Nếu chủ đề lần trước chúng tôi đã chia xẻ với Bạn về những yếu tố cần thiết để có được sự An Cư Lạc Nghiệp, thì chủ đề hôm nay, chúng tôi xin chia xẻ với Bạn, làm sao có thể sử dụng phòng Bếp của Bạn, để thắp sáng Từ Bi và Tuệ Giác đang có sẵn trong Bạn, được phát huy một cách rực rỡ hơn.
Từ, Bi và Tuệ, Giác là bốn chất liệu vô cùng quan trọng trong việc đem đến sự Bình An, Hạnh Phúc, Vui Tươi trong cuộc sống của con người.
Từ là đem niềm vui đến cho người khác. Bi là lấy, hay làm vơi đi niềm đau nỗi khổ cho người khác. Tuệ là khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp theo chiều sâu; và Giác là nhận ra, biết ra.
Bốn chữ Từ, Bi, Tuệ, Giác thường được sử dụng trong kinh điển của Phật Giáo. Nhưng thật ra, đó không phải là “ bản quyền – copyright” của Phật Giáo, mà đó là Bản Tính sẵn có nơi mỗi con người. Nhưng vì chúng ta không hiểu được giá trị và định nghĩa đúng đắn của 4 từ trên; cho nên, chúng ta không biết cách ứng dụng làm sao để đem đến sự Bình An, Hạnh Phúc cho mình và cho người. Chính vì vậy, bài viết này, chúng tôi xin chia xẻ với Bạn một góc nhìn mới. Một góc nhìn mà Bạn đã có sẵn, nhưng không biết làm sao để phát huy hết giá trị đích thực của Từ Bi và Tuệ Giác đang có trong Bạn.
Hãy tưởng tượng, khi một người thân của bạn bị cảm cúm, Bạn vào bếp, và nấu cho người thân của Bạn một chén cháo, ăn để giải cảm, có phải Bạn đang thực hiện lòng từ bi không? Chắc chắn là vậy rồi. Vì sao? Vì Bạn đang tìm cách làm vơi bớt đi sự đau đớn mà người thân Bạn đang gánh chịu, và bạn mong muốn chén cháo giảm cảm của Bạn, sẽ giúp cho người thân của Bạn sớm hồi phục, mạnh khỏe và vui tươi. Lấy đi niềm đau ra khỏi người thân, đó là lòng Bi, và đem lại sự vui, mạnh khỏe, cho người thân, đó chính là lòng Từ.
Như vậy, Bạn đâu cần phải đi làm biết bao việc thiện, bạn phải tu tập khổ nhọc, Bạn phải ăn chay trường, mới có thể phát huy, hay phát triển được lòng Tư Bi đâu. Mà chỉ cần, khi Bạn chú tâm, để ý vào làm một việc gì cho một ai đó, mà việc làm của Bạn, có khả năng lấy ra hay làm vơi đi sự khổ đau cho người khác, thì lòng Bi trong Bạn đang được thắp sáng. Và khi Bạn, cũng để hết tâm ý, quan sát tỉ mỉ, để đem đến niềm vui và sự an lạc cho người khác, thì Bạn đang thể hiện lòng Từ.
Như vậy, lòng Từ Bi không phải là một điều gì “xa tầm với”, ở tận cõi nào, mà nằm ngay trong chính Bạn. Chỉ cần Bạn hiểu rõ được định nghĩa một cách đúng đắn, thì Bạn không cần mong cầu, hay phải lặn lôi đi khắp mọi nơi, để tìm cầu lòng Từ Bi, mà Bạn có thể thực hiện ngay với những người thân đang sống chung quanh Bạn. Bạn hãy thực tập thể hiện lòng Từ Bi mỗi ngày trong cuộc sống, và biến đó thành thói quen, thì đời sống của Bạn sẽ luôn có hạnh phúc và bình An. Vì sao? Vì Từ và Bi chính là hai trong bốn chất liệu quan trọng để tạo ra Bình An và Hạnh phúc. Không có lòng Từ Bi thì cuộc sống của Bạn sẽ chìm trong đau khổ và vô vị.
Tương tự như Từ Bi, Tuệ Giác cũng là hai chất liệu quan trọng khác. Nhưng Tuệ và Giác nếu đem so với Từ Bi, thì Tuệ và Giác quan trọng hơn, bởi vì, nếu không có Tuệ và Giác, thì lòng Từ Bi khó có thể thể hiện được sự tinh tế nhất.
