1

Một Vài Suy Nghĩ Về “The Best Job” Ở Mỹ

Trong nhiều lúc trà dư tửu hậu, một số bạn bè đặt cho chúng tôi (vì biết chúng tôi có cơ hội gặp gỡ với nhiều khách hàng trung lưu và khá giả) những vấn đề rất thú vị.  Một số vấn đề (hay câu hỏi) xoay quanh công ăn việc làm, và họ muốn biết cái việc làm (job) nào là “the best job” và dân giàu có định nghĩa thế nào.  Câu hỏi này làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều và buộc chúng tôi phải đi làm research.

Sẽ có rất nhiều người với nhiều định nghĩa khác nhau về “best job”.    

Một số cho rằng việc mình đang làm là “best job”.  Nếu vậy thì chúc mừng cho Bạn vì Bạn đã tìm được công việc mà mình yêu thích.  Theo như research của Gallup Poll năm 2013 thì chỉ có 13% người đi làm cảm thấy gắn liền với công việc họ đang lắm.  Số còn lại 87%  – thì không tìm thấy hạnh phúc, và vui vẻ trong việc họ làm.  Chúng tôi không nghĩ rằng những con số nầy thay đổi nhiều trong 4 năm qua.

Một số khác cho rằng những việc làm giúp đỡ những người khác trong xã hội như bác sĩ, y tá, lính cứu hỏa, các vị linh mục, hòa thượng, v.v. là “best job”.  Đây chỉ là một số rất ít nghề nghiệp trong xã hội mà chúng tôi liệt kê – còn hàng trăm nghề khác để giúp người trong xã hội – mà chúng tôi nghĩ và phục họ bởi vì chỉ có sự đam mê, tinh thần hy sinh cao cả cho xã hội thì họ mới theo đuổi (nghề).

Một số khác (số nầy hầu hết là thuộc lớp người millenniums – số người khoảng 25 đến 35) thì “best job” đối với họ là sự tự do, độc lập, không bị ràng buộc bởi khoảng thời gian 9-5 mỗi ngày.  Đối với họ thì không có sự tách biệt nhiều giữa cuộc sống (life) và công việc (job) trong cuộc sống hàng ngày của họ. Với họ thì không chỉ bị “ràng buộc” phải chỉ một “best job” mà họ có thể có nhiều job khác nhau kể từ lúc họ tốt nghiệp đại học (hầu hết lớp người millenniums có nhiều điều kiện và môi trường thích hợp để giúp họ tốt nghiệp đại học).

Chúng tôi cho rằng những suy nghĩ và cách nhìn về một “best job” ở trên đều đúng.  Để có một cuộc sống thăng hoa, vui vẻ hạnh phúc thì Bạn phải trước tiên yêu thích công việc Bạn đang làm.  Bởi về Bạn sẽ bỏ 8 đến 10 giờ mỗi ngày (hơn 1/3 thời gian Bạn có trong một ngày) trong việc làm thì tốt nhất là Bạn yêu thích nó.  Nếu không thì Bạn sẽ rất khổ sở và … unhappy … trong cuộc sống của mình.    (Chúng tôi không phải là bác sĩ nhưng tin rằng rất nhiều bệnh của cuộc sống hiện đại ngày nay đều phát xuất từ “stress”.)

Trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn chia sẻ với Bạn một cái nhìn khác về “best job”.  Chúng tôi xin nhắc lại rằng chúng tôi hoàn toàn đồng ý một “best job” là phải đem lại được niềm vui trong cuộc sống của Bạn, cho dù đó là job gì đi nữa.  Bạn cần có sự đam mê (passion) trong việc mình làm mỗi ngày.  Nếu Bạn chưa có sự đam mê, hay vẫn chưa chọn được “best job” thì có thể Bạn cần dành thời gian tìm hiểu qua sách vở, người thân, bạn bè, và chính bản thân mình những công việc làm nào mà mình thích, và hợp với khả năng trình độ của mình.  Tác giả bài viết này đã từng tốt nghiệp và làm kỹ sư, và đã bỏ một khoảng thời gian dài đề cuối cùng tìm cho chính mình một công việc khác hoàn toàn thích hợp với cá tình, trình độ, và sở thích hơn trong nghành địa ốc.

