềm tin, sách lược và chiến thuật cho doanh nghiệp của họ. Không ít những doanh nghiệp tuy đã có những giám đốc về tiếp thị, họ vẫn phải chi trả một số tiền khá lớn cho các nhà cố vấn khác. Bởi vì, tiếp thị thì luôn luôn thay đổi. Không có một tiếp thị nào có thể tồn tại vĩnh viễn, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật thông tin như hiện nay.