Thí dụ: Khi người thân của Bạn bị cảm, và bạn đi nấu cháo giải cảm cho người thân của bạn, vì sao? Vì Bạn muốn người thân của Bạn sớm được khỏe mạnh. Nếu trong suốt qúa trình Bạn nấu cháo, mà Bạn lại bận suy tư, lo âu về những chuyện khác, hay Bạn cảm thấy bực dọc khó chịu, hay Bạn cảm thấy phiền toái, thì những nguồn năng lượng tiêu cực đó sẽ được “thẩm thấu” vào chén cháo mà Bạn đang nấu. Và khi người thân của Bạn ăn phải chén cháo với nguồn năng lượng tiêu cực đó. Thay vì họ sẽ sẽ hưởng được lòng Từ Bi của Bạn, thì họ sẽ nhận được những “độc dược” từ những tư duy tiêu cực của Bạn.
Chính vì vậy, sự có mặt của Tuệ (khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp theo chiều sâu) và Giác (nhận ra, biết ra) sẽ giúp cho Lòng Từ Bi ban đầu của Bạn, được duy trì và “gởi gấm” vào trong chén cháo một cách dồi dào và trọn vẹn .
Phương pháp nấu ăn có Tuệ Giác là phương pháp quan sát tâm ý trong qúa trinh nấu ăn để nhận ra những trạng thái tâm lý trong nấu ăn đang là trạng thái gì. Nếu trạng thái tâm lý đang nấu ăn là lòng Thương, lòng Từ, Lòng Bi, Bình An, Vui Vẻ thì Bạn hãy tiếp tục tập trung vào lòng yêu thương hay lòng Từ Bi đó, bằng cách gia tăng sự suy nghĩ đến những việc đẹp, tốt, đáng yêu mà người thân đã làm cho Bạn, mà không để bất cứ một ý niệm như: lo âu, phiền toại, buồn bực, sợ hãi v.v. nào chen vào.
Nếu như chẳng may Bạn không có thể duy trì lòng thương, lòng Từ hay lòng Bi mà trong lòng Bạn bắt đầu “nổi sóng” thì bạn nên dừng lại việc nấu ăn, hay bạn đã nấu xong, thì Bạn cũng đừng cho người thân của Bạn ăn. Bởi vì, Bạn đã nhận ra (Giác) thức ăn bạn nấu với nguồn năng lương tiêu cực sẽ trở thành “độc dược” đối với người thân của Bạn. Thay vì họ sẽ sớm hồi phục, khỏe mạnh và sống vui tươi thì bịnh của họ sẽ trở nên nặng hơn, tinh thần của họ sẽ thấm những độc tố: buồn phiền, lo âu, phiền toái từ bạn, và cuối cùng, họ sẽ đem những phiền não, khổ đau của họ trao tặng lại cho Bạn.
Như vậy nhờ có Tuệ giúp cho Bạn có thể tập trung sâu hơn để nghĩ về những điều tốt đẹp và duy trì sự tốt đẹp đó trong suốt qúa trình nấu, và Giác giúp cho bạn nhìn sâu hơn để hiểu được tại sao người thân của Bạn sau khi ăn những thức ăn của Bạn nấu xong lại trở nên dễ, cáu gắt, bực bội, bất mãn, khổ đau hay trở nên vui tươi, mạnh khỏe yêu đời.
Con người ta ăn để sống,nhưng nếu những thực phẩm chúng ta ăn, đều được tẩm bằng những chất liệu độc hại như: lo âu, phiền não, căng thẳng, phiền muộn, bực tức, thù hận, ganh ghét v.v. thì chẳng trách sao cuộc đời của chúng ta luôn chìm trong khổ đau, bịnh tật .
Hãy biến nhà bếp của Bạn thành nơi để thắp sáng lòng Từ Bi và Tuệ Giác của Bạn. Bạn hãy bắt đầu bằng việc thực tập thành những thói quen như:
- Nhất định không nấu ăn khi lòng Bạn đang lo âu phiền não, buồn bực hay có những suy nghĩ tiêu cực
- Không nghe bất cứ loại nhạc, âm thanh nào trong lúc nấu ăn để Bạn có được sự tập trung cao nhất
- Bạn chỉ nấu ăn khi bạn có được sự Bình An, Vui Vẻ, Yêu Thương, Hạnh Phúc
- Khi nấu ăn, Bạn luôn nghĩ đến những điều tốt lành, và gởi tình yêu thương của Bạn qua thực phẩm, món ăn, thay vì dung lời nói
Chỉ cần Bạn duy trì thực tập trong vòng 30 ngày, thì Bạn sẽ tập thành những thói quen tốt. Chính những thói quen tốt này sẽ giúp Bạn thắp sáng lòng Từ Bi và phát huy Tuệ Giác của Bạn, để đem đến sự Bình An và Hạnh Phúc cho Bạn, và cho tất cả những người thân yêu của Bạn.