Dĩ nhiên một “best job” cũng phải giúp Bạn trả bill hàng háng.  Nếu Bạn nói “best job” của Bạn là ngắm mặt trời mọc cho đến mặt trời lặn với ly margarita bên cạnh một mỹ nhân ở bãi biển nào đó ở Hawaii thì quả thật rất lý tưởng.  Nhưng nếu việc ngắm mặt trời này không đem lại một đồng bạc nào (ít nhất để mua được ly margarita) thì “best job” này kéo dài được bao lâu?!  Nhưng nếu như Bạn lập được hội “ngắm mặt trời mọc, mặt trời lặn” ở Hawaii và charge mỗi hội viên một số tiền nào đó để để trả bill cần thiết thì ngắm mặt trời thật là “best job” (nếu Bạn có best job như vậy thì cho chúng tôi biết để chúng tôi … bắt chước nhé).

Chúng tôi đã phỏng vấn và nói chuyện với nhiều người, đọc nhiều sách, tham khảo nghiên cứu và cuối cùng đi đến kết luận … thật sự không có “free lunch”[1] trong việc tìm một “best job”.  Một job nào đi nữa, dù là “best job”, Bạn vẫn phải đầu tư thời gian và tiền bạc và sức lực của mình.  Cả những công việc làm nhiều tiền nhất như luật sư hay bác sĩ mổ/gây mê, họ cũng phải bỏ ra biết bao nhiêu thời gian học hành, thực tập, thi cử[2], v.v. để được một việc làm income cao.

Tuy nhiên sau khoảng thời gian tìm hiểu nghiên cứu và suy nghĩ chia sẻ suy nghĩ với nhiều người thân quen, chúng tôi cho rằng “best job” là job mà Bạn không phải làm nhiều mà vẫn có tiền.

“Best job” mà chúng tôi nghĩ đến là những khoản đầu tư của Bạn, ngoài công việc chính hàng ngày của Ban.

Chắc Bạn đã nghe câu nói “… nothing can be said to be certain, except death and taxes”[3]?.  Dịch nôm na là”… không có gì bảo đảm cả ngoại trừ cái chết và thuế”.  Nói về thuế[4] thì tùy theo mức income của Bạn và Bạn sẽ trả thuế theo phần trăm nào.  Trung bình Bạn sẽ trả khoảng 28%-35% tiền thuế trên mức income của Bạn làm trong năm.  Nhiều không?  Nếu giống như nhiều người khác thì chắc Bạn cũng ít nhiều méo mặt khi phải ký check trả tiền thuế cuối năm.

Nhưng Bạn có biết rằng mức thuế áp dụng cho đầu tư của Bạn chỉ vào khoảng 15% đến tối đa là 20%?!  Tùy theo Bạn giữ (hold) cái khoản investment của Bạn bao lâu (thông thường trên 1 năm) và investment nầy tốn bao nhiêu thời gian của Bạn (IRS muốn xem đây là investment hay là job hàng ngày của Bạn) để IRS “giúp đỡ” giảm thuế cho Bạn.

Nếu là ordinary income thì mục thuế là 30%; nếu là investment income thì mức thuế là 15%.

Còn khoản investment nào là do chính Bạn quyết định.  Bạn có thể đầu tư địa ốc (nhà của, building, đất đai), cổ phiếu, công ty, v.v.  Bất cứ những gì Bạn muốn đầu tư.

Chúng ta thường nghe những câu đại loại như, “Làm cho nhiều đóng thuế hết cũng vậy thôi”.  Câu này cũng không đi xa quá thực tế là bao nhiêu nếu như Bạn cố gắng làm nhiều trong công việc chính của Bạn.  Thí dụ Bạn làm cho một công ty với số lương $60,000 một năm.  Nếu Bạn cố gắng làm việc chăm chỉ trong cả năm.  Vì sự cố gắng của Bạn nên công ty tặng Bạn một tiến thưởng bonus $10,000 và lên lương cho Bạn 5%.  Vì vậy tính ra income của Bạn trong năm qua được 60,000 + 5%x60,000 +10,000 = $73,000.  Cho rằng Bạn trả thuế trung bình 30%.  Thay vì Bạn phải trả thuế $60,000 x 30% = $18,000, Bạn sẽ trả $73,000 x 30%  =  $21,900.  Nói một cách khác là Bạn sẽ trả thêm gần $4,000 tiền thuế cho IRS.

Nhưng nếu số tiền $10,300 extra không phải từ công việc chính của Bạn, mà có từ những khoản đầu tư của Bạn thì Bạn chỉ trả 15% x 10,300 =  $1,545.

Trong thí dụ trên, tùy theo hình thức đầu tư của Bạn, ngoài phần Bạn save được gần $2,500 tiền thuế Bạn có thể thêm được những phần “extra” khác.  Nếu đầu tư vào địa ốc như nhà cửa hay building, Bạn có thể deduct tiền closing costs.

Dĩ nhiên để đầu tư vào một cái gì đó, trong buổi ban đầu Bạn sẽ tốn thời gian, tiền bạc, sức lực để tìm hiểu vấn đề.  Nhưng một khi Bạn đã hiểu rõ thì Bạn sẽ bớt tốn đi rất nhiều những yếu tố này mà Bạn vẫn được có income – mà không phải trả thuế cao.

Việc Bạn trả mức thuế thấp cho những khoản đầu tư của mình là hoàn toàn hợp luật.  Luật thuế (về investment) được đặt ra là để khuyến khích mọi người đầu tư.  Đây là điểm mà thành phần trung lưu trở lên (của Mỹ) biết rất rõ và biết cách tận dụng tối đa.  Những khoản tiền họ để dành (từ công việc chính hàng ngày của họ) đều được cho vào những hình thức đầu tư sinh lợi.

Còn gì bằng nếu một lúc nào đó income của Bạn từ những khoản đầu tư lại cao hơn nhiều so với tư công việc hàng ngày của Bạn?  Khi đó Bạn khỏi lo sợ việc Bạn bị mất job.

Một điều hiển nhiên mà rất nhiều người chúng ta không để ý cho đến khi quá trễ.  Khi chúng ta càng lớn tuổi thì khả năng kiếm tiền chúng ta càng bớt đi – tay chân chậm chạp, mắt mờ, đầu óc không sáng suốt nhanh nhẹn.  Và khi đó nếu Bạn, lúc trẻ, biết để dành đầu tư vào cái gì đó sinh lợi, thì cuộc sống về già của Bạn sẽ thoải mái hơn.

Tác giả (bài viết này) nhớ hoài việc (và chắc chắn Bạn cũng đã nghe và thấy nhiều chuyện tương tự) cặp vợ chồng bảo trợ (sponsor) người Mỹ của gia đình chúng tôi khi chúng tôi mới đến Mỹ ở tiểu bang Iowa.  Họ chỉ là thành phần trung lưu (middle class) bình thường của Mỹ.  Điểm tôi nhớ là họ luôn dành dụm và đầu tư vào nhà cửa và building (họ lúc đó khoảng 45-50 tuổi).  Thật sự lúc đó tác giả chỉ biết vậy và phục họ vì họ “có nhiều nhà cửa”, nhưng chẳng biết gì mấy về vấn đề đầu tư.  Cho đến khi vào học business, tôi mới thấy rất rõ ràng động lực nào thúc đẩy họ đầu tư vào địa ốc.  Người chồng mất lúc còn trẻ (khoảng gần 60 tuổi), bà vợ thì vì có những căn nhà và building cho thuê nên sống rất thoải mái cho mãi đến bây giờ.

Để thấy rõ hơn một chút về việc tận dụng luật IRS khuyến khích đầu tư, chắc Bạn cũng đã nghe và thấy qua TV ứng cử viên tổng thống Mitt Romney của đảng Cộng Hòa năm 2012?  Đảng Dân Chủ muốn hạ ông ta nên la làng lên là Romney chỉ trả mức thuế 14%, trong khi mọi người phải trả 30%.  Chúng tôi không phải là CPA nên không đi sâu vào chi tiết của sự việc, nhưng có tìm hiểu một chút.  Thật ra Romney trả mức thuế cao, chứ không phải chỉ đơn thuần 13%.  Nhưng vì ông ta biết tận dụng những khoản giúp đỡ các hội từ thiện (Mitt Romney theo đạo Mormon và rất sùng đạo), và đặc biệt những khoản income ông có được là từ những hình thức investment của ông ta – vào business và địa ốc.    

Nếu Bạn muốn biết rõ chi tiết thì có thể vào link này http://money.cnn.com/2012/09/21/pf/taxes/romney-tax-return/.  Đây là bài viết trên website của hãng thông tấn CNN – nổi tiếng là thân đảng Dân Chủ (đối nghịch với đảng Cộng Hòa của Romney).  Tác giả bài viết phân tích rất rõ ràng và dễ hiểu, và kết luận mọi việc làm, đầu tư, hay trả mức thuế thấp của Romney đều hợp luật.  Chúng tôi đặc biệt để ý câu kết luận của tác giả, “The reason Romney’s rate is so low — despite having one of the highest incomes in the country — is because his income was derived almost entirely from capital gains and dividends from his extensive portfolio of investments. And that form of investment income is typically taxed at just 15%, well below the 35% top tax rate for high earners.” Tạm dịch là “Lý do mà mức thuế của Romney rất thấp – mặc dù income của ông ta thuộc loại cao nhất – là bởi vì income của Romney hầu hết có từ capital gains[5] và dividends[6] từ những khoản đầu tư.  Và income (đầu tư) này chỉ bị đánh thuế ở mức 15%, rất thấp so với 35% cho những người làm nhiều tiền.”

Dĩ nhiên Bạn và chúng tôi chưa phải là multimillionaire nên chưa có tiền mướn luật sư hay CPA thật giỏi và đắt tiền để giúp mình bớt thue, nhưng nếu Bạn và tôi áp dụng phương cách đầu tư của những “đại gia” như Mitt Romney thì chắc cũng không tệ lắm.

Vậy Bạn đã tìm được “best job” cho mình chưa?  Chúc Bạn sớm thành công.

[1] Chúng tôi có viết một bài liên quan đến khái niệm “free lunch” trong bài “Bạn Đã Chuẩn Bị Gì Chưa Cho Quãng Đời Còn Lại Của Mình” đâu đó trong trang web này

[2] Theo một số thông tin trên Internet, một người cần phải bỏ ra khoảng 10-13 năm để trở thành một bác sĩ chuyên khoa (specialist) kể từ lúc bước vào ngưỡng cửa đại học.

[3] Theo rất nhiều tài liệu thì Benjamin Franklin là người nói câu này.

[4] Mỗi người có hoàn cảnh tài chính khác nhau, chúng tôi muốn nhấn mạnh Bạn cần tham khảo với CPA của Bạn trước khi đầu tư.

[5] Capital gains là số tiền Bạn có được khi bán.  Thí dụ Bạn mua căn nhà để đầu tư $100,000, sau một năm căn nhà trị giá $120,000.  Sau khi trừ chi phí mua bán (đây là một điểm son nữa trong việc đầu tư vào địa ốc), sửa chữa (ví dụ tổng cộng là $5,000), Bạn chỉ còn lời $15,000 thì con số này là capital gains.

[6] Dividends là phần chia lời khi Bạn đầu tư vào một công ty.  Thí dụ Bạn là một trong 5 cổ đông của một công ty.  Cuối năm công ty, sau khi trừ tất cả chi phí, lời được $50,000.  Vì vậy Bạn được chia dividends là $10,000.